Các CLB làm gì khi V-League ngắt quãng?

Kết thúc vòng 15, Night Wolf V-League 2023/ 24 tạm ngừng gần một tháng nhường chỗ cho đội tuyển U23 Việt Nam tham dự VCK U23 châu Á 2024. Các CLB than phiền bởi sự ngắt quãng này, trong khi người hâm mộ tiếc nuối khi giải đấu đến hồi gây cấn lại nghỉ dài.

V-League ngày càng hấp dẫn rõ ràng là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, điệp khúc "đang vui bỗng đứt dây đàn" lại thêm lần nữa xuất hiện. Đây là nghịch lý ở một sân chơi chuyên nghiệp đã bước sang tuổi 24.

Cụ thể, giải tạm ngừng đến ngày 3/5 mới trở lại thi đấu vòng 16, để U23 Việt Nam dự VCK U23 châu Á 2024. Như vậy, V-League 202/24 kéo dài hơn 8 tháng nhưng có đến 5 lần ngắt quãng, thời gian thi đấu thực tế chỉ chừng 4 tháng.

Mùa này, các đội ít than phiền vì VPF đã sớm công bố lịch đấu, các đội đã biết trước để có kế hoạch ứng phó và quy định FIFA Days được áp dụng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc giải liên tục bị cắt vụn cũng gây ảnh hưởng tiêu cực, chưa nói đến khó khăn cho các HLV trong công tác chuyên môn, tính toán điểm rơi phong độ.

Các CLB làm gì khi V-League ngắt quãng? - Ảnh 2.

Việc V-League liên tục bị gián đoạn đã gây ra nhiều khó khăn cho các CLB. Ảnh: Hoàng Linh

Đặc biệt, không chỉ các cầu thủ mà người hâm mộ cũng mất hứng, khi V-League vừa lên cao trào thì dừng lại, tụt mất cảm xúc.

Thực tế, những quãng nghỉ kéo dài đã nhiều lần xuất hiện tại V-League. Trong lúc giải đấu "án binh bất động", không còn cách nào khác, các đội bóng phải tập chay hoặc tự tìm đối thủ thi đấu giao hữu để đảm bảo nhịp điệu cũng như phong độ.

Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, sau khi trở lại vào đầu tháng 5, V-League sẽ "dồn toa" khi các đội phải đá đến 6 vòng trong 24 ngày. Mật độ 4 ngày/1 trận, dưới cái nóng nung người mùa hè thật sự là điều "khủng khiếp" với cầu thủ.

Các HLV sẽ phải đau đầu với giáo án huấn luyện của mình, vì để căn chỉnh được trạng thái tốt nhất với chuyện lúc thì đá dồn dập, lúc lại nghỉ nửa chừng là bài toán không hề đơn giản.

Trong khi chờ lực lượng cầu thủ U23 trở về, mỗi đội bóng vẫn phải duy trì tập luyện, lo giữ phong độ cho các cầu thủ còn lại và… trả lương! Bộ máy CLB cũng phải hoạt động liên tục, nhưng các buổi tập giống như "chơi cờ mù" vì chính những sự thiếu hụt của các vị trí đã lên đội tuyển.

Đáng nói, kinh phí duy trì hoạt động trong bối cảnh không thi đấu là bài toán không dễ với các CLB, đặc biệt là các CLB gặp khó khăn trong vận động tài trợ.

Ngoài ra, trở lại sau các khoảng nghỉ kéo dài, V-League buộc phải thi đấu "vắt chân lên cổ" để kết thúc đúng dự kiến vào cuối tháng 6 năm nay. Điều này khiến chất lượng chuyên môn các trận đấu khó được bảo đảm khi các cầu thủ phải liên tục ra sân.

Với mật độ thì đấu dày đặc, cường độ vận động cao, không có gì đảm bảo chất lượng của V-League được cải thiện và nâng cao. Trung tuần tháng 6, ĐTQG sẽ còn 2 cuối vòng loại thứ 2 World Cup 2026 với Philippines và Iraq, chỉ sau đó giải mới đá nốt 5 lượt còn lại để kết thúc vào cuối tháng 6 như dự kiến.

Không loại trừ khả năng, khi đội tuyển Việt Nam tập trung ở thời điểm đầu tháng 6, lực lượng sẽ không thể đầy đủ vì lý do chấn thương. Chưa kể, cảm giác "ngán" bóng cũng sẽ có khi phải chơi theo kiểu "no dồn, đói góp" như thế.

Những người làm bóng đá Việt Nam cần phải nhìn lại cách tổ chức V-League. Dứt khoát không thể hằng năm tái diễn điệp khúc tạm nghỉ giải VĐQG để các đội trẻ thi đấu giải khu vực hay châu lục.

Thường thì khi nghỉ sẽ khỏe nhưng với việc V-League cứ nghỉ đứt quãng thế này, các đội bóng không hề khỏe chút nào. Nếu U23 Việt Nam có được giải đấu "ra trò" ở Qatar để giúp lấy lại niềm tin cho người hâm mộ thì có thể khi V-League trở lại khán giả sẽ đông đầy.

Còn ngược lại, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn mà "thất bát" ở VCK U23 châu Á, khán giả sẽ thêm phần hụt hẫng, sân cỏ trong nước ngày trở lại không ngoại trừ khả năng trống vắng, nguội tanh. Thôi thì, các đội bóng cứ chịu khó, còn người hâm mộ ráng chờ "hồi sau" xem tiếp.

Trần Tuấn

Link gốc: TTVH