Lễ cúng ông Công, ông Táo - Phong tục tín ngưỡng đẹp của người Việt

Không ai biết chính xác Lễ cúng ông Công, ông Táo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam nhiều thế hệ, trở thành nét đẹp trong văn hóa ngày Tết. 

Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà lại chuẩn bị một mâm cỗ, có thể là mâm cỗ chay hoặc là mâm cỗ mặn, cá chép (còn sống hoặc bằng giấy), hương hoa để cúng ông Công, ông Táo. Lễ cúng ông Công ông Táo năm nay vào thứ 6 ngày 2/2/2024 (dương lịch).

Nét đẹp trong văn hóa ngày Tết

Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp.

Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện-Ác của con người. Và hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.

Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Lễ cúng ông Công, ông Táo - Phong tục tín ngưỡng đẹp của người Việt - Ảnh 1.

Ngày 23 tháng Chạp, người dân lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Ảnh minh họa: Internet

Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời.

Đồ lễ để cúng ông Công, ông Táo thường có một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo. Ngoài ra còn có hương, hoa, oản, quả, cau, trầu; cùng một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ với xôi, gà, giò, nem, canh măng miến... Tuy nhiên, thực tế tùy theo khả năng của từng gia đình, các gia đình có thể cúng mâm cỗ chay.

Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (có thể cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp) bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng.

Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép. Một số gia đình có thể mua cá chép giấy, tuy nhiên phần lớn các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ xong đem ra sông thả, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Lễ cúng ông Công, ông Táo - Phong tục tín ngưỡng đẹp của người Việt - Ảnh 2.

Táo Quân về trời. Ảnh minh họa: Internet

Tục cúng ông Công ông Táo ở ba miền Bắc-Trung-Nam

Theo truyền thống của người Việt, vào ngày cúng ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong gia đình nhà chủ với Ngọc Hoàng, mọi người thường dọn dẹp nhà, bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm để tiễn ông Công ông Táo về trời.

Ngoài những điểm tương đồng này, thì tuỳ theo phong tục vùng miền mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo giữa 3 miền Bắc-Trung-Nam có sự khác biệt nhất định, nhưng nhìn chung là đều thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ đối với vị thần cai quản việc phúc đức trong nhà.

- Tại miền Bắc:

Người miền Bắc thường cúng ông Công ông Táo từ khá sớm, các gia đình phần lớn đều chuẩn bị mâm cỗ làm lễ từ khoảng 20 tháng Chạp và muộn nhất là vào trưa ngày 23. Sở dĩ không nhiều nơi làm lễ cúng sau khoảng thời gian này là vì có quan niệm rằng kể từ 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, các Táo phải về thiên đình làm lễ chầu với Ngọc Hoàng nên không còn ở dương gian để nhận lễ được.

Nét đặc trưng văn hoá khác biệt nhất của miền Bắc đối với 2 miền còn lại là đại đa số các gia đình thường dùng cá chép để làm đồ cúng lễ. Tuỳ theo từng địa phương nói chung và gia đình nói riêng mà đó có thể là cá chép sống, hoặc cá chép giấy với số lượng khác nhau. Cá chép còn sống được đặt cạnh mâm lễ vật, sau khi xong lễ thì được đem thả phóng sinh ở ao hồ, sông suối gần nhà với ý nghĩa cá chép hoá rồng, làm phương tiện đưa các Táo trở về thiên đình. Bên cạnh đó, việc phóng sinh cá chép vào ngày này còn thể hiện tấm lòng nhân hậu, đức độ và thiện lương của gia chủ.

Ngoài ra, trong mâm cúng ông Công ông Táo của người miền Bắc còn không thể thiếu bộ áo mũ các Táo. Và mâm cỗ cúng thường là những món truyền thống như xôi, gà, giò, nem, canh măng…; cũng có thể là mâm cỗ chay với các món xôi, chè…

Lễ cúng ông Công, ông Táo - Phong tục tín ngưỡng đẹp của người Việt - Ảnh 3.

Mâm cúng ông Công ông Táo miền Bắc. Ảnh minh họa: Internet

- Tại miền Trung:

Tục cúng ông Công ông Táo của người miền Trung thường được cho là cầu kỳ nhất trong 3 miền. Không cúng áo mũ vàng mã cho các Táo như miền Bắc, người miền Trung thường dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ, đốt vàng mã và dâng cúng nhiều lễ vật.

Công việc đầu tiên mà người miền Trung làm trong nghi lễ cúng ông Táo chính là thay mới bên trong lư hương và lau dọn bàn thờ ông Táo sạch sẽ, chuẩn bị tươm tất cho lễ cúng diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp. Sau khi cúng xong, gia chủ sẽ tiến hành tiễn tượng 3 Táo quân cũ bằng đất nung khỏi bàn thờ và đưa tới các am miếu ở đầu xóm hoặc ở dưới các gốc cây cổ thụ ngã ba đường. Tiếp đến là rước tượng 3 Táo quân mới đặt lại lên bàn thờ để bắt đầu năm mới.

Người dân Huế còn có tục dựng cây nêu trước sân nhà hay sân đình trong sáng ngày 23. Lễ cúng chiều 30 Tết, họ lại rước thần về và sáng mồng 1 Tết an vị ông Táo mới.

Lễ cúng ông Công, ông Táo - Phong tục tín ngưỡng đẹp của người Việt - Ảnh 4.

Mâm cúng ông Công ông Táo miền Trung. Ảnh minh họa: Internet

- Tại miền Nam:

Theo phong tục của người miền Nam xưa thì có nhiều điều khác biệt so với cách cúng ngày nay. Các gia đình thường cúng Táo quân vào buổi đêm, trong khoảng thời gian từ 20 giờ đến 23 giờ ngày 23 tháng Chạp. Bởi quan niệm rằng, lễ cúng ông Táo chỉ được thực hiện vào cuối ngày, khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, không phải dùng đến bếp núc để nấu nướng nhằm tránh làm phiền đến các Táo thì nghi lễ tiễn Táo về chầu trời mới có hiệu quả.

Tuy nhiên, do có sự giao thoa văn hoá nên thời gian cúng và mâm cỗ cúng ông Táo của người miền Nam ít nhiều có sự thay đổi. Mọi nhà làm lễ tiễn ông Táo từ sáng sớm tại khu vực đặt bếp nấu, với mâm lễ tuỳ điều kiện nhưng không thể thiếu những chén chè trôi nước, đĩa kẹo được làm từ mè đen và đậu phộng, nhang đèn, 3 chung nước nhỏ và đặc biệt là bộ "cò bay, ngựa chạy".

Lễ cúng ông Công, ông Táo - Phong tục tín ngưỡng đẹp của người Việt - Ảnh 5.

Mâm cúng ông Công ông Táo miền Nam. Ảnh minh họa: Internet

"Cò bay, ngựa chạy" là hình giấy hình con cò và con ngựa (khác với miền Bắc là sử dụng khung tre) dùng để hoá thật sau khi xong lễ với mong muốn Táo về chầu trời nhanh hơn. Bên cạnh đó, gia chủ còn sắm 3 bộ quần áo mới bằng giấy cho 3 vị Táo.

Để nét đẹp ngày Tết trọn vẹn

Tục thờ cúng tổ tiên, các vị thần là một nét văn hóa đẹp của người Việt, nhưng ngày nay nhiều người đã hiểu sai, hoặc lạm dụng để cúng lễ rình rang quá mức. Cùng với đó là nạn đốt vàng mã qúa nhiều, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí. Theo nhà nghiên cứu di sản văn hóa PGS.TS Trần Lâm Biền: "Hiện nay nhiều gia đình đốt quá nhiều vàng mã, việc làm này không chỉ tốn kém tiền của mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống. Nhất là ở các khu đô thị, chung cư, việc đốt quá nhiều vàng mã sẽ gây phiền phức cho người khác. Tôi thấy có người còn cho rằng thả càng nhiều cá chép, hay cá chép càng to sẽ càng tốt. Việc này không đúng, thực ra nhiều nhất chỉ 3 con là đủ. Lễ nào cũng vậy, quan trọng nhất là tấm lòng thành chứ không phải mâm cao cỗ đầy, càng nhiều lễ vật thì càng thiêng".

Lễ cúng ông Công, ông Táo - Phong tục tín ngưỡng đẹp của người Việt - Ảnh 7.

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Những năm gần đây, ý thức về việc bảo vệ môi trường trong ngày Lễ ông Công, ông Táo của người dân ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước đã có những biến chuyển tích cực. Mọi người thả cá xong đều để túi nilon đúng nơi quy định, không vứt xuống sông, xuống hồ. Cùng với đó là nhiều người dân để cá chép vào xô, chậu, bát... rồi đem đi thả để hạn chế phát sinh rác thải, túi nilon ra môi trường.

Các cơ quan, các ngành chức năng đã sử dụng nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho nhân dân. Các tổ chức, cá nhân tình nguyện đã tổ chức các chương trình, hoạt động thu gom rác, túi nilon với các khẩu hiệu như: "Thả cá, đừng thả túi nilon" tại các khu vực sông, hồ. Hệ thống đài truyền thanh các xã, phường thường xuyên đưa tin, bài nói về ý nghĩa tốt đẹp của ngày Tết ông Công, ông Táo kết hợp với việc vận động, nhắc nhở nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, quan tâm giữ gìn vệ sinh, môi trường, làm sạch nhà, sạch phố đón Tết, đón xuân.

Phương Ngọc/TTXVN (tổng hợp)

Link gốc: TTVH