Nhà phê bình Nguyên An: 'Viết cho trẻ con là lúc bừng nở sự trong sáng'

Văn học thiếu nhi Việt Nam: Khảo luận và Chân dung (NXB Hội Nhà văn, 2023) là cuốn sách vừa được ấn hành của nhà nghiên cứu, TS Nguyên An. Sách công bố những nghiên cứu mang tính tổng kết của tác giả về tiến trình phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam qua từng giai đoạn, cùng một số vấn đề đang đặt ra đối với sự phát triển của khu vực văn học  này.

Bên cạnh đó, sách còn cung cấp tư liệu về các tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam như Tô Hoài, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyên Hồng, Thạch Lam, Đoàn Văn Cừ, Trần Hữu Thung, Võ Quảng, Nguyễn Nhật Ánh... Công trình này được khởi nguồn từ gần 30 năm trước, khi Nguyên An bắt đầu làm Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ.

4 "chặng đường" của văn học thiếu nhi

Là kết quả của một hành trình dài gắn bó với văn học thiếu nhi, Văn học thiếu nhi Việt Nam: Khảo luận và Chân dung mang đến những góc nhìn xác đáng và cặn kẽ từ tác giả. Ngay ở phần Dẫn nhập trong nội dung Đi đi tìm khái niệm văn học thiếu nhi, ông đã khách quan khi tổng luận nhiều cách hiểu khác nhau về văn học thiếu nhi qua các câu hỏi chính như: Văn học thiếu nhi được ra đời từ những bối cảnh và có các mục đích nào? Văn học thiếu nhi do những ai viết ra? Văn học thiếu nhi có nội dung chính - phụ không? Văn học thiếu nhi có hệ thống nhân vật riêng không? Văn học thiếu nhi có nghệ thuật sáng tác tiêu biểu không? …

Nhà phê bình Nguyên An: 'Viết cho trẻ con là lúc bừng nở sự trong sáng' - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu - TS Nguyên An

Từ đây, trên tinh thần gợi dẫn của quá trình khảo sát thực tiễn để đi đến tổng hợp khái quát, Nguyên An đã dẫn giải đích xác một số ấn tượng quan trọng về sự ra đời của văn học thiếu nhi. Cụ thể: Văn học thiếu nhi thường từ không gian nhỏ dần đến không gian lớn mà tạo ra ý nghĩa sâu xa; bắt đầu từ mục đích giáo dục cụ thể đến việc bồi dưỡng nhân cách và năng lực xử lý việc đời sao cho thấu tình đạt lý; thường được ra đời nhiều lần từ một cốt cấu trúc chặt chẽ có tính thông lệ; có tính nhạc điệu diễn xướng, hoạt cảnh….

Đáng nói hơn cả, trong sách, tác giả Nguyên An đã phác dựng lên một bức tranh về tiến trình phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam ở những chiều kích thời gian và không gian trải rộng và mang tính biên niên sử.

Cụ thể, sự phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam được chia thành 4 chặng:

Trước tiên, theo ông,  từ thời Hùng Vương đến năm 939 là giai đoạn khai mở của văn học thiếu nhi Việt Nam. Giai đoạn này, tác giả đưa ra một số giả định như văn học thiếu nhi Việt Nam thời thượng cổ là do người lớn sáng tạo rồi kể cho con cháu nghe; thiếu nhi là người thụ hưởng và được dẫn dắt theo dụng ý giải thích các hiện tượng thiên nhiên, các sự kiện nổi bật của đời sống xã hội. Hoặc, tục ngữ và đồng dao đóng vai trò riêng, thiết thực trong việc đặt nền móng lâu dài cho thơ ca thiếu nhi thời mở đầu, sơ khai.

Chặng tiếp theo - từ năm 939 đến năm 1858 - được coi là thời bắt đầu phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam. Theo TS Nguyên An, có một bước tiến ở khu vực văn học này trong thời phong kiến tự chủ này: Xuất hiện nhân vật thiếu nhi chân thực. Điều này được minh chứng qua một số tác phẩm như Thằng Bờm có cái quạt mo, Người thiếu phụ Nam Xương… Đáng nói nữa, văn học thiếu nhi Việt Nam thời này đã xuất hiện một vài tác giả, điển hình như Lê Quý Đôn.

Nhà phê bình Nguyên An: 'Viết cho trẻ con là lúc bừng nở sự trong sáng' - Ảnh 2.

Sách “Văn học thiếu nhi Việt Nam: Khảo luận và Chân dung” (NXB Hội Nhà văn, 2023)

Đến chặng từ khoảng 1858 - 1945, văn học thiếu nhi Việt Nam có những thành tựu mới mẻ đặt nền móng cho sự phát triển vượt bậc. Ở đây, tác giả nhấn mạnh đến một số đặc điểm của văn học thiếu nhi thời thuộc Pháp: Có sự phát triển nhanh về trình độ sử dụng tiếng Việt và phong cách tác giả; thiếu nhi Việt Nam đã bắt đầu trở thành nhân vật; đã có một số tác giả riêng như Tản Đà, Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Chế Lan Viên, Huy Cận, Thạch Lam…

Cuối cùng ở chặng từ năm 1945 đến nay, văn học thiếu nhi Việt Nam có sự phát triển toàn diện, mạnh bước trên con đường đổi mới và hội nhập. Trong chặng này, TS Nguyên An chỉ ra 4 điểm nổi trội của văn học thiếu nhi Việt Nam: Phát triển có tính phong trào rất rõ; đã hình thành và phát triển một đội ngũ tác giả đông đúc mà trước đấy chưa hề có được; có sự phát triển, rộng mở về nội dung rất nhiều so với các chặng trước. Đáng nói hơn, văn học thiếu nhi Việt Nam thời nay thấm đậm tính nhân văn - nhân quyền với một nghệ thuật mới lạ mà thân gần với bạn trẻ.

"Văn học thiếu nhi có sức hút màu nhiệm và có sức tác động rất mạnh. Việc được dạy trẻ con về văn, được viết một cái gì đó cho thiếu nhi sẽ rất đáng quý với bất cứ ai. Và tôi cũng thường nói với anh em đồng nghiệp rằng, chúng ta có thể viết rất nhiều nhưng vẫn nên viết cho trẻ thơ" - TS Nguyên An.

Những đặc điểm "siêu việt và nổi trội"

Nhìn lại các chặng phát triển, nhà nghiên cứu Nguyên An cho rằng văn học thiếu nhi Việt Nam có những đặc điểm siêu việt và nổi trội.

Trước tiên là đặc điểm về sự ra đời mang nặng tính giáo dưỡng. Ví như ngay từ thuở xưa, khi kể cho trẻ em nghe truyện Sơn tinh Thủy tinh, Thánh Gióng, Thạch Sanh,…  người xưa đã mượn văn học không chỉ là nơi để giãi bày tâm sự mà còn đưa đến những cách sống, cách ứng xử với cuộc đời.

"Đây là đặc điểm siêu việt của văn học thiếu nhi Việt Nam. Tại sao hằng trăm năm trước, người Việt đã dùng văn học để giáo dưỡng tư tưởng và tâm hồn trẻ thơ? Đó là sự cao cường về mặt trí tuệ. Đặc điểm giáo dục này xuyên suốt hàng trăm năm và kéo dài cho đến tận hôm nay" - ông khẳng định - "Nền văn học thiếu nhi đương đại chúng ta vẫn đang sống trong bầu không khí sôi động. Thậm chí, chúng ta còn có những phong trào vận động viết về thiếu nhi làm nghìn việc tốt".

Nhà phê bình Nguyên An: 'Viết cho trẻ con là lúc bừng nở sự trong sáng' - Ảnh 4.

Bìa cuốn sách “Văn học thiếu nhi Việt Nam: Khảo luận và Chân dung”

Mặt khác, theo TS Nguyên An, văn học thiếu nhi Việt Nam trong tiến trình phát triển còn có một đặc điểm quan trọng trong sự đối sánh với văn học người lớn. Đó là, văn học người lớn có tính đối kháng nhưng văn học thiếu nhi thì không.

"Văn học thiếu nhi trước nay đều viết về sự non tơ của tâm hồn, sự lễ phép đối với cha mẹ, họ hàng, làng nước, sự nhường nhịn nhau trong gia đình, trong bè bạn. Trong các tác phẩm không thấy những đứa trẻ có sự xung đối về mặt tư tưởng. Đây có thể coi là một hiện tượng" - ông nói - "Phải chăng, viết cho trẻ con là lúc mà sự trong sáng nhất của con người được bừng nở? Kể cả viết trong những "máu lửa sắt thép" thì đều có sự thiện tâm nhất phát lộ".

"Nguyễn Thi trong Người mẹ cầm súng viết về những đứa con của chị Út Tịch, đau lắm chứ, nhưng ông vẫn viết lên một câu chuyện rất gần gũi như vốn có. Để qua đó thấy rằng chúng ta chiến đấu, đổ máu cũng chỉ vì muốn cho những đứa trẻ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hay Anh Đức viết Hòn đất cũng có những nhân vật là trẻ con, dẫu thời cuộc có "máu lửa" nhưng ông vẫn dành phần trong trẻo nhất của một người lớn khi viết về các em" - TS Nguyên An dẫn giải - "Từ đây, để thấy thiên chức của một nhà văn có tính nhân văn đã trỗi lên và giúp họ viết. Đây là một đặc điểm vốn quý của văn học thiếu nhi Việt Nam".

Suy rộng ra, nhà nghiên cứu Nguyên An cho rằng, những đỉnh cao của văn học Việt Nam đều có sự xuất hiện của văn học thiếu nhi. Như truyền thuyết Thánh Gióng là một đỉnh cao của văn học thiếu nhi trong thời quá khứ, từ tính tư tưởng đến cấu trúc nội dung. Hay như Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Quê nội Tảng sáng của Võ Quảng đều là những tác phẩm văn học có giá trị. Trong khi đó, có một thực tế đáng buồn rằng văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay chưa thực sự được giới nghiên cứu để mắt, để tâm, để đầu óc nên những tác phẩm lớn, có giá trị chưa được tôn vinh xứng tầm.

Từ đây, trong sách, tác giả Nguyễn An tiếp tục nêu một số vấn đề đang được đặt ra với văn học thiếu nhi Việt Nam trong thời gian tới như việc dạy trẻ trong nhà trường, Hội Nhà văn Việt Nam với văn học thiếu nhi, lao động nhà văn với văn học thiếu nhi, cũng như các xu hướng phát triển của văn học thiếu nhi trong thời gian tới…

Vài nét về nhà nghiên cứu Nguyên An

TS văn học Nguyên An tên thật Nguyễn Quốc Luân, sinh năm 1951, tại Nghệ An. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từng làm Giám đốc NXB Từ điển Bách khoa, Phó giám đốc Thường trực Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du.

Một số tác phẩm/ công trình đã công bố: Nhà văn của các em (chân dung văn học, 1995); Kể chuyện tác giả văn học nước ngoài (chân dung văn học, 1996); Một thoáng văn nhân (chân dung văn học, 2004); Sương lại càng long lanh (tiểu luận và chân dung văn học, 2020); Nghiên cứu Truyện Kiều - Ghi chú và Ấn tượng (2021)…

Công Bắc - Đỗ Doãn Tú

Link gốc: TTVH