Lắng nghe tiếng nói của phụ nữ qua văn chương của người trẻ
Khá bất ngờ, buổi trò chuyện "Từ độc thoại đến đối thoại: Tiếng nói của phụ nữ qua văn chương của người trẻ" diễn ra tại Viện Goethe (Hà Nội) cuối tuần đã thu hút một lượng khán giả rất lớn, tới mức nhiều người phải đứng dự đến cuối chương trình. Thú vị hơn, chương trình không chỉ nhận được những thông điệp nóng từ các diễn giả mà còn từ các khán giả trẻ -đa phần là học sinh, sinh viên - có mặt tại sự kiện.
1. Phần đầu chương trình là những tác phẩm được trình chiếu ở dạng phim của 3 tác giả tham gia dự án: Line Papin (nhà văn Việt Nam thế hệ thứ 2 ở Pháp), Maik Cây (Nguyễn Phương Anh) và Lê Khải Việt - 2 nhà văn Việt Nam. 3 tác phẩmđã gợi nhiều nhiều suy nghĩ: Sự biến đổi căn tính liên tục của người nữ trong các truyền thuyết dân gian, sự dễ tổn thương trước dư luận xã hội khi yêu một người đàn ông ngoại quốc, sự táo bạo trong ước mơ gây dựng sự nghiệp ở nước ngoài.
Cụ thể, câu chuyện của Line Papin (sinh năm 1995) là cuộc đối thoại giữa một cô gái với mẹ của mình về việc sang Pháp thăm người yêu trong bối cảnh những năm 1980 tại Việt Nam. Thực chất, chuyện được dẫn dắt từ chính cuộc đời của mẹ Line Papin - một phụ nữ Việt Nam, trưởng thành trong những năm tháng chiến tranh, gặp và yêu bố cô.
Cuộc đối thoại giữa 2 phụ nữ cho thấy khi đó xã hội "mặc định"cho đàn ông có nhiệm vụ cầu hôn phụ nữ, những đứa trẻ là con lai sinh ra sẽ không dễ được đón nhận. Còn yêu xa như mẹ của Papin, muốn sang Pháp thăm người yêu thì phải cưới.
Với câu chuyện của nhà văn Lê Khải Việt (sinh năm 1983) trong Nhà hàng Việt Nam, tác giả lại đưa ra cái nhìn về sự chủ động, thậm chí quyết đoán của phụ nữ qua cuộc đối thoại về việc mở nhà hàng ở Australia với bạn trai. Đề cao tiếng nói của 2 nhân vật nữ là cô gái và mẹ của cậu bạn trai, tác giả đã đặt họ bên cạnh suy nghĩ có phần khác biệt của 2 người đàn ông - bố, con chàng trai.
Cuối cùng, tác phẩm Mộng tam sinh của Maik Cây là câu chuyện một người phụ nữ kể về 3 kiếp sống của mình, gắn với những huyền sử như Trăm trứng nở trăm con, Trầu cau, Hòn vọng phu, Chuyện người con gái Nam Xương…
Hiện tại, định kiến về những đứa trẻ con lai như Line Papin kể vẫn còn tồn tại, như người viết từng chứng kiến chuyện tương tự tại một khu chung cư cao cấp giữa lòng Thủ đô. Có khác chăng, người mẹ của cậu bé con lai khi kể về sự phân biệt đối xử của hàng xóm đã chấp nhận rằng: "Ở đâu cũng có người nọ, người kia".
2. Ở phần thảo luận, như lời diễn giả Đặng Thị Thái Hà (Viện Văn học), văn chương trước thời hiện đại cũng nhiều lần đề cập đến tiếng nói của phụ nữ trong xã hội. Song, góc nhìn về phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc khi ấy vẫn còn nhiều định kiến
Chẳng hạn, thơ Nguyễn Khuyến viết về việc phụ nữ Việt lấy chồng Tây được coi như lấy giống bạch quỷ; Vũ Trọng Phụng gọi bà Phó Đoan trong Số đỏ là "me Tây" rồi miêu tả chi tiết cả "kỹ nghệ lấy Tây". Phải tới giai đoạn sau, những lớp nhà văn trẻ mới có thêm sự đồng cảm trong vấn đề này.
Sinh năm 1988, Maik Cây cho biết, khi thử "lật lại" quá khứ, chị cũng rất hiếm hoi để tìm được tiếng nói phụ nữ trong xã hội phụ hệ. "Tôi nghĩ rằng, tiếng nói của phụ nữ đã bị chặn lại quá lâu. Bởi thế, nói về bình quyền của hiện tại, chúng ta cũng không dễ tìm được những điểm tựa nếu quay lại quá khứ" - nữ nhà văn nhận định - "Và trong sự phát triển của đời sống hiện nay, tiếng nói của người nữ sẽ còn trở nên phức tạp hơn nhiều".
Nhìn lại câu chuyện của bố mẹ cách đây vài chục năm, Line Papin cũng chia sẻ rằng tình yêu đã khiến họ trở thành một cặp đôi "lạc lõng" với thời đại của họ chỉ vì những định kiến. Khi ấy, mẹ của Papin phải đón nhận nhiều dị nghị vì yêu một người đàn ông ngoại quốc. Line Papin ra đời, nhưng một đứa trẻ thuộc 2 nền văn hóa, là sự kết tinh hài hòa của tình yêu như cô, cũng không hề được chào đón một cách bình thường.
"Tôi nhớ lúc bé ở Việt Nam vẫn thường bị mọi người chỉ trỏ bảo là Tây, Tây… Những trải nghiệm như vậy đôi khi khiến tôi cảm thấy xa lạ ngay trong quê hương của bố mẹ mình" - Papin nhớ lại.
Tại tọa đàm, đã có ý kiến cho rằng phụ nữ bây giờ chẳng phải đã có tất cả mọi thứ, từ công việc, sự nghiệp, tự do, luyến ái…sao còn phải đấu tranh vì nữ quyền? Và có cả thắc mắc vô cùng ấn tượng của một nữ sinh lớp 11: "Bao giờ, người phụ nữ mới có thể nói ra được những điều mình muốn một cách trực diện mà không cần phải thông qua thế giới ảo, qua trạng thái như một sự lên đồng hay điều gì đó tương tự?".
Giải đáp những suy nghĩ ấy từ công chúng, nhà văn Maik Cây chia sẻ: "Những gì chúng ta đang làm hôm nay, ngay tại buổi trò chuyện này, chính là câu trả lời".
Dự án "Việt Nam của tôi"
Buổi trò chuyện thuộc dự án Việt Nam của tôi - dự án về bản sắc Việt Nam xuyên biên giới do Viện Goethe khởi xướng. Theo đó, 4 nhà văn người Việt thế hệ thứ hai từ Séc, Đức, Pháp, và Mỹ, cùng với 5 tác giả trẻ tại Việt Nam sẽ viết vở kịch dài năm phút quanh chủ đề Việt Nam có ý nghĩa gì với họ. Mỗi vở kịch được viết dựa trên trải nghiệm cá nhân và những câu hỏi về căn cước văn hóa.
Các vở kịch sẽ được ghi hình và biên tập thành các phim sân khấu, kèm thêm các phụ đề tiếng Anh, tiếng Đức, và tiếng Việt, từ đó tạo ra những đối thoại văn hóa xuyên biên giới.