Không dựng kịch thiếu nhi thì thấy có lỗi với trẻ em
Lâu nay, gần như chỉ mỗi Ngày xửa ngày xưa của sân khấu IDECAF là tồn tại bền bỉ và trở thành chương trình không có đối thủ cạnh tranh ở phía Nam. Năm nay, Ngày xửa ngày xưa tiếp tục cháy vé, nhưng đã có thêm một sân khấu mới xuất hiện, ngay lập tức đã nhận được tín hiệu đầy hy vọng.
Dù xác định kịch thiếu nhi là mảng rất khó thành công, nhưng các sân khấu luôn trăn trở thực hiện, vì ai cũng biết đây là lớp khán giả vừa đáng yêu, vừa đầy tiềm năng. Nhiều ông, bà bầu đã xắn tay dựng kịch thiếu nhi, dù chưa thành công.
Một tín hiệu lạc quan
Sân khấu Trương Hùng Minh chính thức ra mắt đầu năm 2023. Khởi đầu, nơi này chỉ tập trung vào mảng kịch người lớn. Ngay mùa kịch Tết, tất cả các vở diễn ở đây đều cháy vé. Thế mạnh ở đây là kịch hài và kịch tâm lý, với các tên tuổi nòng cốt như Minh Nhí, Việt Hương, NSƯT Công Ninh, NSƯT Hoài Linh, Đại Nghĩa, Huỳnh Lập và rất nhiều tên tuổi khác diễn theo dạng cộng tác.
Vào mùa Hè năm nay, ông bầu Minh Nhí quyết định đầu tư vào chương trình kịch thiếu nhi một cách dài hơi, với tên gọi Truyện thần tiên. Mở đầu cho kế hoạch này là vở Bí mật trăm đốt tre ( tác giả và đạo diễn: Huỳnh Lập). Ban đầu, sân khấu dự kiến chỉ diễn 20 suất trong tháng 6/2023, nhưng ngay lập tức vé bán hết. Vì thế, sân khấu mở bán sang hết tháng 7 và cũng đã được khán giả đặt vé rất nhiều.
Ông bầu Minh Nhí bộc bạch: "Diễn kịch cho thiếu nhi rất khó, vì cách diễn phải luôn đạt sự hồn nhiên một cách tự nhiên nhất có thể. Chỉ cần một vài phút mất tập trung, người diễn viên sẽ bị tâm lý kịch người lớn khống chế, thiếu nhi sẽ cảm nhận ra ngay,là mất cảm xúc. Đó là lý do mà ông, bà bầu nào cũng mê trẻ con, nhưng ít dám đầu tư. Tôi cũng ngại lắm,nhưng không dựng kịch thiếu nhi thì thấy có lỗi với trẻ em, nên quyết định thử sức".
Anh cho biết thêm: "Thật sự thì trong vở đầu tiên này, chỉ có Đại Nghĩa là người giàu kinh nghiệm diễn kịch thiếu nhi nhất, vì đã chinh chiến cả chục năm với Ngày xửa ngày xưa. Thế nhưng, tập thể trẻ mà người then chốt là Huỳnh Lập đã rất quyết tâm. Các bạn đã bảo ban nhau để tìm ra từng hành động, từng mẩu đối thoại chạm vào được khán giả nhí. Nhìn phản ứng nồng nhiệt của các con mà tôi vui đến chảy nước mắt. Điều này tạo động lực cho chúng tôi kiên trì đi tới ở thể loại này".
Không tính chương trình Ngày xửa ngày xưa, thì trước Truyện thần tiên, chưa có sân khấu nào làm kịch thiếu nhi mà diễn liên tục đến 20 suất. Điều này cho thấy đã có thêm một ê-kíp biết cách mở khóa cảm xúc của các bạn thiếu nhi, có chiến lược lâu dài với các em trong dịp Hè.
Bà bầu sân khấu 5B, NSƯT Mỹ Uyên, cũng rất tâm đắc với trẻ nhỏ. Cái khó của sân khấu này là điều kiện tài chính và nhân lực hạn chế. Nhiều năm qua, sân khấu vẫn sáng đèn mảng kịch người lớn đã là một nỗ lực tuyệt vời của bà bầu này. Dù vậy, nơi đây vẫn thường diễn kịch cho thiếu nhi vào cuối tuần hoặc cuối tháng, tuy chưa tạo tiếng vang lớn, nhưng cũng dần dần khẳng định giá trị.
Tháng 7/2023, sân khấu 5B sẽ trình diễn vở thiếu nhi Ve ve chành chành. Đây là vở diễn theo mô-típ mượn chuyện xưa tích cũ để lồng ghép vào những bài học giáo dục cho trẻ con. Qua đó, giúp các em nhận thức được điều đúng và điều sai, hầu khuyến khích phần đức tính tốt đẹp, trong sáng của các em.
Một động lực cho các sân khấu khác
Rất có thể, thành công khá ấn tượng của sân khấu Trương Hùng Minh sẽ có tác động đến quyết định dựng kịch thiếu nhi của các sân khấu khác trong thời gian tới. Bởi vì, các ông bà bầu tại những nơi này sẽ dẹp bỏ được tâm lý rằng chỉ có IDECAF mới thành công với kịch trẻ con.
Có điều, muốn làm kịch thiếu nhi thành công, thì điều không thể thiếu là vốn đầu tư phải khá lớn. Với vở Bí mật trăm đốt tre, sân khấu Trương Hùng Minh đã chi hơn 500 triệu đồng cho phục trang, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng... Được biết chi phí cho vở sau cũng từ mức này trở lên.
Với trẻ nhỏ, nếu sân khấu thiếu sắc màu và thiếu sự tưởng tượng,bay bổng, trong hóa trang, ánh sáng… thì khó chinh phục được các em.
Đầu tư lớn, đồng thời phải diễn thật sinh động, bằng không sẽ không thể diễn được nhiều xuất. Mà diễn ít xuất thì thu không bù nổi chi là rõ ràng.
Ngược lại, nếu thành công thì sân khấu sẽ đồng thời có được uy tín, chất lượng nghệ thuật và cả tài chính. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF đã nhiều lần tiết lộ với báo chí rằng chính kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa đã "nuôi" kịch người lớn. Bởi vì, nếu một em đi xem, chắc chắn sẽ có người lớn đi kèm, có khi cả nhà cùng đi, nên bán được 4-5 vé là bình thường.
Một điểm đáng chú ý nữa, nếu kịch thiếu nhi hay, bán vé tốt, thì có thể diễn liên tục một hai tháng Hè là chuyện bình thường. Đôi khi còn diễn đến mùa Trung Thu. Vì trẻ em đã thích là đi xem vài ba lần, không quá quan trọng cốt truyện, với nhiều em, biết trước câu chuyện càng thú vị, càng hào hứng.