Ngày Thơ Việt Nam 2024: Cổ vũ phong trào sáng tạo văn học nghệ thuật
Sáng 23/2, tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày Thơ lần thứ 22 Xuân Giáp Thìn năm 2024 với chủ đề Hải Dương – Hòa âm cùng đất nước.
Ngày Thơ Xuân Giáp Thìn có sự tham gia của các hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và các Câu lạc bộ thơ trên địa bàn, các thầy cô giáo và học sinh Trường Mầm non Sao Biển thành phố Hải Dương.
Những vần thơ, nốt nhạc của các nghệ sĩ được ngân lên trong Ngày Thơ nhằm ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, ngợi ca sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, ca ngợi những thành tựu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Những vần thơ thể hiện vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống con người Việt Nam trên mọi miền đất nước, đồng thời tôn vinh những thành tựu, kết quả đã đạt được của thơ ca Hải Dương trong dòng chảy thơ của dân tộc. Những câu thơ được ngân lên như cổ vũ phong trào sáng tạo văn học nghệ thuật, tạo môi trường giáo dục thẩm mỹ tích cực cho văn nghệ sĩ và công chúng yêu thơ, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tại Ngày Thơ, các nghệ sỹ của tỉnh Hải Dương đã trình diễn hàng chục tiết mục đặc sắc, bài thơ của các tác giả trong và ngoài tỉnh như: múa trống do tập thể hội viên Câu lạc bộ thơ thành phố Chí Linh thể hiện; ngâm thơ Tản mạn trước Xuân của tác giả Tạ Kim Khánh, Xuân về, Đã một năm tròn của tác giả Nguyễn Việt Thanh, Hạt gạo làng ta của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Mùa Xuân trên nẻo cao của tác giả Vũ Thị Thanh Hòa, Hội đền Côn Sơn – Kiếp Bạc của tác giả Phú Ninh… Các nghệ sỹ cũng ngân lên nhiều bài thơ viết về cảm xúc đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, giao thừa nhớ Tết xưa, tình khúc bánh chưng, mời trầu, anh về Thành Đông… của nhiều tác giả ở Hải Dương và trong cả nước sáng tác.
Thông qua Ngày Thơ, Ban Tổ chức mong muốn các nghệ sỹ tiếp tục sáng tác những vần thơ hay ca ngợi đất nước, con người Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Những vần thơ sẽ góp phần thúc đẩy các phong trào trong lao động sản xuất để xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh.