Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Huệ Triệu: 'Trái tim của lính đảo Trường Sa thật đẹp đẽ'
Trên số báo ra ngày 24/2/2021, cũng chuyên mục này, nhà thơ Huệ Triệu từng xuất hiện, khi Thu về trở thành bài tập đọc của học sinh lớp 1, trong bộ sách mới Cùng học để phát triển năng lực. Lần này chị xuất hiện khi bài thơ Cảm xúc Trường Sa được đưa vào Tiếng Việt 4, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống.
Có vẻ ngoài đằm tính của một phụ nữ miền Bắc, dù phải đến 2/3 phần đời mình, nhà thơ - Nhà giáo ưu tú Huệ Triệu sinh sống ở miền Nam. Viết nhiều thơ tình, thơ cho phụ nữ, không viết nhiều thơ cho thiếu nhi, nhưng lại có nhiều bài thơ thiếu nhi được giảng dạy ở bậc tiểu học.
Điều thú vị trong thơ Huệ Triệu, thơ không chỉ là câu chuyện cảm xúc mà được viết ra rất thật từ những trải nghiệm, chiêm nghiệm, từ hạnh phúc, nỗi đau có thật, từ những chuyến đi… Có lẽ chính vì những điều ấy, thơ chị luôn đọng lại trong lòng người đọc.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Huệ Triệu.
* Cảm hứng nào để chị viết nênbài thơ "Cảm xúc Trường Sa"?
- Bài này lúc đầu có tên là Viết ở Trường Sa - 1 trong 5 bài thơ về Trường Sa, kết quả của chuyến đi thực tế Trường Sa của tôi năm 2012. Khi bài thơ được chọn đưa vào SGK cấp tiểu học, tôi có chỉnh sửa chút ít cho phù hợp với trình độ và lứa tuổi học sinh lớp 4.
Đối với tôi, đó là chuyến đi đặc biệt nhất, ấn tượng nhất trong hành trình sáng tác của mình. Cho tới tận bây giờ, những cảm xúc trong tôi về Trường Sa, về con người nơi đây vẫn còn vô cùng sâu đậm.
Tôi tin rằng những ai đã đến với Trường Sa cũng sẽ có những ấn tượng và cảm xúc đặc biệt như vậy. Những vất vả, gian khó đời thường bỗng trở nên bé nhỏ trước những vất vả hy sinh của những người chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời cho Tổ quốc. Sự lạc quan, kiên định lạ thường của họ đã tiếp thêm cho những người ra từ đất liền niềm tin vững chắc vào sức mạnh của tình yêu đất nước, của sự trường tồn của Tổ quốc.
* "Những nhà giàn giữ đảo/ Neo cả nhịp tim người". Nhiều người đã rơi nước mắt xúc động khi nhìn thấy nhà giàn giữa đại dương. Cảm xúc của chị khi đến nhà giàn như thế nào?
- 2 câu thơ này trước hết được viết từ cảm xúc thực. Đúng hơn là sự dồn nén của rất nhiều cảm xúc. Ra Trường Sa, từ boong tàu nhìn thấy nhà giàn DK1 từ xa, rồi giây phút được các chiến sĩ hải quân giúp rời tàu xuống ca-nô đưa ra nhà giàn, sau đó mỗi người nắm chắc từng bậc cầu thang sắt đi lên, phía dưới là biển sâu thăm thẳm…
Tôi nhớ tôi và nhà thơ Trần Mai Hường khi đó đã vui mừng, ôm chầm lấy nhauvì đã lên được nhà giàn an toàn. Nhìn những gương mặt sạm đi vì nắng gió biển khơi, được nghe kể, chứng kiến tận mắt cuộc sống của những người lính nhà giàn, mới thấy hết những gian nan, sự kiên cường, hy sinh thầm lặng của các anh. Những tháng ngày thiếu nước ngọt triền miên, sự ra đi của những liệt sĩ ở nhà giàn…
Tôi nghĩ rằng, 2 câu thơ "Những nhà giàn giữ đảo/ Neo cả nhịp tim người"không chỉ được viết ra từ những trải nghiệm hồi hộp, thót tim, mà còn khái quát được nhiều điều khác về cột mốc chủ quyền, bảo vệ chủ quyền, về tình yêu Tổ quốc… Trái tim của lính đảo Trường Sa thật đẹp đẽ.
* Vậy kỷ niệm ở Trường Sa mà chị nghĩ sẽ còn lưu giữ mãi?
- Trong rất nhiều kỷ niệm khi tới Trường Sa, có một điều vừa thấy day dứt vừa thấy thân thương. Hôm đó, đoàn chúng tôi lên thăm đảo Song Tử Tây, sau khi vào thăm, giao lưu cùng bộ đội, tôi một mình đi ra ngắm cảnh biển. Chợt tôi nhìn thấy một người lính rất trẻ đang bần thần đứng giữa một vạt hương nhu rất lớn. Cây hương nhu của đất liền được trồng trên đảo Trường Sa. Và được trồng trên những hòn đảo thiếu vắng những mái tóc dài. Không biết ai đã mang cây hương nhu từ đất liền ra trồng…
Hình ảnh giản dị, đời thường của người lính đảo mà có sức lay động rất mạnh với tôi. Hẳn người lính trẻ ấy cũng như tất cả những người lính Trường Sa đều da diết nhớ đất liền, nhớ người yêu.
Năm 2014, 2 năm sau kể từ ngày ra Trường Sa, từ kỷ niệm đó, tôi đã viết thành bài thơ Hương nhu ở đảo. Bài thơ có những câu: "Người lính trẻ Song Tử Tây tần ngần bên những vạt hương nhu/ Chiều mênh mang cát mặn và biển ngoài kia - những con sóng chở giấc mơ choàng giấc mơ/ Gió bạt gió tìm lá mềm như bàn tay vuốt nhẹ tóc em ngày anh ra đảo/ Nỗi nhớ đất liền có hương tóc ủ hương cây/ Đảo chẳng ngày nào vơi gió nắng, tán phong ba xanh thức đợi mặt trời…/ Gia tài lính đảo xa đo bằng màu da sạm nắng và nỗi nhớ em như sóng vỗ đêm ngày/ Những vạt hương nhu bời bời mong bàn tay người hái...".
* Trở lại bài "Cảm xúc Trường Sa", nhiều người yêu thích câu"Đóa san hô kiêu hãnh/ Vẫn nở hoa bốn mùa"bên "bão giăng", đảo "khát mưa". Tác giả hẳn có nhiều điều gửi gắm vào hình tượng đẹp đẽ, lãng mạn này?
- Đúng là như vậy, hình ảnh đóa san hô đã khơi gợi trong tôi suy nghĩ, liên tưởng về vẻ đẹp của những người lính đảo, cụ thể hơn là vẻ đẹp của những sự cứng cỏi, kiên cường bất chấp thử thách, gian truân, tựa như đóa san hô dưới đáy đại dương kia bất chấp sóng chìm sóng nổi. Luôn luôn là như vậy, sóng gió bão bùng, những khắc nghiệt của thiên nhiên, những hiểm họa rình rập không thể chuyển lay ý chí của những người lính đảo.
Từ vẻ đẹp, sức sống của đóa san hô giữa biển khơi, 2 câu thơ khơi gợi vẻ đẹp, sức sống của con người. Đó là sức sống, vẻ đẹp lặng thầm khiến chúng ta yêu quý, tự hào, trân trọng.
* Chị nghĩ gì về việc cần giữ những điều đẹp đẽ, lãng mạn trong cuộc sống này, dù bất cứ hoàn cảnh nào?
- Những điều đẹp đẽ, sự lãng mạn trong cuộc sống là điều không thể thiếu trong cuộc đời của con người. Chẳng phải chúng ta đều đang kiếm tìm, hướng tới, vun đắp và lan tỏa những điều đẹp đẽ hằng ngày, hằng giờ đó sao?
Sự lãng mạn giúp cân bằng cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống hiện đại nhiều màu sắc nhưng cũng rất phức tạp và không kém phần khắc nghiệt. Tôi nghĩ,giữ cho mình những phút giây lãng mạn, trong trẻo là rất cần thiết, đặc biệt đối với người sáng tác.
Tất nhiên, muốn lan tỏa được những điều đẹp đẽ thì bản mỗi con người phải biết sống đẹp, biết gìn giữ và nâng niu những cảm xúc đẹp. Quan trọng nhất là biết tạo nên những điều đẹp đẽ từ những việc làm nhỏ bé, giản dị nhất.
* Không chỉ là nhà thơ, còn là nhà giáo, chị nghĩ thơ có ý nghĩa như thế nào với tuổi thơ nói riêng, cuộc sống nói chung?
- Thơ, bằng con đường riêng của mình, cùng với các loại hình nghệ thuật khác, đã và đang hướng tới sứ mệnh quan trọng là kết nối những trái tim và lan tỏa cái đẹp. Cảm xúc trong thơ tác động trực tiếp và khơi dậy ở người đọc những đồng cảm, những sẻ chia quý giá. Đó là những điều tích cực khiến đời sống tâm hồn của mỗi người trở nên giàu có, phong phú hơn, nhờ đó mà cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn.
Thơ còn được viết ra từ những trải nghiệm, chiêm nghiệm, do đó, với người đọc, đặc biệt với tuổi học trò, thơ đưa các em tới những miền đất mới, những cảm xúc mới, góp phần tạo nên hứng thú học tập, bồi đắp vốn hiểu biết và tâm hồn cho các em.
Thơ cũng là sản phẩm của sáng tạo ngôn từ, do vậy, tiếp xúc với thơ, các em hiểu thêm về vẻ đẹp của tiếng Việt, từ đó thêm yêu quý, tự hào về đất nước mình.
Tôi cũng phải nói thêm là, viết cho tuổi thơ thật khó, bởi lẽ để có cách biểu đạt phù hợp phải có một khả năng nắm bắt tâm lý trẻ thơ, đặt mình vào lứa tuổi học trò. Bên cạnh đó, vẫn phải đảm bảo được chiều sâu của ý tứ, độ sáng tạo của ngôn từ…Và trên tất cả, phải có tình yêu, trách nhiệm đối với các em -thế hệ măng non của đất nước.
* Cảm ơn sự chia sẻ của chị!
Nhà văn ấn tượng 2021
Năm 2021, lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2021 cho 2 nhà thơ nữ sống tại TP.HCM là Huệ Triệu và Trần Mai Hường, vì đã thể hiện vẻ đẹp nhân ái của người phụ nữ Việt Nam.
Huệ Triệu vào Hội Nhà văn TP.HCM từ năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2013. Đã xuất bản một số tập thơ, ngay tập đầu tay là Mùa cây thay lá (2009) đã gây cảm xúc tốt nơi người đọc.