Triển lãm của họa sĩ Nguyễn Trần Thảo Nguyên: Nguyên đã định vị được căn nguyên

Triển lãm Nguyên và "Nguyên" của họa sĩ Nguyễn Trần Thảo Nguyên khai mạc chiều qua, 14/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bày khoảng 30 tranh khổ vừa và khổ lớn, được sáng tác từ 2021 đến 2023.

Nguyễn Trần Thảo Nguyên sinh 1996 ra tại Sơn La, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2019, bảo vệ thành công thạc sĩ mỹ thuật năm 2022.

"Em mơ

Cõi khác

Vô lượng kiếp

Em lạc tơ giăng

Vô lượng


Nhưng đáy lòng

Em nguyện là sóng

Bởi sóng

Xói bờ

Sóng dội

Hoàn nguyên".

(Khuyết danh)

"Em nghĩ cuộc đời của con người bắt đầu từ sự vô thức …" - Nguyên trả lời như vậy khi trao đổi về việc vẽ của cô. Người ta trong kỷ nguyên số đầy tham vọng hoạch định tương lai, thậm chí là số phận. Mọi ngóc ngách tâm khảm họ đều có thể phơi bày tới chi tiết và trở thành tài nguyên công cộng thì suy tư của Nguyên là lạ, một người trẻ khởi chuyến độc hành trong hội họa.

Triển lãm của họa sĩ Nguyễn Trần Thảo Nguyên: Nguyên đã định vị được căn nguyên - Ảnh 1.

Nguyễn Trần Thảo Nguyên tại triển lãm

Nguyên tách mình ra khỏi cảm thức chung, khuôn mẫu chung, hình tượng chung của thế hệ mình. Phải chăng Nguyên cảm nhận được sự vô cùng luôn bao trùm và cũng là đích đến cho kẻ tạo tác?

Cô còn bộc bạch cảm giác "chìm" và "rơi" khi vẽ. Ta liền nghĩ ngay đến sự không hợp lý của chuỗi tình huống. Sao lại chìm trước khi rơi? Nhưng mọi con đường nghệ thuật vốn có lộ trình bất quy tắc, kẻ lữ hành trên con đường ấy luôn có đặc ân tự do khởi tạo.

Nguyên cũng vậy, cô chọn cho mình trạng thái sáng tạo, vừa mặc nhiên bồng bềnh như lúc mới là mầm sống "chìm" nơi bụng mẹ, vừa bóc dần từng lớp cảm xúc nhờ ma-sát bởi sự "rơi" trong từng ngày đã sống.

Hai điểm cốt lõi trên tạo ra trừu tượng biểu hiện trong hội họa của Nguyên. Chẳng ai trong chúng ta có thể ghi nhớ và mô tả lại chính xác những gì đã diễn ra bên ngoài bụng mẹ hoặc những gì sát cạnh cơ thể ta suốt thời gian trước khi chào đời. Nhưng sự nhớ nhung, ám ảnh, cảm giác buồn vui sướng khổ những ngày ấy luôn đeo theo con người cho tới khi qua đời. Tưởng như mơ hồ, nhưng lại tổng hợp nhiều lớp chi tiết vi tế cảm xúc, trừu tượng là vậy.

Triển lãm của họa sĩ Nguyễn Trần Thảo Nguyên: Nguyên đã định vị được căn nguyên - Ảnh 2.

Một tác phẩm của Nguyễn Trần Thảo Nguyên

Bất kể nghệ sĩ tiên phong đặt ra những lý thuyết làm nền tảng cho hội họa trừu tượng hoặc những nghệ sĩ thế hệ sau xuôi dòng như Nguyên cũng đều có điểm chung này. Không ít nghệ sĩ bế tắc khi không thể tìm ra căn nguyên trong mình mà chỉ lặp lại các học thuyết hoặc mô phỏng cái vỏ của hội họa trừu tượng. Nguyên may mắn đã sớm định vị được căn nguyên. Nguyên vẽ những không gian thực, sự thực thuộc về tiềm thức, sự thực không diễn giải. Mỗi bức họa là một nỗ lực nắm chọn cảm xúc của cô tại thời điểm đó.

            ***

Phần lớn tranh trong triển lãm này được đánh số thứ tự nhằm ghi nhận tiến trình thực hành nghệ thuật. Điều giản dị này sẽ trở nên quan trọng khi tác giả tự soi chiếu nội giới hòng trả lời câu hỏi: Ta là ai?

Người xem có thể thấy được thời điểm khởi đầu cho tới khi kết thúc trong tranh Nguyên qua nhiều lớp màu chồng lấn. Dù trong không gian đơn sắc hoặc tương phản, Nguyên vẫn thể hiện được đa sắc thái của màu. Bên cạnh những mảng âm trầm, sự chuyển sắc luôn được chú trọng để dẫn đến vùng không gian mênh mang ngoại biên. Cùng những dấu vết tình cờ là những vệt sáng nháy tạo nên cao trào.

Trên những mảng lớn tạo bởi bút vẽ bản to làm nền cho không gian chuyển động, các dòng chảy tự nhiên của màu định vị phương của sự rơi, các nét nhỏ sắc đanh liên kết là thời điểm cô nghe thấy điều gì đó cần nghe từ con tim. Các đặc điểm trên là sự biểu hiện của Nguyên và "Nguyên". 

Tất cả tranh loạt này đều có cùng cấu trúc tạo hình như vậy. Hội họa của Nguyên cũng hé mở cho người xem một khe cửa hẹp tới những phong cảnh siêu thực trong tâm thức họ. Có thể là tầng trời tiên thiên, có khi là hang động mây ngàn, nhưng hoàn toàn là hư ảnh. Điều này là đáng mừng cho Nguyên khi đã có một hệ thống tư duy và phương pháp làm việc thông suốt, nhưng cũng là giới hạn vô hình, đòi hỏi Nguyên phải vượt ngưỡng, bởi đây mới là những bước đầu tiên của kẻ lữ hành.

Càng thực hành nghệ thuật người nghệ sĩ càng phải tự bù đắp và cải biến sự chai lỳ cảm thức cũng như nhận về mình nguồn năng lượng sáng tạo khác những gì đã qua.

Hành trình nghệ thuật của Nguyên đang ở giai đoạn đầu. Triển lãm này cũng là dấu mốc quan trọng với cô. Bên cạnh sự chiêm nghiệm "Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh" như Nguyễn Du, thì còn có "Mảnh hình hài không có có không" như Cao Bá Quát, hãy mạnh bước với tình yêu nghệ thuật Nguyên nhé! 

Nguyễn Sơn

Link gốc: TTVH