Khuyến cáo người dân không tự ý điều trị đau mắt đỏ theo phương pháp truyền miệng
Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đang bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Từ đầu năm đến ngày 21/9, toàn tỉnh ghi nhận hơn 8.300 trường hợp đau mắt đỏ, trong đó chủ yếu tập trung từ hơn 2 tuần trở lại đây.
Huyện Lý Nhân là địa phương có số ca mắc đau mắt đỏ nhiều nhất tỉnh với hơn 3.300 ca, tiếp đến là huyện Thanh Liêm hơn 1.500 ca, huyện Bình Lục hơn 1.300 ca, thành phố Phủ Lý hơn 900 ca. Các trường hợp đau mắt đỏ chủ yếu là học sinh các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở.
Theo ông Vũ Kim, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm đã có công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Theo đó, Trung tâm đề nghị các Trung tâm Y tế tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ tình hình, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị lãnh đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các xã, phường, thị trấn triển khai tốt biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; hướng dẫn trường học thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các Trung tâm Y tế rà soát, bổ sung trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất… đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trung tâm khuyến cáo các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình cần bảo đảm có đủ xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay để ở vị trí thuận tiện; thực hiện vệ sinh lớp học, thường xuyên làm sạch bề mặt bàn ghế và đồ chơi bằng chất tẩy rửa thông thường; không để cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, cốc nước uống…
Bác sỹ Lê Thị Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nam cho biết khoảng 10 ngày trở lại đây, lượng bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt Hà Nam tăng vọt. Mỗi ngày Bệnh viện có hơn 150 bệnh nhân đến khám các bệnh về mắt, trong đó có hơn 50% số bệnh nhân đến khám vì bị đau mắt đỏ. Nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng mắt sưng to, tấy đỏ nặng, nhìn kém. Có bệnh nhân tự điều trị theo phương pháp dân gian như xông lá trầu không, nhỏ sữa (đối với trẻ nhỏ) làm tình trạng bệnh nặng thêm và nguy cơ nhiễm trùng cao.
Những dấu hiệu điển hình của bệnh đau mắt đỏ gồm: mắt ngứa, cộm như có hạt bụi trong mắt; mắt đỏ; mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt; mi mắt sưng nề, đau nhức. Bệnh đau mắt đỏ do virus, người bệnh bị lây do tiếp xúc với dịch tiết của người mắc bệnh khi nói chuyện hoặc hắt hơi; chạm tay vào những vật dụng hay đồ dùng cá nhân nhiễm mầm bệnh…
Đau mắt đỏ tuy không nguy hiểm nhưng vẫn cần được điều trị sớm để tránh dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời; đặc biệt không nên tự ý điều trị theo các phương pháp truyền miệng, dân gian.