100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận: Người mở đường vào cánh đồng âm nhạc dân tộc
Chân dung và sự nghiệp của nhạc sĩ Đỗ Nhuận(10/12/1922 -18/5/1991) - vị Tổng thư ký đầu tiên, có nhiệm kỳ hoạt động lâu năm nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-1983), người được ví như ngọn cờ đầu của âm nhạc cách mạng Việt Nam - đang được tái hiện trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm sinh của ông.
Cùng với lễ phát hành bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ, hội thảo khoa học Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời diễn ra cuối tuần qua cũng mang đến những góc nhìn phong phú và đa chiều về người nhạc sĩ vô cùng đa tài và đa sắc này.
Xây nền móng
Sinh ra ở Hải Dương (tại làng Vạc - nay là thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) nhưng tuổi trẻ của nhạc sĩ Đỗ Nhuận lại gắn bó với thành phố Hải Phòng. Còn sự nghiệp của nhạc sĩ được trải dài theo những cung đường đất nước mà ông đã đi qua. Đặc biệt, trong những chuyến đi ấy, ông đã tích lũy được cho mình những nguồn tư liệu sáng tác đặc sắc từ những làn điệu dân ca Thái, Mông, Tày, Ví giặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, dân ca Nam Bộ, Chăm, Tây Nguyên…
Với công chúng, nhạc sĩ Đỗ Nhuận được biết đến nhiều ở các sáng tác ca khúc như Du kích ca, Nhớ chiến khu, Du kích sông Thao, Áo mùa Đông, Giải phóng Điện Biên, Việt Nam quê hương tôi, Trông cây lại nhớ đến Người, Hành quân xa, Vui mở đường, Trai anh hùng gái đảm đang… Các ca khúc của ông có tính phổ cập cao bởi lời ca là ca từ của đời sống, được viết với lối diễn đạt tự nhiên và gần gũi từ những sắc màu dân ca.
Tuy nhiên, đó chỉ là một góc rất nhỏ trong sự nghiệp đồ sộ của ông. Sự "vĩ mô" trong cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn nằm ở thể loại khí nhạc khi ông viết rất đa dạng các sáng tác dành cho trường ca, hợp xướng, hòa tấu nhạc cụ, giao hưởng, ca cảnh, nhạc phim, nhạc múa rối…
Là người đầu tiên đưa thể loại opera vào Việt Nam với sự ra đời của 2 vở nhạc kịch tiêu biểu: Cô Sao (1965) và Người tạc tượng (1971), nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã nâng tầm cho thể loại này ở Việt Nam qua nhiều công trình lý luận nghiên cứu trong và ngoài nước.
Ngay trong hội thảo khoa học Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời, tiến sĩ Kanoh, Haruka đến từ Nhật Bản cũng trình bày bản tham luận với chủ đề Hoạt động ngôn luận của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và sự ra đời của nền nhạc kịch Việt Nam, bày tỏ sự quan tâm của mình đối với những tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đối với thể loại này.Điều đó cho thấy, thể loại opera nói chung và nhạc kịch của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã vượt qua biên giới, không cần phiên dịch khi đến với bạn bè quốc tế.
Nhưng cũng chính từ những góc nhìn của thế giới, nền âm nhạc Việt Nam lại càng cảm thấy tự hào với những nền móng mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã xây dựng cho nền âm nhạc nước nhà. Bởi khi theo đuổi thể loại được coi là "hàn lâm" thuộc vào hàng "cao cấp" nhất, điều mà tiến sĩ Kanoh, Haruka nhìn thấy ở nhạc sĩ Đỗ Nhuận đó chính là nguyện vọng có được một vở nhạc kịch của riêng Việt Nam.
Nói như nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: Khát vọng kết hợp hài hòa tính dân tộc và hiện đại luôn thôi thúc nhạc sĩ Đỗ Nhuận vươn tới thể loại thanh nhạc quy mô lớn, chính là opera. Cũng chính vì thế, nhạc sĩ Đỗ Nhuận vẫn giữ kỷ lục là người viết nhạc kịch nhiều nhất cho đến thời điểm này.
Một Đỗ Nhuận hài hước và lãng mạn
Âm thanh cuộc đời của nhạc sĩ Đỗ Nhuận nếu khai thác ở góc độ chuyên môn, đó sẽ là giai điệu của những quãng 4, 5, 7 hay 8 được sử dụng một cách tài tình và sáng tạo. Đó là tiết tấu với sự biến hóa từ nhịp lẻ cho đến nhịp trống ngũ liên được đưa vào ca khúc. Và đặc biệt, với hòa âm, phối khí, ông là người sử dụng những chuyển điệu đột phá từ mẫn cảm bản năng thay vì khuôn mẫu.
Đặc điểm độc đáo này trong bút pháp của ông đôi khi đã thách thức những nhạc công đệm hát vì họ không biết phải bắt đầu từ đâu ngay từ khúc dạo đầu.
Nhưng ở góc độ cuộc sống, âm thanh cuộc đời của nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong mắt gia đình, đồng nghiệp và những hậu bối, có lẽ đến từ một người nhạc sĩ có tính hài hước (humor) cao. Tính hài hước không chỉ trở thành một đặc điểm trong âm nhạc của ông qua loạt ca khúc như Tôi thích thể thao (ca khúc với lời ca chỉ dùng vần T), Đèn cù, Các cụ già bắn rơi máy bay, Giặc đến nhà ta đánh… mà còn tặng cho ông một biệt danh: Đỗ Nhộn.
Trong cuộc "mổ xẻ" về sự nghiệp của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhiều nhạc sĩ đã nghĩ mình "đụng hàng" nhau khi có cùng suy nghĩ muốn chia sẻ về ông nhưng không vì thế mà không còn gì thú vị để bàn luận.
Sự rôm rả khi nhắc đến nhạc sĩ Đỗ Nhuận được cụ thể hóa bằng chính âm nhạc của ông qua phần minh họa của học trò ông là nhạc sĩ Doãn Nho, Đỗ Hồng Quân cho đến các "phát hiện" của nhà báo Nguyễn Lưu khi "soi" về yếu tố lục thanh trong âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận mà tìm mãi không thấy lỗi nào.
Nhạc sĩ Cát Vận bày tỏ ấn tượng về tài năng làm chủ ngôn từ nên không có một bài thơ nào được phổ nhạc từ nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Các nhạc sĩ cũng nhắc đến ca khúc Hành quân xa được xem là đại diện tiêu biểu cho thể loại hành khúc Việt Nam cho đến tận bây giờ (hành khúc dân tộc, được phân biệt với thể loại hành khúc của âm nhạc phương Tây (marche).
Cũng không chỉ là một người hài hước, nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn là người khá lãng mạn, tình cảm và mang một tâm hồn dân tộc đậm nét. Tính dân tộc thấm vào con người ông một cách thuần Việt từ thuở 17, với những làn điệu dân ca mà ông mê đắm như bài Xuân nữ cho đến quan điểm và tư tưởng làm nghề. Với ông, tính dân tộc là khái niệm động - chuyển động theo thời cuộc mà không tĩnh tại. Ông từng chia sẻ suy nghĩ về tính dân tộc: "Tiếng đất, tiếng tre, cả tiếng kèn đồng, opera, điện ảnh, kịch nói… không phải do cha ông để lại mà du nhập vào, nhưng có lợi cho cách mạng thì có tính dân tộc".
Chính vì thế, nhạc sĩ Đỗ Nhuận được định vị là ngọn cờ đầu hay cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Nhưng với gia đình ông, đại diện là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thì Đỗ Nhuận chính là người mở đường vào cánh đồng âm nhạc dân tộc.
Sinh vào năm Nhâm Tuất (năm nhuận 2 tháng 5) nên nhạc sĩ Đỗ Nhuận được bố mẹ đặt tên đầy đủ là Đỗ Văn Nhuận, sau ông đổi bút danh là Đỗ Nhuận.