Góc nhìn 365: 'Di sản' đường sắt

Cuối tuần qua, ngành đường sắt Việt Nam vừa đưa vào hoạt động đôi tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng.

Những hình ảnh được chia sẻ của đôi tàu này đang gây ấn tượng với người xem. Tại đó, các toa tàu có nội thất với họa tiết và màu sắc hiện đại; hệ thống nhà vệ sinh có bồn sứ và bình nước nóng, toa ăn được bố trí dịch vụ cà phê, các nhân viên mặc đồng phục đẹp và có khả năng sử dụng ngoại ngữ…

Đó là những gì khá tươi mới, so với ấn tượng chúng ta từng giữ về sự cũ kỹ của hệ thống đường sắt trong quá khứ.

Nhìn lại, kể từ năm 1881, khi tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho được xây dựng, đường sắt Việt Nam đã có hơn một thế kỷ tồn tại. Quãng thời gian ấy, cộng cùng những hạn chế từ tiêu chuẩn kỹ thuật cũ, khiến nó dần trở nên xuống cấp, lạc hậu và khó lòng cạnh tranh với các loại hình giao thông hiện đại trong vài chục năm gần đây.

Góc nhìn 365: 'Di sản' đường sắt - Ảnh 1.

Tàu chất lượng cao tuyến Hà Nội - Đà Nẵng đã chính thức đi vào hoạt động chào mừng kỷ niệm 77 năm thành lập ngành Đường sắt Việt Nam. Ảnh: Internet

Nhưng ngược lại, sự cũ kỹ theo thời gian dường như lại mở ra một sức hút riêng của đường sắt Việt Nam với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Bởi, bên cạnh việc chạy dài hơn 1.700 km qua mọi cảnh quan thiên nhiên dọc Việt Nam, sức hấp dẫn của đường sắt còn nằm ở hệ thống nhà ga với đời sống đặc trưng của nó. Thực tế, trong quá khứ, dọc theo "mạch máu" đường sắt, các nhà ga ấy từng giữ vai trò là hạt nhân phát triển của mỗi đô thị - để rồi một số đã trở thành những điểm nhấn đặc biệt về kiến trúc và từng được xếp hạng di tích…

Đơn cử, vài tháng trước, chuyên trang du lịch quốc tế Lonely Planet vừa xếp tuyến đường này ở vị trí đầu tiên trong "9 hành trình du lịch bằng tàu ngoạn mục nhất thế giới". Như giới thiệu từ Lonely Planet, tuyến đường sắt "chạy qua các thành phố lịch sử, lướt qua những bờ biển ngoạn mục, giúp du khách tận mắt nhìn thấy một Việt Nam đa sắc màu…"

Xa hơn, năm 2022, khi tạp chí du lịch The Travel của Canada đã liệt kê 10 hành trình tàu hỏa chạy xuyên đêm ấn tượng nhất thế giới, trong đó có tàu Bắc - Nam của Việt Nam. Rồi, năm 2018, hãng tin Sputnik của Nga cũng nhắc tới nó khi bình chọn 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới.

***

Một khi khó khả thi để thay đổi tốc độ - điểm yếu lớn nhất của tuyến đường sắt hiện tại - điều hợp lý cần làm là nâng cao các tiện ích và hệ thống dịch vụ tại các nhà ga cũng như trên các đoàn tàu. Đó là điều nhiều chuyên gia từng chỉ ra trên thực tế.

Những gì đang diễn ra với đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng gắn với hướng đi ấy. Xa hơn, thời gian qua, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng cũng đã thử nghiệm xây dựng hành trình trải nghiệm food tour với việc hỗ trợ du khách quét mã QR để check-in, tìm hiểu bản đồ du lịch, đặt chỗ và khám phá ẩm thực - thậm chí là đặt các dịch vụ thuê xe máy, xe điện tại ga đến. Rồi gần nhất, một số nhà ga như Diêu Trì ((Bình Định) Vinh (Nghệ An) Tháp Chàm (Ninh Thuận)… cũng đang được đề xuất mở rộng để có thêm dịch vụ hỗ trợ hành khách.

Rõ ràng, với những gì đang có, tuyến đường sắt trăm tuổi của chúng ta vẫn sẽ là một "di sản" giá trị mà lịch sử để lại, nếu tiếp cận đủ hợp lý và khoa học.

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH