Tiếp tục nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú lần thứ 10 diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong không khí tưng bừng, phấn khởi, gần 400 nghệ sỹ từ khắp mọi miền đất nước đã cùng tụ hội và đón nhận danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng bởi những đóng góp lớn lao cho sự phát triển của nghệ thuật nước nhà.

Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ, danh hiệu là sự ghi nhận, là động lực, là sự khích lệ và đôi khi là cả niềm tin của người nghệ sỹ đối với những nỗ lực phấn đấu, cố gắng cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên các tác phẩm nghệ thuật, các tiết mục có giá trị mới là điều mà tất cả các nghệ sỹ hướng tới. Những giá trị chân thiện mỹ, những cái đẹp giúp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, đó là điều quan trọng nhất. Khi được trao tặng danh hiệu, người nghệ sỹ thấy vui mừng và hạnh phúc, hãnh diện và tự hào. Song, điều quan trọng nhất đối với người nghệ sỹ là tác phẩm nghệ thuật, là thái độ sống, là chất lượng nghệ thuật…

Tiếp tục nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” cho nghệ sĩ Nguyễn Xuân Bắc, Diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam (Bộ VH, TT và DL). Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

"Với bản thân tôi, khi được nhận danh hiệu cao quý này, là lúc tôi bắt đầu một hành trình mới - hành trình của một nghệ sỹ có danh hiệu. Tôi sẽ luôn cố gắng phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu cao quý mà mình được trao tặng. Không chỉ riêng hôm nay, mà cả một chặng đường dài sau này", Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc chia sẻ.

Cũng theo Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc, danh hiệu được trao tặng cho người nghệ sỹ thông qua một quá trình lao động sáng tạo, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Nhưng nghệ sỹ sau khi nhận danh hiệu đó sẽ có cống hiến gì cho Tổ quốc, cho khán giả… là điều rất quan trọng. Vì vậy, danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú có một "sức nặng" và những người nghệ sỹ khi được trao tặng sẽ phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu mà Đảng, Nhà nước đã trao.

Bày tỏ niềm vui khi được nhận danh hiệu cao quý, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Đại Chức (Lê Chức) chia sẻ, nhận danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân sau 26 năm là Nghệ sỹ Ưu tú, đó là niềm vinh dự và tự hào của cá nhân ông, song đó cũng là nhận thêm trách nhiệm cho mình trong mọi việc, nhất là trách nhiệm đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật nước nhà, với việc trao truyền kinh nghiệm, kiến thức nghề nghiệp cho các thế hệ sau. Nghệ sỹ có những học trò nổi tiếng như Thu Quỳnh, Diễm Hương, Thùy Dương… và có nhiều học trò cùng nhận danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân đợt này.

"Những người hoạt động văn hóa nghệ thuật như chúng tôi luôn mong muốn làm rạng rỡ, phát triển hơn văn hóa nghệ thuật nước nhà. Nghệ thuật có chức năng là đi từ cái đẹp tới cái đẹp hơn trong tâm hồn con người, trong nhận thức con người. Chúng ta không mong gì hơn đất nước hòa bình, thịnh vượng, mọi người no ấm, hưởng thụ một nền văn học nghệ thuật đúng như chúng ta mong muốn…", Nghệ sỹ Nhân dân Lê Đại Chức chia sẻ.

Tiếp tục nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” cho các nghệ sĩ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Đại tá, Nghệ sỹ Nhân dân Ma Bích Việt bày tỏ niềm vui khi được nhận danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân trong đợt trao tặng lần thứ 10 này. Là thế hệ thứ 2 trong số những người đặt nền móng của nền âm nhạc Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Ma Bích Việt là tên tuổi được nhiều thế hệ công chúng biết đến.

Nhắc đến Bích Việt, công chúng nhớ đến hình ảnh cô bộ đội xinh đẹp với một giọng hát "chim sơn ca" lanh lảnh, thánh thót, luôn cống hiến hết mình cho nền âm nhạc nước nhà. Thập niên 1980, nghệ sỹ Bích Việt từng bước khẳng định độ chín về kỹ thuật thanh nhạc và giành nhiều giải thưởng cao trong các hội thi âm nhạc toàn quốc, trong đó có giải Nhất và Nhì "Hát thính phòng-nhạc kịch" và Giải "Người hát hay nhất về các lực lượng vũ trang và an ninh" tại Cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc hai năm 1987-1988...

Tháng 6/1988, ca sỹ Bích Việt xung phong ra Trường Sa, mang tiếng hát phục vụ bộ đội ở các đảo Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Sơn Ca... Tháng 9/1992, bà được điều động về làm giảng viên Khoa Thanh nhạc, Trường Nghệ thuật Quân đội, sau đó giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (tiền thân của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội ngày nay). Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú đầu năm 1993 và lần này bà vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân.

Nghệ sỹ Nhân dân Ma Bích Việt chia sẻ, dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng bà vẫn yêu nghệ thuật và phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng. Nghệ sỹ bày tỏ mong muốn thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú ý nhiều hơn nữa đến những nghệ sỹ lớn tuổi, có nhiều thành tích và đóng góp cho âm nhạc nước nhà nói riêng, cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của đất nước nói chung...

Nghệ sỹ Nhân dân Hương Dung, nghệ sỹ Nhà hát Kịch Công an nhân dân khẳng định, danh hiệu rất quan trọng và ý nghĩa đối với người nghệ sỹ. Bởi đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, của đông đảo công chúng đối với những cống hiến của người nghệ sỹ. Đó là động lực, là sự khích lệ động viên đối với nghệ sỹ trong sự nghiệp của mình.

"Là nghệ sỹ công tác trong ngành Công an, với đặc thù riêng, ngoài phục vụ nhân dân nói chung, chúng tôi còn đến phục vụ ở những vùng khó khăn như miền núi, hải đảo, có khi vào biểu diễn trong trại giam… đối với phụ nữ sẽ có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, với người nghệ sỹ, được phục vụ nhân dân là vinh dự, bởi được cống hiến cho nghệ thuật là niềm vinh dự, tự hào", Nghệ sỹ Nhân dân Hương Dung chia sẻ.

TTXVN

Link gốc: TTVH