Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2023: Bản lĩnh người sáng tạo và hội đồng lựa chọn
"Giải thưởng năm 2023 qua các tác phẩm và qua sự lựa chọn các vòng hội đồng cũng như sự chuẩn y của ban chấp hành, nhìn tổng quát, nổi lên một đặc điểm, đó chính là bản lĩnh. Bản lĩnh người sáng tạo và bản lĩnh hội đồng lựa chọn" - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương khẳng định tại lễ trao giải diễn ra sáng qua, 27/2 tại Hà Nội.
Đây cũng là dịp tổng kết đợt 1 Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi.
Văn xuôi được mùa, văn học dịch bỏ trống
Năm nay, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam trao cho 6 tác phẩm ở các hạng mục văn xuôi, thơ, lý luận phê bình và văn học thiếu nhi. Riêng hạng mục văn học dịch không có tác phẩm được trao giải.
Về văn xuôi, có 3 tác phẩm được trao, gồm tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Một, tiểu thuyết Tuyệt không dấu vết (NXB Trẻ) của Nguyễn Việt Hà, tập truyện ngắn Một mùa Hè dưới bóng cây (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Tham Thiện Kế.
Việc trao giải thưởng cho cùng lúc 3 tác phẩm ở hạng mục văn xuôi năm nay, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, với 3 phong cách khác nhau, thậm chí 3 quan niệm nghệ thuật khác nhau, cho thấy tinh thần phóng khoáng trong nhìn nhận, chấp nhận mọi khuynh hướng, phong cách nghệ thuật. Nhìn cụ thể ở từng tác phẩm, ta sẽ thấy, bằng bản lĩnh người viết, mỗi tác giả đều mang đến dấu ấn riêng biệt trong sáng tác của mình.
Theo ông Phương, Tuyệt không dấu vết của Nguyễn Việt Hà cho thấy bản lĩnh của người nắm chắc kỹ thuật, dám bước những bước dài tới sự pha trộn thể loại để tìm ra một công thức cho riêng mình, cả trên phương diện phản ánh những vấn đề nhân sinh trong xã hội đương thời lẫn mỹ cảm nghệ thuật.
Trong khi đó, Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một thể hiện bản lĩnh qua góc nhìn nhận độc lập, khách quan trước những vấn đề vốn đã được mặc định, từ đó soi chiếu về sự tồn tại đầy kiên cường, cũng đầy tính may rủi của cá nhân con người trong những giai đoạn, những tình thế lịch sử hiểm nguy.
Còn Một mùa Hè dưới bóng cây của Nguyễn Tham Thiện Kế can đảm ở sự phá vỡ cấu trúc câu và làm mới ngôn ngữ theo cách của riêng mình, mà vẫn tạo được sự thấu cảm với người đọc.
Đặc biệt, ông Phương còn nhấn mạnh: "Nhìn lùi lại, ở tổng thể, ta lại thấy lựa chọn trao cho cùng lúc cả 3 tác phẩm cũng thể hiện bản lĩnh của ban chấp hành. Bởi động thái này, dù muốn hay không, cũng phần nào khiến giới yêu văn học có dịp gợi liên tưởng và so sánh với sự kiện trao giải văn xuôi năm 1991, cách đây 33 năm".
Theo đó, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 trao cho Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng. Đây đều là những tác phẩm có tiếng vang và có sức sống cho đến tận ngày nay.
Về thơ, lý luận phê bình, văn học thiếu nhi, giải thưởng năm nay trao cho tập thơ Đồng sen tàn (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Phúc Lộc Thành, chuyên khảo Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do (NXB Hội Nhà văn) của Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương, tập truyện dài Cá linh đi học (NXB Kim Đồng) của Lê Quang Trạng.
Dấu ấn của văn học thiếu nhi
Ngoài tập truyện dài Cá linh đi học (NXB Kim Đồng) của Lê Quang Trạng được đánh giá cao, mùa giải thưởng 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam còn để lại nhiều dấu ấn khác ở mảng văn học thiếu nhi.
Minh chứng có thể thấy tại tổng kết Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 năm 2021 - 2023, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao 15 giải trên tổng số 246 tác phẩm tham dự.
Cụ thể, 1giải Nhất được trao cho tác giả Dương Thị Thảo Nguyên với bản thảo văn xuôi Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp. 2 giải Nhì được trao cho tác giả Nguyễn Thị Cẩm Hà (Hà Mi) với bản thảo văn xuôi Hạt dẻ ơi, về nhà thôi và Mai Quyên với bộ sách thơ Dắt mẹ đi chơi (Đố mẹ, Dế mèn học chữ). 5 giải Ba thuộc về các tác giả, tác phẩm: Đào Quốc Vịnh với Những đôi mắt khoảng trời, Phạm Thanh Thúy với Con cáo lửa, Nguyễn Thị Như Hiền với Đi bắt nỗi buồn, Nguyễn Minh Khiêm với Sông vừa đi vừa lớn và Đinh Công Thủy với Cái bếp kể chuyện.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 7 giải Khuyến khích cho các tác giả có tác phẩm chất lượng.
Đánh giá về chất lượng, nhà văn Nguyễn Bình Phương khẳng định các tác phẩm được trao giải đã cho thấy sự phong phú mà văn học viết cho thiếu nhi có thể chạm tới.
"Đó là cách viết hết sức đa dạng, sinh động, giàu mỹ cảm với sự pha trộn của nhiều hình thức thể loại, thoát khỏi sự câu nệ vào các quy chuẩn, cũng như những khuôn sáo để tiến đến sự diễn đạt, truyền đạt tốt nhất, chính xác nhất. Đáng mừng là trong đó có sự khởi sắc của những thể loại vốn chưa được lưu tâm phát triển trước đây như giả tưởng và khoa học viễn tưởng. Tín hiệu ấy cho thấy các tác giả đã chú trọng cân bằng cả nội dung lẫn hình thức để gia tăng độ gần gũi cũng như tính thuyết phục, cuốn hút với bạn đọc thiếu nhi".
Mặt khác, điểm nổi trội nhất của các tác phẩm chính là việc đã hạn chế những bài học gượng ép, giáo điều to tát, mà chú trọng đến khơi gợi trí tưởng tượng trong từng chi tiết nhỏ của đời sống để giáo dục về nhân tính. Các tác giả đã nỗ lực tiến sát với thế giới tâm hồn thiếu nhi bằng các sáng tác nổi trội tính gợi mở, vừa ngộ nghĩnh, vừa gần gũi, qua đó mang tới cho các em những bài học định hướng giàu tinh thần nhân văn.
Điều này đúng với tinh thần mà tác giả Dương Thị Thảo Nguyên (sinh năm 1996) gửi gắm qua nhân vật con mèo đen trong tác phẩm Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp đã giành giải Nhất tại Cuộc vận động.
"Tác phẩm được lấy cảm hứng từ chính những lần thất bại của tôi thông qua nhân vật là một con mèo đen với rất nhiều nỗi sợ hãi. Nó có đầy rẫy những sự mặc cảm, tự ti và hoài nghi về chính bản thân của mình. Nhưng có một thứ để dẫn dắt nó đi trên con đường của mình đó chính là ước mơ" - tác giả Dương Thị Thảo Nguyên chia sẻ - "Tôi muốn gửi gắm thông điệp đến những bạn nhỏ, đó là cho dù sau này các em có một cuộc đời không bằng phẳng cho lắm thì ước mơ sẽ là nguồn ánh sáng tươi đẹp dẫn bước giúp chúng ta bước ra khỏi mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống".
Suy ngẫm về Giải thưởng Tác giả trẻ
Năm nay, số lượng tác phẩm tham gia xét giải thưởng này khá khiêm tốn, dừng ở con số 14, trong đó văn xuôi 6 tác phẩm, thơ 7 tác phẩm và lý luận phê bình 1 tác phẩm.
Qua bỏ phiếu, hội đồng sơ khảo đã trình lên hội đồng chung khảo 3 tác phẩm đạt số phiếu quá bán. Sau khi thảo luận đánh giá, cân nhắc mọi yếu tố, cả ngoài tác phẩm, cuối cùng đa số thành viên hội đồng chung khảo bỏ phiếu chọn tiểu thuyết giả tưởng Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời của tác giả Đức Anh để trao Giải thưởng Tác giả trẻ.
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, trao cho Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời, một lần nữa tái khẳng định quan điểm của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam về ưu tiên khích lệ những tìm tòi, thử nghiệm của người viết trẻ. Với trường hợp của Đức Anh, qua tác phẩm này, có thể khẳng định sớm rằng đây là tác giả có can đảm, có ý thức tìm kiếm cho mình một lối đi cá biệt, điều vô cùng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phương: "Giải thưởng Tác giả trẻ năm nay có sự sụt giảm về số lượng đáng kể và đáng để suy nghĩ, phân tích. Mặc dù xác định rằng sáng tác văn học không phải là chu trình đều đều, phải "có thăng, có giáng", nhưng Ban chấp hành vẫn cần có những tìm hiểu, những phân tích, đánh giá về hiện tượng giảm sút này cho thấu đáo".
Được khởi động từ năm 2021, Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam hằng năm đều có trên 3 tác giả được trao giải. Gần nhất, năm 2022, có 3 tác giả được trao giải thưởng này gồm Lê Vũ Trường Giang với tập truyện ngắn Bạc màu áo ngự, Trần Duy Bảo Khang với tập thơ Đi tìm những bóng người, Trần Đức Tín với tác phẩm Chín nhánh da vàng.