Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới: Thành quả từ chiến lược 'di sản liên vùng'

Thông tin từ Bộ VH,TT&DL cho biết: Vào tối 16/9 (giờ Việt Nam), tại Riyadh (Arab Saudi), kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã gõ búa thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà của Việt Nam là Di sản thiên nhiên thế giới.

Đây là một trường hợp rất đặc biệt, khi một Di sản thiên nhiên thế giới được công nhận tại Việt Nam lại nằm trên địa bàn của 2 tỉnh, thành phố và được 2 địa phương này cùng xây dựng hồ sơ. Đáng nói hơn, với quyết định của UNESCO, quần đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng lần đầu tiên "chạm tới" danh hiệu Di sản thế giới - trong khi vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh đã 2 lần được công nhận danh hiệu này.

"Nối dài" di sản thế giới

Những thông tin này khiến một số người có thể lầm tưởng rằng Cát Bà là một Di sản thế giới độc lập, mới được công nhận, bên cạnh 8 Di sản thế giới mà Việt Nam sở hữu trước đó. Thực chất, đây là việc tái công nhận một di sản thế giới đã được UNESCO vinh danh. Theo đó di sản được tái công nhận có thể bổ sung thêm những tiêu chí mới so với lần vinh danh trước, hoặc được mở rộng thêm về diện tích.

Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới: Thành quả từ chiến lược 'di sản liên vùng' - Ảnh 1.

Phái đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, trước trường hợp của vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà, điều này đã xảy ra với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của tỉnh Quảng Bình. Sau lần được công nhận Di sản thế giới đầu tiên vào năm 2003, vào năm 2012, di sản này đã được UNESCO công nhận lần thứ 2, với việc bổ sung thêm 2 tiêu chí về hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Đồng thời, phía UNESCO cũng chấp thuận việc mở rộng diện tích của vườn quốc gia này từ 85.754 ha lên 123.326 ha.

Tương tự, bản thân vịnh Hạ Long từng được công nhận là Di sản thế giới vào năm 1994, với giá trị đặc biệt mang tính toàn cầu về mặt thẩm mỹ, theo hệ tiêu chí do Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đưa ra. Tiếp đó, trong lần tái công nhận vào năm 2000, di sản này được công nhận thêm tiêu chí về giá trị địa chất nổi bật.

Để rồi, trong lần tái công nhận danh hiệu lần thứ 3 này, việc mở rộng diện tích sang phía Cát Bà đã khiến quần thể di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận thêm 2 tiêu chí về đa dạng về sinh học và hệ sinh thái.

Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới: Thành quả từ chiến lược 'di sản liên vùng' - Ảnh 2.

Quần đảo Cát Bà gồm 367 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Cát Bà có diện tích lớn nhất (khoảng 100 km2) và là thị trấn thuộc huyện Cát Hải. Ảnh: Minh Đức

Theo đó, với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc quần đảo Cát Bà), không gian của di sản này được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước.

Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, quần thể này là một khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển. Chi tiết, bao gồm: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; Hệ sinh thái hang động; Hệ sinh thái rừng ngập mặn; Hệ sinh thái bãi triều; Hệ sinh thái rạn san hô; Hệ sinh thái đáy mềm; Hệ sinh thái hồ nước mặn. Các hệ sinh thái này đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.

Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới: Thành quả từ chiến lược 'di sản liên vùng' - Ảnh 3.

Vẻ đẹp vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng) nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Đức

Ở góc độ khác, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà còn là nơi chứa đựng một môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, khi sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000 ha cùng các hệ sinh thái đa dạng. Hiện tại, nơi đây là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong đó có tới 198 loài thuộc Danh mục đỏ IUCN, 51 loài đặc hữu. Diện tích rừng nguyên sinh hơn 1.045 ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của di sản.

Đặc biệt, voọc Cát Bà là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào Sách đỏ thế giới. Đến nay, ngoài 60-70 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này.

Việc vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thế giới liên tỉnh, liên thành phố là bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới nói riêng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nói chung của Việt Nam trong những năm tới.

Bước đi chiến lược

Đáng nói hơn, việc quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thế giới là một câu chuyện dài, khi trên thực tế, nơi đây là một khu vực biển đảo rộng lớn, có mối quan hệ mật thiết về giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa...

Như chia sẻ của các chuyên gia, vào đầu thập niên 1990, phía Việt Nam đã từng có ý tưởng xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới cho quần thể vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà và cả vùng vịnh Bái Tử Long liền kề. Tuy nhiên, trong bối cảnh khi đó, các chuyên gia quốc tế đã tư vấn chúng ta nên tập trung ưu tiên xây dựng hồ sơ cho vịnh Hạ Long. Để rồi, năm 1994, khu vực này trở thành Di sản thế giới thứ 2 được công nhận tại Việt Nam (sau cố đô Huế năm 1993).

Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới: Thành quả từ chiến lược 'di sản liên vùng' - Ảnh 5.

Ánh nắng vàng trùm lên những ngọn núi sừng sững giữa biển tạo nên cảnh tượng hùng vĩ, choáng ngợp ở vịnh Hạ Long. Ảnh: Phạm Hậu

10 năm sau đó (2004), đến lượt quần đảo Cát Bà cũng sở hữu một danh hiệu khác của UNESCO, khi trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Những giá trị đặc thù này khiến Cát Bà từng được xây dựng hồ sơ để cử là Di sản thiên nhiên thế giới (theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái) để trình lên UNESCO vào năm 2013.

Tuy nhiên, sau quá trình thẩm định hồ sơ đề cử, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã có báo cáo đánh giá kỹ thuật trình UNESCO đề nghị không ghi danh Cát Bà là Di sản thế giới, đồng thời khuyến nghị Việt Nam xem xét tính khả thi của việc đề xuất mở rộng vịnh Hạ Long theo các tiêu chí giá trị thẩm mỹ, giá trị địa chất, địa mạo và có thể cả tiêu chí giá trị đa dạng sinh học. Bởi điều này sẽ bổ sung các giá trị và tăng tính toàn vẹn cho Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Kể từ thời điểm này, việc triển khai các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu lập hồ sơ đề cử di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được tiếp tục đẩy mạnh. Đặc biệt, vào tháng 9/2016, Thủ tướng chính phủ đã đồng ý cho phép thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ mở rộng vịnh Hạ Long sang quần đảo Cát Bà để trình chính phủ xem xét, trước khi gửi tới UNESCO. Đồng thời giao Bộ VH,TT&DL hướng dẫn Hải Phòng xây dựng hồ sơ này theo đúng các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định có liên quan.

Quá trình xây dựng hồ sơ này cũng gặp nhiều khó khăn, với những khuyến nghị, góp ý của UNESCO, của IUCN. Bởi, theo điều 165 và 166 của hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới, quy định, nếu một quốc gia thành viên muốn "điều chỉnh đáng kể đường ranh giới của một di sản đã được ghi vào danh sách Di sản thế giới" hoặc "muốn di sản của mình được công nhận theo các tiêu chí bổ sung, giảm bớt, hoặc khác với các tiêu chí đã được công nhận trước đó", thì hồ sơ đề nghị cần thực hiện theo hình thức một hồ sơ đề cử mới.

Nói cách khác, dù có lợi thế về việc vịnh Hạ Long từng 2 lần được vinh danh, nhưng do có điều chỉnh đáng kể về ranh giới và bổ sung tiêu chí, hồ sơ của di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà vẫn phải thực hiện quy trình thẩm định, đánh giá bắt buộc theo quy định của UNESCO.

Thực tế, trong quá trình làm hồ sơ, ngoài nỗ lực để phía quần đảo Cát Bà chứng minh được việc đảm bảo các tiêu chí của UNESCO, phía vịnh Hạ Long cũng vẫn phải xây dựng hồ sơ dựa trên hồ sơ đề cử di sản này 2 lần trước. Kèm theo đó là các văn bản quản lý di sản của trung ương và địa phương liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn. Ngoài ra, phía vịnh Hạ Long cũng đón nhóm chuyên gia của UNESCO được cử tới Việt Nam để tiến hành đánh giá công tác quản lý, bảo tồn di sản này kể từ khuyến nghị gần nhất của họ, đồng thời đánh giá về hoạt động du lịch và tác động môi trường đối với các dự án, quy hoạch đã, đang và sẽ triển khai tại đây.

Để rồi, vượt qua mọi khó khăn, cho đến ngày 16/9 vừa qua, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà đã chính thức trở thành Di sản thiên nhiên thế giới một cách thuyết phục. Theo các thông tin được đại diện phía Viêt Nam chia sẻ, các nhà khoa học quốc tế và các quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới đều đánh giá cao, đồng thời mong muốn được đến tham quan di sản trong tương lai gần.

8 di sản thế giới tại Việt Nam

Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có 8 Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Trong số này, có 5 Di sản văn hóa thế giới, bao gồm quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ. 2 Di sản thiên nhiên là vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Riêng quần thể danh thắng Tràng An là loại hình Di sản thế giới theo hình thức hỗn hợp, bao gồm cả các tiêu chí của Di sản thiên nhiên và Di sản thế giới.

Cúc Đường

Link gốc: TTVH