Đường đời trái ngược của cặp chị em thành công rực rỡ và nổi tiếng nhất lịch sử bóng chuyền Việt Nam
Họ chắc chắn là cặp chị em thành công và nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam cho tới lúc này nhưng đường đời của họ lại là những mảng màu đối lập.
Đỗ Thị Minh, sự nghiệp thành công, cuộc sống viên mãn
Đỗ Thị Minh được coi là ngôi sao đặc biệt của bóng chuyền nữ Việt Nam bởi cô chơi chủ công nhưng chỉ cao 1m73 (chiều cao được coi là rất bất lợi để có thể chơi tốt ở vị trí này).
Hạn chế rất nhiều về chiều cao nhưng Đỗ Thị Minh vẫn chơi chủ công cực hay nhờ những nỗ lực khổ luyện quên tháng ngày cùng với ý chí vươn lên đáng khâm phục và tinh thần kỷ luật của nhà binh.
Đỗ Thị Minh gia nhập đội hình chính của Bộ Tư Lệnh Thông Tin khi mới 17 tuổi và cũng chỉ sau đó đúng 1 năm cô ghi tên mình trong danh sách ĐTQG.
Trong sự nghiệp thi đấu của mình, Đỗ Thị Minh đã giành tới 8 chức VĐQG trong màu áo CLB Bộ Tư Lệnh Thông Tin, nhiều hơn cả cô em họ Phạm Thị Yến, cũng là một chủ công với tên tuổi lẫy lừng, nhiều hơn cả Phạm Kim Huệ, cũng là một tượng đài của bóng chuyền nữ Việt Nam.
Chiều cao hạn chế nhưng sải tay dài và cổ tay cực khỏe đã giúp Đỗ Thị Minh thường xuyên tung ra những cú đập trời giáng, đưa bóng găm thẳng xuống phần sân đối phương và trở thành "cỗ máy ghi điểm" ở cả CLB lẫn ĐTQG suốt nhiều năm ròng.
Cao chỉ 1m73 nhưng cô gái Hà Nam có tầm bật đà lên tới 3m05 và tầm bật chắn 2m85, những chỉ số chuyên môn rất tốt đối với một chủ công.
Sức bật tốt và những cú đập có lực cực mạnh giúp Đỗ Thị Minh thường xuyên chiến thắng những hàng chắn thuộc loại kiên cố bậc nhất Việt Nam và Đông Nam Á, giúp cô giành đến 8 chức VĐQG cùng CLB bóng chuyền nữ BTL Thông tin.
Ngoài 8 lần đăng quang cùng đội bóng chuyền quân đội, Đỗ Thị Minh còn giành hàng loạt danh hiệu khác tại cấp độ ĐTQG, các trận đấu cúp cũng tô điểm thêm cho căn phòng của cô Thiếu tá quân đội.
Đỗ Thị Minh cũng là VĐV đầu tiên của đội bóng chuyền quân đội được ra nước ngoài thi đấu. CLB mà cô khoác áo là đội bóng Idea KhonKaen của giải VĐQG Thái Lan. Đỗ Thị Minh là chủ công duy nhất được ĐKVĐ Thái Lan Idea KhunKaen chọn đích danh và trả cô mức lương trên 3000 USD/tháng trong 3 tháng tranh tài tại đây cũng như được tài trợ toàn bộ kinh phí đi lại, ăn ở.
Bên cạnh sự nghiệp thi đấu thành công, tay đập quê Hà Nam còn có cuộc sống viên mãn. Đỗ Thị Minh nghỉ thi đấu để lập gia đình khi đang là trụ cột của CLB và ĐTQG. Chồng cô là đại úy quân đội Lê Đức. Cả hai làm đám cưới hồi 2016 và gia đình nhỏ của họ lúc nào cũng ngập tràn hạnh phúc với tiếng cười con trẻ khi Đỗ Thị Minh và Lê Đức đã có với nhau 2 thiên thần đáng yêu, cả nếp lẫn tẻ.
Từng có quãng thời gian tạm rời xa sân bóng để lập gia đình và thực hiện thiên chức của làm mẹ nhưng sau đó số 9 của BTL Thông tin bất ngờ quay trở lại sân đấu ở tuổi 30.
Màn tái xuất của cô giúp đoàn quân bóng chuyền nữ BTL Thông tin về nhì năm 2018 và lên ngôi VĐQG năm 2019. Năm 2020 Đỗ Thị Minh quyết định ngừng thi đấu để chuyển sang đảm nhận vai trò HLV, phụ trách đào tạo trẻ tại CLB giàu truyền thống bậc nhất Việt Nam.
Phạm Thị Yến tài năng, nổi tiếng, thành đạt nhưng vẫn… lẻ bóng ở tuổi 38
Đối với chủ công huyền thoại Phạm Thị Yến thì người ta không dễ để ca ngợi. Đơn giản vì trung tá quân đội quê Hà Nam quá xuất sắc và hoàn hảo.
Sinh ra trong một gia đình không liên quan gì đến thể thao tại Hà Nam, Phạm Thị Yến đến với bóng chuyền một cách ngẫu nhiên nhờ thông tin từ… một bác hàng xóm để rồi "trốn" lên tỉnh đăng ký vào lớp năng khiếu bóng chuyền.
Thiếu nữ 14 tuổi khi đó gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình rồi tiếp tục gặp trắc trở trên hành trình theo đuổi đam mê khi đội bóng chuyền nữ Hà Nam bị giải tán vào năm 2001.
Nhưng không ai ngờ đó lại là bước ngoặt đưa Phạm Thị Yến đến với CLB bóng chuyền nữ giàu truyền thống nhất Việt Nam Bộ Tư Lệnh Thông Tin và gắn bó với đội bóng này cho tới tận bây giờ.
Chỉ sau đúng 1 năm ăn tập tại Bộ Tư Lệnh Thông Tin, Yên đã bộc lộ những tố chất của một ngôi sao bóng chuyền đỉnh cao. Không chỉ có thể lực sung mãn, khả năng di chuyển linh hoạt, cô còn cho thấy sức bật tuyệt vời dù không có chiều cao thực sự tốt để chơi chủ công.
Thống kê được ghi nhận cho thấy tầm bật đà tấn công của Phạm Thị Yên lên tới 3m05 còn tầm bật chắn của cô là 3m. Sức bật tốt là một trong những chìa khóa giúp Yến có thể tung ra những cú dứt điểm như "búa bổ" trong mọi tình huống đồng thời cô cũng là tay chắn siêu hạng của Bộ Tư Lệnh Thông Tin và tuyển Việt Nam suốt một thời gian dài.
Từ năm 2003, Yến khuynh đảo các sân chơi quốc nội và cùng với Bùi Thị Huệ tạo thành cặp chủ công "sát thủ" ở đội tuyển quốc gia. Cô từng là VĐV ghi nhiều điểm nhất Việt Nam ở cả cấp CLB lẫn ĐTQG trong hàng thập kỷ, với hiệu suất trung bình trên 20 điểm/trận.
Với những đóng góp to lớn cho thể thao quân đội, Phạm Thị Yến đã được thăng quân hàm vượt cấp. Cô hiện là trung tá. Từ 2014, Phạm Thị Yến vừa thi đấu, vừa tham gia ban huấn luyện của CLB Bộ Tư Lệnh Thông Tin.
Từ đầu năm 2016, cô chính thức nghỉ thi đấu và chuyển hẳn sang công tác huấn luyện. Trung tá quân đội 38 tuổi hiện là HLV phó của Bộ Tư Lệnh Thông Tin.
Sự nghiệp thành công rực rỡ nhưng cuộc sống riêng tư của Phạm Thị Yến lại có phần chưa trọn vẹn khi cô vẫn lẻ bóng cho tới thời điểm này khi đã 38 tuổi.
Vì sao sở hữu chiều cao 1m78 như người mẫu, lại có vẻ ngoài vô cùng xinh đẹp, trẻ trung mà vẫn lẻ bóng khi đã cận kề tuổi 40? Đó là câu hỏi mà Phạm Thị Yến thường xuyên nhận được trong rất nhiều cuộc trả lời phỏng vấn của cô trên truyền thông.
Tay đập trứ danh quê Hà Nam từng có lần bộc bạch rằng "Không phải là tôi không nghĩ tới chuyện riêng tư. Cũng như những phụ nữ khác, tôi mong muốn có một mái ấm của riêng mình. Tôi có nhiều người theo đuổi và có một số người đã "đặt vấn đề". Họ muốn tiến tới nhưng lại bảo rằng họ muốn tôi không làm gì cả, chỉ cần ở nhà. Họ muốn tôi từ bỏ bóng chuyền. Nhưng bóng chuyền đã ngấm vào máu thịt của tôi rồi. Đó là đam mê mà tôi không thể từ bỏ. Thế nên, tôi không thể đón nhận tình cảm của họ được".
Tâm sự của Phạm Thị Yến giải thích vì sao cô vẫn "độc thân vui vẻ" dù không còn trẻ. Ở tuổi 38, trung tá quân đội xinh đẹp vẫn đang miệt mài theo đuổi đam mê với bóng chuyền. Không còn thi đấu nhưng cô vẫn trăn trở trên cương vị HLV phó của BTL Thông Tin, truyền đạt kinh nghiệm, dìu dắt lứa VĐV trẻ của đội bóng chuyền nữ quân đội ở các giải đấu.
Những phút giây rảnh rỗi, tượng đài bóng chuyền nữ Việt Nam dành thời gian thăm hỏi người thân, vui vẻ cùng bạn bè và tự sâu thẳm trong lòng mình, cô vẫn đang mong chờ "một nửa" thật vừa vặn để cho cuộc sống của mình trở nên trọn vẹn.