Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh dựa trên Du lịch văn hóa và nghệ thuật biểu diễn
Sở hữu nguồn tài nguyên di sản thiên nhiên cùng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, độc đáo, Quảng Ninh đang trong tiến trình xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa thích ứng với những bước phát triển mới của thời đại.
Quảng Ninh trước kia thường được nhắc đến với ngành công nghiệp than nhưng những năm gần đây, khái niệm công nghiệp văn hóa đã dần trở nên quen thuộc. Thiên nhiên, con người, văn hóa là 3 trụ cột phát triển của tỉnh. Và những dấu ấn văn hóa trong các sản phẩm du lịch đang dần định vị thương hiệu cho vùng đất này - một điểm đến khác biệt, giàu bản sắc.
Với bề dày lịch sử, Quảng Ninh tự hào có kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, gồm trên 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng, trong đó có di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, 6 di tích Quốc gia đặc biệt cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý giá. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm, đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa cho công tác này. Hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại mà Quảng Ninh đang sở hữu có thể đáp ứng yêu cầu tổ chức nhiều sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia, quốc tế.
Sự gắn bó mật thiết giữa di tích lịch sử - văn hóa, phong tục tập quán của người dân và các thắng cảnh nổi tiếng là một lợi thế để tạo tiền đề cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mang thương hiệu Quảng Ninh.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, nhận định: Văn hóa Quảng Ninh có những đặc trưng và những giá trị không phải nơi nào cũng có. Đó là giá trị văn hóa - lịch sử của một vùng đất gắn bó rất sâu sắc với lịch sử nhà Trần, là cái nôi của văn hóa công nhân mỏ, trên cơ sở đó đủ điều kiện để chúng ta xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa, tạo đà để Quảng Ninh có những bước tiến mới.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tập trung vào các lĩnh vực: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.
Sau khi Chính phủ ban hành chiến lược này, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp. Nhờ nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh nên thời gian qua những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh đã được chọn lọc, sáng tạo, hình thành nên ngành công nghiệp văn hóa Quảng Ninh.
Phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên nguồn vốn văn hóa trở thành xu hướng tất yếu của Quảng Ninh với 2 định hướng chính: Du lịch văn hóa và nghệ thuật biểu diễn.
Trong lĩnh vực du lịch, tiềm lực văn hóa trở thành nguồn tài nguyên quý để phát triển ngành công nghiệp không khói. Bên cạnh những lễ hội đã trở thành thương hiệu như Carnaval Hạ Long, Carnaval Mùa đông thì các lễ hội đặc sắc của địa phương cũng được tổ chức thường niên như Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở Bình Liêu, Lễ hội Trà hoa vàng Ba Chẽ, Ngày hội Hát tháng ba của dân tộc Sán Chỉ, Hội Kiêng gió của dân tộc Dao…, cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số đã làm nên những trải nghiệm văn hóa vùng miền đặc sắc. Sản phẩm du lịch văn hóa ngày càng có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân bản địa.
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, liên tục xuất hiện những “luồng gió” mới mẻ thổi vào đời sống văn hóa Quảng Ninh. Có thể kể đến các sự kiện lớn như: Liên hoan Xiếc 3 miền, Festival Âm nhạc Quốc tế, Festival Áo dài, liveshow âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước, quốc tế, show trình diễn thời trang của những nhà thiết kế có tên tuổi như Adrian Anh Tuấn, Minh Hạnh, Đỗ Trịnh Hoài Nam…
Điều này đã thể hiện tư duy đổi mới của Quảng Ninh trong việc xây dựng chuỗi sự kiện văn hóa điểm nhấn để tạo dấu ấn khác biệt, qua đó quảng bá, định vị thương hiệu địa phương, xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: Với sự nồng nhiệt của con người Quảng Ninh, với những di sản mà Quảng Ninh đang có, chúng ta chỉ cần tạo ra những động lực thu hút không chỉ nhà đầu tư mà còn thu hút chất xám để có thể biến Quảng Ninh trở thành một vùng đất sinh động và có tiềm năng về kinh tế thời trang.
Bên cạnh đó, một số bộ môn nghệ thuật dân tộc (múa rối, hát chèo, cải lương, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số...) cũng được bảo tồn, khai thác biểu diễn tại Cảng tàu khách quốc tế, sân bay Vân Đồn, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh và một số tuyến điểm du lịch, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách khi đến Quảng Ninh.
Mới đây, chương trình nghệ thuật Hạ Long thần tiên đã được xây dựng để biểu diễn tại nhà hát Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh phục vụ khách du lịch. Nhờ khai thác tốt nguồn vốn văn hóa mà thị trường nghệ thuật biểu diễn ở Quảng Ninh giúp giải quyết việc làm cho các nghệ sĩ, người lao động, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển.
Thu hút các dự án điện ảnh lớn về Quảng Ninh cũng là một hướng đi đầy tiềm năng cho tương lai của ngành công nghiệp văn hóa ở vùng đất này. Trước đó, Vịnh Hạ Long từng là bối cảnh quay của bộ phim bom tấn Kong: Skull Island. Với vẻ đẹp của một Việt Nam thu nhỏ, Quảng Ninh hứa hẹn sẽ tiếp tục là phim trường lý tưởng của các sản phẩm điện ảnh trong nước, quốc tế, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh miền đất, con người vùng Đông Bắc.
Quảng Ninh đang tạo ra những tiền đề quan trọng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp dịch vụ, giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo. Qua đó khuyến khích sự đổi mới, nuôi dưỡng sự sáng tạo và tôn vinh được những giá trị văn hóa vô giá của vùng đất này.