Họa sĩ Phùng Phẩm - Vẻ đẹp từ những điều nhỏ nhất

Ngày 10/10 vừa qua, triển lãm hội họa Phùng Phẩm và một cuốn sách về người họa sĩ đã hơn 90 tuổi này được ra mắt tại Thăng Long gallery (41 Hàng Gai, Hà Nội). Đây là một sự kiện hiếm hoi giới thiệu về cuộc đời hội họa của một trong số ít sinh viên thế hệ cũ trường Cao Đẳng Mỹ thuật Việt Nam, hiện còn sống và vẫn sáng tác.

Họa sĩ Phùng Phẩm sinh năm 1932. Ông đã có ít nhất 60 năm gắn bó với hội họa. Điều đáng nói là cho tới giờ, gia tài các tác phẩm hội họa của ông qua các giai đoạn sáng tác vẫn được lưu giữ và bảo quản ở tình trạng tốt - từ ký họa, tranh than chì, mực tàu, in khắc gỗ, đến những bức sơn mài khổ lớn. Các tác phẩm được trưng bày kín 2 tầng của không gian triển lãm.

Một sự nghiệp phong phú

Trong suốt sự nghiệp sáng tác rất dài của họa sĩ Phùng Phẩm, có thể thấy nhiều sự chuyển đổi trong phong cách sáng tác. Hay nói cách khác, ta nhìn thấy rõ cảm hứng sáng tác của họa sĩ qua nhiều giai đoạn cuộc đời.

Như bao thế hệ họa sĩ của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương), hiện thực là đề tài và cũng là phong cách mà cái nhìn của họa sĩ hướng tới trong giai đoạn đầu với hội họa. Họa sĩ Phùng Phẩm có nhiều tác phẩm với bút pháp hiện thực với than chì, mực trên giấy dó, in khắc gỗ về chân dung phụ nữ, trẻ em, phong cảnh sinh hoạt làng quê được thực hiện từ những năm 1962 cho đến giai đoạn trước Đổi Mới.

Họa sĩ Phùng Phẩm - Vẻ đẹp từ những điều nhỏ nhất - Ảnh 1.

Hoạ sĩ Phùng Phẩm (người ngồi) và hoạ sĩ Đỗ Đức. Ảnh: ST

Đây cũng là quãng tuổi trẻ năng động của họa sĩ sau khi tham gia cách mạng ở chiến khu Việt Bắc (từ 1947), học tại khu học xá Nam Ninh (1952 -1955), về dạy học tại Sơn Tây, học Cao Đẳng Mỹ thuật Việt Nam, công tác tại Ty Văn hóa tỉnh Hải Dương…  rồi làm việc tại Hãng phim hoạt hình Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn đất nước bị chia cắt hai miền Nam - Bắc, mọi điều kiện sinh hoạt còn thiếu tốn. Phùng Phẩm chọn cho mình những chất liệu giản tiện nhất là giấy, mực. Và chỉ cần vài con dao khắc, tấm gỗ để ông theo đuổi nghệ thuật trong những năm tháng vừa lao động vừa tranh thủ vẽ.

Họa sĩ Phùng Phẩm - Vẻ đẹp từ những điều nhỏ nhất - Ảnh 2.

Không gian Thăng Long Gallery, nơi diễn ra triển lãm

Trong giai đoạn này, tác phẩm Chống hạn (1977) in khắc gỗ của ông là sự báo cho sự chuyển dịch phong cách sáng tác. Mà sau này, bức Chống hạn (1990) được chuyển thể sang chất liệu sơn mài trên gỗ, sưu tập và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Phùng Phẩm - Vẻ đẹp từ những điều nhỏ nhất - Ảnh 3.

Năm 1986, có lẽ hòa vào không khí của giai đoạn Đổi Mới, mở cửa, Phùng Phẩm có bức tranh đề trừu tượng - in khắc gỗ đen trắng. Có thể nói, sau Chống hạnđề, ngôn ngữ nghệ thuật của Phùng Phẩm chuyển dịch mạnh mẽ trong sự kết hợp của phong cách khắc gỗ Nhật Bản, nghệ thuật hiện đại phương Tây đầu thế kỷ 20 với một thứ cảm hứng dân tộc Việt Nam rất thô mộc, hùng tráng, thi vị và cường điệu hóa! Đây là giai đoạn dài sung mãn và đặc trưng trong hội họa của Phùng Phẩm.

Họa sĩ Phùng Phẩm - Vẻ đẹp từ những điều nhỏ nhất - Ảnh 4.

Tác phẩm “Đứa con riêng” (2005), sơn mài trên gỗ, 140 x 240cm

Sau này, ở tuổi 80, họa sĩ đẩy mạnh bút pháp trừu tượng - lập thể và vẽ nhiều về đề tài phụ nữ, nude, tình yêu. Đây cũng là một giai đoạn độc đáo được hình thành từ cảm hứng xuyên suốt của ông về đề tài phụ nữ - gia đình, giờ được chắt lọc và biểu hiện một cách mạnh mẽ như một luồng sáng lóe lên bạo dạn và viên mãn.

Bút pháp cường điệu

Phùng Phẩm mang nhiều nỗi truân chuyên trong cuộc đời và nghiệp vẽ. Từ đó ông lặng lẽ sáng tác. Nhưng những tác phẩm của ông luôn toát lên vẻ đẹp của con người Việt Nam, cùng một tình yêu dân tộc rõ ràng trong danh tính của hình tượng nhân vật.

Họa sĩ Phùng Phẩm - Vẻ đẹp từ những điều nhỏ nhất - Ảnh 5.

Tác phẩm “Đợi 2” (2015), sơn mài trên gỗ, 120 x 74 cm

Có nhiều tác phẩm của ông đem đến liên tưởng rõ và gần với các bức tranh nổi tiếng của Nhật Bản thời Edo, nhưng trong một diện mạo khác, mang đậm chủ đề và tính hào sảng của nông thôn Việt Nam. Có việc đi cấy của phụ nữ thôi mà cũng được ông diễn tả hoành tráng, trực diện, thi vị và hào hùng … dường như đem sánh ngang với các tác phẩm về chủ đề sinh hoạt trong khung cảnh thiên nhiên rộng lớn hùng vĩ của tranh khắc gỗ Nhật Bản. Như thế, ông yêu vẻ đẹp con người, đất nước Việt Nam, từ những điều nhỏ nhất.

Họa sĩ Phùng Phẩm - Vẻ đẹp từ những điều nhỏ nhất - Ảnh 6.

Tác phẩm “Cấy Chiêm” (2005), sơn mài trên gỗ, 120 x 225 cm

Xuyên suốt các sáng tác của Phùng Phẩm là bút pháp cường điệu. Người và cảnh vật trong tranh ông đều như đến từ một thế giới khác: hoang dã, "nguyên ủy" đầy điệu bộ. Ông vận dụng những hình kỷ hà nguyên thủy, khối và bóng trong hội họa lập thể, màu sắc mang hơi hướng dã thú để tạo nên các cơ thể khỏe mạnh phi thường có phần kỳ dị. Ngay trong những đề tài lao động sản xuất rất đời thường, tính tường điệu được thể hiện ở tư thế, điệu bộ, hình dáng chân tay, cơ thể, dụng cụ và khắp các công cụ, vảnh vật. Ông dường như không còn muốn chừa chỗ cho chút hiện thực nào trong tranh. Đến sau này, ở đề tài phụ nữ và tình yêu, sự cường điệu trong hình thể và màu sắc càng đạt đến độ khắc kỷ.

Cuộc đời họa sĩ Phùng Phẩm đã gắn bó trọn vẹn với nghệ thuật hội họa. Thế hệ ông còn lại không nhiều người như ông, họa sĩ Mộng Bích, họa sĩ Kim Bạch, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo… vẫn còn sống và sáng tác hàng ngày ở tuổi xưa nay hiếm. Sự nghiệp nghệ thuật mà ông để lại vừa có sự xuyên suốt bền bỉ, vừa thấy được sự phong phú, cấp tiến và có chất riêng của hội họa Phùng Phẩm.

Họa sĩ Phùng Phẩm - Vẻ đẹp từ những điều nhỏ nhất - Ảnh 8.

Hai tác phẩm “Trên sân kho” và “Đập lúa sân kho”

Triển lãm Phùng Phẩm đóng góp một mảnh ghép của nghệ thuật Phùng Phẩm trong bức tranh nghệ thuật hiện đại Việt Nam.

Ấn tượng "Đứa con riêng"

Một điểm lạ trong tranh họa sĩ Phùng Phẩm là yếu tố sắc tộc. Ở Việt Nam, rất ít họa sĩ đưa màu da khác vào tranh. Có chăng, ta sẽ bắt gặp chúng ở câu chuyện điện ảnh nhiều hơn là hội họa. Với mạch sáng tác về đời sống xã hội gắn nhiều với bối cảnh chiến tranh, Phùng Phẩm đưa đến một hình tượng độc đáo: Người mẹ da vàng tắm cho đứa con da đen.

Tác phẩm có tựa đề Đứa con riêng sáng tác năm 2005 gồm bộ bốn bức tranh ghép với kích thước lớn 140 x 240 cm - sơn mài trên gỗ. Trong tác phẩm, điều đáng ngạc nhiên có lẽ không phải chỉ là sự khác biệt màu da mà là độ lớn của đứa con. Người mẹ già đang còng lưng tắm cho một đứa con to lớn, ngộc nghệch. Bức tranh vô tình hay hữu ý chạm đến những câu chuyện góc khuất của đời sống chiến tranh Việt Nam.

Như ông nói, sự hòa hợp của màu da là sự hòa hợp "rất con người". Cho dù bức tranh không có tên gọi gì liên quan đến chiến tranh, nhưng cái tên Đứa con riêng phần nào chứa đựng trong đó sự tủi hờn, đồng thời cũng không khác nào một bức phù điêu về người mẹ. Và trên hết là tình yêu thương không biên giới, chứa đựng tính nhân văn sâu sắc.

Trần Thu Huyền

Link gốc: TTVH