'Dòng chảy' di sản công nghiệp
Được nhắc tới - và cũng đã có một số bước đi nhất định - trong vài năm gần đây, nhưng phải chờ tới Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, những di sản công nghiệp tiêu biểu của thành phố mới thật sự có cơ hội được "phủi bụi thời gian" để xuất hiện một cách tương xứng với tiềm năng vốn có.
Nửa cuối tháng 11/2023. Ngày nối ngày, người dân Thủ đô nườm nượp xếp hàng vào thăm quan tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên, rồi hòa cùng những "đoàn tàu di sản" chở khách đổ về nhà máy xe lửa Gia Lâm - trung tâm của lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.
Sinh khí mới
Những cơ sở công nghiệp được lựa chọn để tổ chức lễ hội đều tồn tại hơn một thế kỷ tại Hà Nội và từng được ghi nhớ trong tâm trí người dân thành phố theo những cách khác nhau.
Cụ thể, nằm liền kề với phố cổ, tháp nước tròn Hàng Đậu cao 3 tầng, có 54 ô cửa cùng các trang trí hình vòng cung khiến nhiều người liên tưởng tới một đấu trường La Mã thời cổ đại. Còn phía bên kia cầu Long Biên, nhà máy xe lửa Gia Lâm lại là quần thể rộng trên 25ha với đầy đủ những kiến trúc điển hình của cơ sở công nghiệp nặng thời Pháp: sử dụng các cầu trục nặng, có nhịp kết cấu khổ lớn và mái gấp răng cửa, các cửa mái mở theo hướng Bắc - Nam để lấy gió...
Tất nhiên, nếu chỉ là tháp nước hay nhà máy đơn thuần, bản thân việc "mở cửa" những cơ sở công nghiệp cũ này cũng không thể thu hút người xem đến vậy. Điểm nhấn để tạo ra sinh khí mới cho đời sống nghệ thuật Hà Nội từ các địa điểm này đến từ chuỗi hoạt động nghệ thuật được triển khai tại đây, với chủ đề chung Dòng chảy và tập trung vào 3 mảng chính: Thiết kế - Cộng đồng - Sáng tạo.
Đơn cử, trong lần đầu tiên "đón khách" sau hàng chục năm, không gian trong lòng tháp nước Hàng Đậu gắn với một cuộc triển lãm sắp đặt có sự tổng hòa giữa âm thanh, ánh sáng, các trải nghiệm thị giác… để vừa tạo ấn tượng mới với du khách, vừa tôn lên nét kiến trúc đặc biệt của không gian được hình thành từ năm 189 - nghĩa là trước cả thời điểm người Pháp xây cầu Long Biên. Ở đó, riêng phần âm thanh trong lòng tháp đã có sự ứng dụng các cao độ khác nhau của 6 tiếng nước chảy (trong khe, trong hang động…) để tạo nên thứ âm thanh nền có thể đưa tâm trí của khán giả đến những chiều kích rộng lớn, mênh mông hơn.
Còn tại nhà máy xe lửa Gia Lâm, chỉ nhìn vào những "sân khấu chính" được kiến tạo, người ta đã có thể thấy những cách tiếp cận đa dạng và độc đáo tại một cơ sở công nghiệp.
Điển hình, tại khu vực cầu lăn chìm của nhà máy, không gian kiến trúc Pavilion Bến chờ được triển khai. Tại đây, các thiết kế mới bằng thép được dựng lên với các đường cong tối giản, có phủ lớp phản quang để soi chiếu bối cảnh xung quanh. Mô phỏng kiến trúc của một nhà chờ thu nhỏ với đầy đủ mái che và ghế ngồi, thiết kế này vừa là sân khấu tổ chức sự kiến chính vừa làm điểm dừng chân cho du khách mỗi lần cần nghỉ ngơi và ngắm nhìn một vẻ đẹp tưởng như bị lãng quên của một thời.
Rồi, từ một phân xưởng phủ bụi thời gian, thiết kế Phân xưởng nóng được nhóm TOOB Studio tổ chức với những cốt sàn có cao độ khác nhau. Đan xen cùng những cỗ máy cũ và hệ thống cầu nối, đây vừa là sân khấu biểu diễn, vừa là điểm khám phá giúp người xem trải nghiệm những cảm giác vô tận về không gian khi lần lượt di chuyển qua các mặt sàn.
Khá nhiều các hoạt động của lễ hội được tổ chức tại các khu vực này. Tại Bến chờ, đó là nơi diễn ra lễ khai mạc, biểu diễn nhạc rock Dòng chảy, hành trình thời trang Sáng tạo từ di sản, trình diễn graffiti... Còn tại Phân xưởng nóng, ngoài các cuộc hội thảo, khán giả được thưởng thức biểu diễn thời trang cổ phục Vân Long Lưu Vũ, các chương trình nghệ thuật Đường trường, Đối thoại đôi bờ... Đặc biệt, show sắp đặt âm thanh nghệ thuật Âm cảnh ga Hà Nội của nhạc sĩ Trí Minh gây chú ý với với tính chất của một buổi diễn thực cảnh: trong chuỗi âm thanh "đường sắt" được thu lại và hòa phối đa chiều, các công nhân tại nhà máy và ga Hà Nội xuất hiện trực tiếp trên sân khấu cùng những nghệ nhân xẩm, họa sĩ vẽ truyền thần, nhạc công...
Chưa hết, triển lãm Quá áp của Vy Trịnh và Vân Đỗ được tổ chức ngay tại... trạm điện 33B của nhà máy, với "nhân vật chính" là không gian trạm điện cao thế, được tiếp cận như một vật thể vừa con người, vừa phi con người. Hoặc tại phân xưởng 3B1, triển lãm Tiếng gọi của họa sĩ Thu Trần trưng bày hơn 2.000m lụa được sắp đặt quanh ý tưởng về tính nữ và hành trình của "Mẹ Thiên nhiên".
Những con số thống kê sau lễ hội đã cho thấy thành công đặc biệt của nó: 23 lượt vạn khách tham quan, hơn 2,5 vạn vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản; thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 1.000 nhà sáng tạo nội dung và hơn 100 chuyên gia tại các tọa đàm; hơn 4 triệu thảo luận trên mạng xã hội và khoảng 1.000 tin bài trên báo chí.
Trong số hơn 500 Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận, có chừng 30 trường hợp là những di sản công nghiệp được tái thiết.
Hi vọng mới
Như chia sẻ từ các nghệ sĩ, "bài toán" của những sáng tạo nghệ thuật tại nhà máy xe lửa Gia Lâm là bài toán được đặt ra ở cả 2 chiều.
Một mặt, không gian mênh mông nơi đây - cộng cùng "phông nền" thô ráp đầy sắt thép và nhuốm màu thời gian của nhà máy - có khả năng mở ra những cảm xúc và chiều kích đặc biệt về tác phẩm cho người thực hiện. Chẳng hạn, như chia sẻ của nghệ sĩ Thu Trần, từ lâu chị đã ấp ủ thực hiện triển lãm Tiếng gọi với kết hợp giữa lụa với sắt - 2 chất liệu có "sự tương phản độc đáo như giữa âm và dương, giữa đàn ông và phụ nữ, giữa đất và trời". Thế nhưng, những đòi hỏi đặc thù về mặt bằng, và bối cảnh khiến Tiếng gọi vẫn chưa thể... cất tiếng, cho tới khi cơ hội tại lễ hội lần này được mở ra.
Ở phía còn lại, để tôn trọng và có sự tương tác hợp lý với không gian của nhà máy, các nghệ sĩ lại rất cần hiểu rõ những đặc điểm về kiến trúc, lịch sử, giá trị xã hội và mối quan hệ với cư dân bản địa của nhà máy - để từ đó chọn những cách khai thác phù hợp với khán giả bây giờ.
Điển hình, khi thiết kế không gian nghệ thuật Kiến trúc, nhà máy và vẽ (lại) giấc mơ hiện đại, KTS Mai Hưng Trung đã có những tiếp cận khá thú vị về ảnh hưởng của nhiều nhà máy cũ tại Hà Nội tới các tập quán sinh hoạt của thành phố. Ở đó, nếu nhà máy xe lửa Gia Lâm góp phần kiến tạo hệ thống đường sắt, biến Hà Nội thành điểm kết nối hiện đại với nhiều đô thị khác thì nhà máy bia Hà Nội lại là nơi khởi đầu để đưa loại đồ uống này đến với người dân, cũng như khai sinh ra thứ bia hơi vốn rất quen thuộc với người dân...
Và khi mà những địa điểm như nhà máy xe lửa Gia Lâm trở thành một không gian lý tưởng cho các hoạt động nghệ thuật, đã có những đề xuất từ một số nghệ sĩ về việc các phân xưởng ở đây nên tiếp tục được khai thác khi ở chế độ "rảnh". Có nghĩa, nghệ sĩ có thể thuê một số khu vực nhất định tại nhà máy để sáng tác, bên cạnh những không gian dành cho sản xuất.
Đó là một ý tưởng thú vị. Nhưng rõ ràng, để có tính bền vững và lâu dài, Hà Nội cần nghĩ tới việc kiến tạo hẳn những không gian nghệ thuật chuyên biệt tại những nhà máy đã được quy hoạch di dời trong tương lai.
Và cũng cần nói rõ, những gì vừa diễn ra chỉ là một phần trong nhiều cách tiếp cận các di sản công nghiệp tại Hà Nội. Trên lý thuyết, nếu được khai thác tốt, các cơ sở công nghiệp cũ ấy có thể là nơi tổ chức luân phiên các triển lãm và trưng bày trong năm, có thể được "đánh thức" bằng việc đan xen những công trình dịch vụ mang màu sắc hoài cổ. Quan trọng nhất, chúng có thể trở thành những không gian sáng tạo, nơi "ươm mầm" cho các ngành nghề trong lĩnh vực này để tạo ra sự kết nối, cộng hưởng liên ngành.
Thực tế, cách tiếp cận này vốn không hề xa lạ trên thế giới. Theo một nghiên cứu của tổ chức Vì một Hà Nội đáng sống dựa trên 25 dự án chuyển đổi các nhà máy cũ tại các quốc gia khác nhau, có 3 nhóm loại hình chức năng phổ biến xuất hiện trong giai đoạn "hậu chuyển đổi" này: Các khu liên hợp văn hóa nghệ thuật sáng tạo đa ngành (thường gồm nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc, nội thất, điện ảnh, công nghệ...); các không gian công cộng (công viên, không gian công ích, không gian giải trí cộng đồng); các giải pháp tích hợp cả 2 mô hình trên.
Còn tại Việt Nam, câu chuyện chuyển đổi những di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo đã được khơi dậy từ nhiều năm nay. Đó là một hành trình có nhiều rào cản, nhưng cũng là cơ hội mở ra những tiềm năng mới - mà sự khẳng định từ thành công của lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 chính là một cú hích đáng mừng.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội từng được tổ chức 2 lần tại trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (2021) và không gian đi bộ Hồ Gươm (2002). Nhưng lần tổ chức thứ 3 này là một sự thay đổi đặc biệt về quy mô và địa điểm - khi trong nhiều năm qua, vấn đề khai thác các di sản công nghiệp đang dần được đặc biệt quan tâm.
Đôi nét về di sản công nghiệp
Theo định nghĩa của Ủy ban quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp thì đây là những giá trị của nền "văn minh công nghiệp" nhân loại, bao gồm giá trị lịch sử, khoa học, kỹ thuật, xã hội, kiến trúc, quy hoạch... và những giá trị khác, cần được xác nhận và bảo tồn cho thế hệ tương lai.
Loại hình di sản này không chỉ bao gồm các vật thể (có giá trị) còn lại mà còn mang theo những giá trị phi vật thể gắn với tiến trình lịch sử công nghiệp hóa của loài người, bao gồm các tầng ý nghĩa, tính biểu tượng, câu chuyện, ký ức, các sự kiện có tính bước ngoặt trong phát triển.