Tưng bừng Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ
Ngày 13/2 (mùng 4 Tết), người dân phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nô nức tổ chức Lễ hội rước pháo. Đây là một trong những lễ hội được tổ chức sớm nhất trong năm và có nhiều nét văn hóa đặc sắc, nhận được sự quan tâm và thu hút đông đảo du khách.
Lễ rước pháo Đồng Kỵ được chuẩn bị từ sáng sớm với sự tham gia của hàng trăm người phục vụ cùng nhiều nghi thức trang trọng. Đám rước kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, từ nhà truyền thống ra đình trong sự chứng kiến, háo hức của hàng nghìn du khách thập phương.
Mặc dù là lễ hội ở quy mô nhỏ, nhưng hội làng Đồng Kỵ vẫn nổi tiếng khắp cả nước bởi nét văn hóa đặc sắc vùng quê Kinh Bắc và đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2016. Hội Đồng Kỵ năm nào cũng là một trong những lễ hội thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu tục lệ văn hóa truyền thống của Bắc Ninh.
Trong quan niệm của người dân Đồng Kỵ, tục thờ pháo, rước pháo không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, mà còn mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, may mắn, tài lộc, mong muốn có một khởi đầu tốt đẹp hơn trong năm mới.
Lễ hội gắn liền với sự tích về đức thánh Thiên Cương ra quân đánh giặc Xích Quỷ. Theo dân gian truyền lại, thời vua Hùng có ông Cương Công, con trai ông Kinh Bắc quận vương, có công dẹp giặc Xích Quỷ, được vua phong là Thiên Cương. Trên đường dẹp giặc, Thiên Cương đã về Đồng Kỵ tuyển quân chọn tướng.
Vào ngày mùng 4 tháng Giêng, ông ra lệnh xuất quân đánh giặc. Thiên Cương chia quân làm 4 tốp và giao cho 4 tướng chỉ huy. Trong buổi xuất quân, mọi người tổ chức đốt pháo hò reo, tạo không khí náo nhiệt, hào hùng để động viên quân sĩ. Khi dẹp giặc xong, Thiên Cương trở về Đồng Kỵ mở hội ăn mừng.
Để nhớ ơn Thiên Cương, làng Đồng Kỵ thờ đức Thiên Cương làm thần hoàng làng tại đình và hằng năm mở hội thi đốt pháo, tái hiện ngày Thiên Cương ra lệnh xuất quân đánh giặc. Làng sẽ chọn 4 người đến tuổi 50 làm 4 vị tướng xuất quân đánh giặc (quan đám đỏ). Mỗi vị tướng sẽ có trách nhiệm tổ chức quân cũng như làm ra một quả pháo từ nhỏ đến to, quả nhỏ (pháo tư) dài khoảng 5m, quả lớn nhất (pháo nhất) có thể đến 15m, hình quả pháo là hình trụ tròn, đường kính có thể lên tới hơn 1m. Trước đó, ngày mùng 3 Tết là lễ rước vua về làng, 20 giờ tối Giao thừa là lễ chạy quan đám, dựa theo cuộc tổng động viên quân lính đánh giặc xưa kia.
Ngày mùng 4 Tết là lễ rước pháo ra đình để hội quân, sau lễ thờ thành hoàng làng là phần hấp dẫn nhất của lễ hội: đốt 4 quả pháo (để kích lệ tinh thần quân lính xưa kia). Do pháo quá lớn dễ gây nguy hiểm nên hiện nay, theo quy định cấm đốt pháo, các hình thức của lễ hội đã thay đổi ít nhiều, không còn hội đốt pháo nữa, pháo hiện tại cũng chỉ là pháo giả dùng cho nghi thức lễ hội.
Sau hội đốt pháo sẽ là lễ xuất quân. Các "quan đám" sẽ được công trên vai bởi những chàng trai đang độ sung sức, làm động tác múa như muốn cổ động tinh thần quân lính và chào tạm biệt nhân dân đi đánh giặc. Đây là một phong tục hay vẫn đang được duy trì và phát huy.
Diễn ra từ ngày 13 - 15/2 (tức mùng 4 - 6 tháng Giêng), Lễ hội Rước pháo Đồng Kỵ còn bao gồm nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa của vùng đất Kinh Bắc như: hát quan họ, hát tuồng cổ, võ vật truyền thống, trò chơi đập niêu, hội thơ...