Âm vang mới từ 'Tiếng vạc sành'

Cách đây nhiều năm, sân khấu IDECAF đã dựng vở Tiếng vạc sành. Đây là một vở ăn khách của Trung Dân vì chạm đến nhiều nỗi đau của đời sống thôn quê thời kỳ đô thị hóa. Năm nay, Tiếng vạc sành tái xuất tại IDECAF với một sắc thái mới, ê-kíp mới và tên gọi mới: Má ơi út về! (đạo diễn: Thanh Thủy).

Nét sâu lắng của vở kịch này là tình mẫu tử đẹp và buồn, còn nét hấp dẫn là tiếng cười hồn hậu và chất phác của người sông nước miền Tây.

Đề tài không bao giờ cũ: Tình mẫu tử

Cách đây gần 20 năm, nghệ sĩ Trung Dân viết kịch bản Tiếng vạc sành là vì anh đau đáu trước thực trạng thanh niên nông thôn bị cám dỗ bởi vấn nạn ma túy. Từ bi kịch này, bao nhiêu gia đình miền quê tan nát vì có con cháu nghiện ngập, sinh ra bao nỗi đau đời. Anh muốn thông qua vở kịch của mình gửi đến công chúng một lời nhắc nhở: Hãy gìn giữ con em tránh xa cạm bẫy để khỏi rơi vào vòng xoáy tội lỗi.

Âm vang mới từ 'Tiếng vạc sành' - Ảnh 1.

Ngoài vai trò đạo diễn, Thanh Thủy còn lấy người mắt khán giả với vai người mẹ

Theo góc nhìn của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, kịch nói rất cần hơi thở thời đại, tức là cập nhật những gì đang diễn ra ở hiện tại, được xã hội quan tâm. Trong khi đó, chủ đề chính và không khí kịch của Tiếng vạc sành ngày xưa không còn nóng hổi trong giai đoạn hiện tại. Vì vậy, khi đạo diễn Thanh Thủy muốn tái dựng lại kịch bản này, đã cân nhắc rất nhiều. Thế nhưng, với sự quyết tâm của cả ê-kíp, ông bầu Tuấn đã đồng ý, chỉ với lời nhắn gửi là hãy thổi sắc thái mới mẻ vào vở diễn này.

Đạo diễn Thanh Thủy đã làm xuất sắc điều ấy. Có rất nhiều mảng miếng hiện đại được chị cài đặt để tạo ra tiếng cười thú vị. Ví dụ như ngày nay, người ta thường trêu đùa những kẻ thích nói đạo lý, nhưng sống giả tạo. Hoặc là những nghi ngờ về giới tính của cậu Út (Quang Thảo thủ vai), già mà không chịu cưới vợ, hễ ai hù giật mình là kêu la: "Đừng có hãm tao, đừng có hiếp tao". Cái sự cười mang hơi hướm hiện đại này còn được nhấn nhá thêm qua câu nói của người anh (Quốc Thịnh) với cậu Út: "làng trên xóm dưới ai cũng đồn cậu chơi bê-đê, con xin cậu, bê-đê ở khắp cù lao này nhiều lắm rồi, cậu đừng có bê-đê nữa".

Âm vang mới từ 'Tiếng vạc sành' - Ảnh 2.

Cái hay, cái mới của Thanh Thủy là đã đưa trọng tâm câu chuyện từ "cái chết trắng" sang tình mẫu tử. Cái tựa mới Má ơi út về! cũng đã nói lên điều đó. "Má" và "út" là 2 từ thân thương trong đời sống và quan hệ gia đình của người Nam bộ. Để từ đó, nỗi đau người mẹ (Thanh Thủy) đã làm thổn thức con tim người xem.

Lối diễn xuất nội tâm của Thanh Thủy đã khiến khán giả cay xè đôi mắt. Ánh mắt mừng vui khi con trai út về nhà, chuyển sang lo lắng khi phát hiện ra bí mật động trời của nó, rồi đau khổ tột cùng trước bi kịch mà nó gây ra - những cung bậc cảm xúc đó được chị diễn tả càng lúc càng cao trào. Qua diễn xuất và cách dàn dựng của Thanh Thủy, người ta chợt nhớ lại rằng đề tài tình mẫu tử sẽ không bao giờ cũ, vì nó mãi mãi tạo nên một cảm xúc vô cùng mãnh liệt.

Âm vang mới từ 'Tiếng vạc sành' - Ảnh 3.

Đại Nghĩa (phải) vào vai một chủ trại hòm kiêm cò đất

Nói về dàn dựng, Thanh Thủy còn chứng tỏ kinh nghiệm dạn dày qua rất nhiều chi tiết. Tiêu biểu là cách chị sử dụng ánh sáng. Không gian căn nhà lá miệt sông nước được thắp sáng bằng ánh đèn dầu. Khi bà mẹ phát hiện ra bí mật của con trai mình, bà đã từ từ tắt ngọn đèn ấy như mượn bóng tối che giấu tội lỗi. Hành động đó cũng thể hiện được mâu thuẫn nội tâm của người mẹ trong việc bảo vệ con mình.

Cũng ngọn đèn ấy, người mẹ trao cho con dâu út trở về nhà trong đêm tăm tối với lời dặn "ánh sáng của ngọn đèn sẽ chỉ lối con về đúng hướng". Ca khúc ở đoạn kết về tình mẫu tử cũng là một dấu ấn đẹp trước khi khán giả rời khỏi khán phòng.

Tiếng cười thú vị

Như trên đã nói sơ lược về yếu tố hài hước của vở diễn. Tiếng cười duyên dáng là điều cần phải kể thêm của Má ơi út về!. Đại Nghĩa vào vai một chủ trại hòm kiêm cò đất xôi thịt, nhưng hài rất duyên dáng. Riêng cảnh Ba Hòm quảng cáo dịch vụ mai táng của mình đã khiến khán giả cười lăn lộn.

Âm vang mới từ 'Tiếng vạc sành' - Ảnh 4.

Quốc Thịnh (trái) với lối nhấn nhá câu chữ hóm hỉnh

Quốc Thịnh với lối nhấn nhá câu chữ hóm hỉnh đặc thù luôn khiến khán giả bật cười bất ngờ. Quang Thảo dù không mạnh về hài, nhưng cũng đã có nhiều tình huống gây cười. Đình Toàn (người em) diễn ngọt ngào vai một kẻ nghiện ngập phạm tội. Bốn nhân vật này đã tung hứng ăn ý với nhau để tạo nên được tiếng cười trong một câu chuyện đầy nước mắt.

Bản dựng mới còn có sự đóng góp của họa sĩ Lê Văn Định trong vai trò thiết kế. Cái vách nhà tranh có cửa sổ treo đèn dầu, cây cầu khỉ bằng gỗ tràm đã tái tạo sống động không gian miền quê sông nước. Những ai hiểu về văn hóa Nam Bộ sẽ phát hiện ra thôn quê miền Tây ít khi dùng tre làm vật dụng, nên gỗ tràm là một thực tế. Điều này khác với miền Đông dùng nhiều tre trúc.

Nhìn chung, từ một kịch bản hay của Trung Dân, Thanh Thủy đã dựng lên một vở kịch đậm đặc không gian Nam Bộ với quá nhiều cảm xúc. Có thể hơi chủ quan một chút khi nói rằng Má ơi út về! sẽ là một kịch mục mạnh của IDECAF trong năm 2024 về cả thông điệp và nghệ thuật, về cả cách kể chuyện của đạo diễn và khả năng diễn xuất của diễn viên.

Nguyễn Huy

Link gốc: TTVH