Đằng sau đà tăng mạnh của đồng USD

Tuần trước, chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của "đồng bạc xanh" so với rổ các đồng tiền chủ chốt, đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái. Đứng sau đà khởi sắc này là sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Số liệu doanh số bán lẻ mới nhất cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn đang tiếp tục chi tiêu. Trước đó, các số liệu khác trong tháng này cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn đang thắt chặt và lĩnh vực sản xuất đang mở rộng.

Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sức đề kháng của nền kinh tế Mỹ cho phép Fed duy trì lãi suất ở mức cao nhất 23 năm qua để chờ đợi dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm dần về mức mục tiêu 2%.

Nhưng đà giảm của lạm phát đang có dấu hiệu chững lại. Tháng Ba là tháng thứ ba liên tiếp lạm phát cao hơn dự đoán. Ông Michelle Bowman, một Thống đốc của Fed, cho rằng ngân hàng này có thể cần phải tiếp tục tăng lãi suất hoặc trì hoãn hơn nữa ý định hạ lãi suất.

Đằng sau đà tăng mạnh của đồng USD - Ảnh 1.

Đồng đôla Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhưng thể trạng của nền kinh tế Mỹ không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy đồng USD. Ông Claudio Irigoyen, chuyên gia cấp cao của ngân hàng Bank of America, nhận định đồng USD mạnh lên do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Bên cạnh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, những căng thẳng địa chính trị cũng đang tác động đến "đồng bạc xanh". Theo ông Irigoyen nếu căng thẳng tại Trung Đông kéo dài, tình hình này sẽ khiến giá năng lượng tăng mạnh. Cú sốc này sẽ tác động đến châu Âu và Nhật Bản mạnh hơn nhiều so với Mỹ, quốc gia độc lập hơn về năng lượng.

Đối với người tiêu dùng Mỹ, ông Irigoyen cho rằng sức mua của đồng USD gia tăng sẽ giúp hoạt đông tiêu dùng diễn ra mạnh mẽ. Người dân sẽ đi du lịch nước ngoài nhiều hơn. Hàng nhập khẩu rẻ hơn nên các công ty Mỹ cũng sẽ tăng cường nhập khẩu.

Theo chuyên gia này, sự mạnh lên của đồng USD không phải lúc nào cũng tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khác, vì một đồng tiền yếu hơn sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của các nước, và đó là cách mà nền kinh tế toàn cầu tìm sự cân bằng. Tuy nhiên, theo ông Irigoyen, đồng USD mạnh không phải là một cú sốc ngoại sinh, mà nó là một phản ứng nội sinh của thị trường với thực tế rằng kinh tế Mỹ đang diễn biến khả quan hơn phần còn lại của thế giới.

Ông Irigoyen cho rằng để đồng USD suy yếu, giữa Mỹ và phần còn lại cần có một sự cân bằng về cả tốc độ tăng trưởng và chính sách tiền tệ. Ông dự đoán khả năng đồng USD suy yếu là rất thấp, vì "đồng bạc xanh" thường đi xuống khi kinh tế Trung Quốc diễn biến tốt hơn Mỹ. Nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ diễn ra. Bên cạnh đó, sức mạnh của đồng USD sẽ giảm xuống nếu không có những căng thẳng địa chính trị, nhưng từ giờ đến cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ, tình hình căng thẳng ở Trung Đông được dự đoán sẽ vẫn tiếp diễn.

Khánh Ly/TTXVN (Theo CNN)

Link gốc: TTVH