Đội tuyển Việt Nam gặp Indonesia: Có gì dùng nấy!
Gần như không thay đổi so với danh sách dự Asian Cup và cùng với một quãng thời gian ít đến mức tối thiểu trước trận lượt đi trên đất Indonesia, có thể nói đội tuyển Việt Nam cùng HLV trưởng Troussier đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn...
Thực ra việc không có gương mặt mới trong đợt triệu tập cho vòng loại World Cup 2026 cũng đã được dự đoán từ trước. Từ sau Asian Cup 2023 và Tết Nguyên đán đến nay, V-League đã phải đá dồn dập 5 vòng đấu nhưng HLV Troussier chỉ có mặt trực tiếp tại Việt Nam xem được 2 vòng, trong đó có 2 vòng ông bỏ lỡ vì chuyến công tác tại Nhật Bản và gặp Công Phượng.
Có hai cách hiểu về quá trình chuẩn bị của HLV Troussier. Thứ nhất và cũng dễ đoán nhất là nhà cầm quân người Pháp vốn đã có sẵn kế hoạch nhân sự của mình. Không phải bây giờ mà có thể là ngay từ lúc tiếp quản ghế HLV đội tuyển Việt Nam.
Cần nhớ rằng ông Troussier đã từng nhiều năm làm việc ở Việt Nam nên chuyện ông xác lập quan điểm sớm cũng không khó hiểu. Và vì đã chọn xong bộ khung của mình, thì phần còn lại chỉ là theo dõi phong độ, chấn thương của nhóm cầu thủ ấy. Thiếu ai thì chỉ tìm người cùng vị trí mà bổ sung, thế thôi. Cách làm này từng có ở thời HLV Alfred Riedl, một người đến từ nước Áo.
Cách hiểu thứ 2, đó là ông Troussier không tin V-League sẽ giúp ông có thêm nhân tố mới để cải thiện chất lượng đội hình, nghĩa là có xem thêm 1-2 vòng đấu thì cũng vậy. Thực tế thì giả thuyết này cũng đúng. Trong bối cảnh mà đội tuyển luôn "khát" tiền đạo, thì bao năm qua V-League "cung cấp" thêm được ai? Không ai cả.
Nguyễn Đình Bắc là "người của ông Troussier". Trong khi đó, vì Tuấn Hải chấn thương mà ông Troussier lại chọn Nhâm Mạnh Dũng và Công Phượng để thay thế. Họ đều ở rất xa những gì tốt nhất của mình, thậm chí chỉ mài đũng quần trên ghế dự bị suốt 2 năm qua. Hiểu theo cách nào, thì cũng chỉ có một kết luận: Bóng đá Việt Nam đang khủng hoảng nhân sự. Nặng nay nhẹ, còn tùy vào quan điểm và góc nhìn.
Chúng ta có thể không hài lòng về cách ông Troussier trao quá nhiều cơ hội cho các cầu thủ ít được thi đấu, nhưng phải thành thật rằng V-League cũng không phải là môi trường đủ tốt để tạo ra liên tục, đều đặn các tài năng mới.
Hiểu một cách đơn giản, nếu bản thân các CLB cũng cứ giữ rịt bộ khung, không mạo hiểm đổi mới lối chơi hay con người, thì lấy đâu ra những điều mới mẻ trong bối cảnh mà khâu đào tạo và sân chơi cho cầu thủ trẻ vẫn chẳng có gì thay đổi?
Trở lại với bản danh sách của HLV Troussier, và tạm chấp nhận tinh thần "thôi thì có gì dùng nấy", chúng ta nhìn thấy được gì?
Với việc gọi lại một loạt cựu binh quen thuộc dưới thời HLV Park Hang Seo, thì có thể chia 2 đội hình rất tách biệt. Một đội hoàn toàn cũ với 13 cái tên từng dự AFF Cup 2022 cùng người tiền nhiệm của ông Troussier.
Đội thứ 2 chính là những người mà ông Troussier đã xem xét, thử nghiệm suốt 1 năm qua nhằm phù hợp với triết lý bóng đá của ông. Nhưng điều đáng nói là những nhân vật tưởng là mới ấy, thực ra cũng cũ. Như trường hợp Xuân Mạnh, Hai Long, Văn Khang, Văn Việt, Việt Hưng, Mạnh Dũng…đều từng được triệu tập trước đây.
Thế nên nhiều người tin rằng HLV Troussier đang dần thay đổi sự lạc quan của mình đối với tham vọng dự World Cup. Cái cách mà ông trao cơ hội cho Công Phượng và Nhâm Mạnh Dũng thực sự gây sốc.
Họ không chỉ sở hữu phong độ không thật ấn tượng, mà còn không có nhiều thời gian làm quen với lối chơi dưới thời của ông Troussier. Cho dù đó là các phương án mang tính dự phòng, chưa chắc đã sử dụng, nhưng nếu giả sử chúng ta đứng ở góc độ của HLV Shin Tae Yong bên phía Indonesia thì chẳng khác gì đội tuyển Việt Nam đang phô bày toàn bộ điểm yếu.
Điều đó thật nguy hiểm. Indonesia chắc chắn không phải là đối thủ quá mạnh so với chúng ta, nhưng suốt một thời đoạn lịch sử, chính Indonesia mới làm cho bóng đá Việt Nam "khóc hận" nhiều nhất.
Xa thì có Tiger Cup 2000, 2004. Gần thì có AFF Cup 2016, SEA Games 2017, Asian Cup 2023. Nghĩa là ở những thời điểm quan trọng, có ý nghĩa đến sự vươn lên của bóng đá Việt Nam, thì Indonesia lại giống như viên đá ngáng đường "định mệnh".
Liệu điều đó có lặp lại?