Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 2): Truy tìm cội nguồn nguyên liệu vải sợi Đông Sơn

Nhà nghiên cứu khác với một người sưu tầm cổ vật ở chỗ, những đồ vật cổ đều được mổ xẻ phân tích, nhằm cái đích cuối cùng là hiểu được cuộc sống của cổ vật và những người đã chế tạo, sử dụng chúng. Các hiện vật khảo cổ dưới tay những nhà khoa học chân chính sẽ giành lại được đời sống của mình, như khi chúng ra đời từ nhiều ngàn năm trước.

1. Lần "rì rầm" hôm nay sẽ kể lể về hành trình làm sống lại những mảnh vải mà chúng tôi đã kỳ công tách được ra từ bùn đất trong các mộ thân cây khoét rỗng Đông Sơn ở Châu Can, Động Xá, Yên Bắc và những dấu vải còn dính trên các vòng, thạp, rìu, giáo đồng Đông Sơn chôn trong mộ.

Câu hỏi đầu tiên phải trả lời, đó là vải đó được làm ra từ sợi gì?

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 2): Truy tìm cội nguồn nguyên liệu vải sợi Đông Sơn - Ảnh 1.

Cuộc khai quật mộ thân cây khoét rỗng ở Động Xá (Kim Động, Hưng Yên) năm 2001 được coi như mở đầu của chương trình “Khảo cổ học vải sợi Đông Sơn” do Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chủ trì

Những câu hỏi tiếp theo cần làm rõ: Miếng vải đó được dệt bằng phương pháp nào? Sợi có xe xoắn hay không, sợi có được nhuộm màu hay không? Trên vải có bằng chứng của thêu ren gì không? Và cuối cùng, người Đông Sơn xưa đã dùng các sản phẩm vải mình dệt ra vào những việc gì?

Hôm nay, tôi sẽ kể lể, giãi bày nhằm làm rõ câu hỏi đầu tiên.

Hiện tại, Bộ Công thương có cả một Viện Nghiên cứu Dệt may, trong đó có bộ phận chuyên về vải sợi. Năm 2001, khi có trong tay những miếng vải Đông Sơn đầu tiên, tôi đã mang đến đây nhờ các nhà khoa học chuyên ngành vải sợi của Viện giúp đỡ. Tuy nhiên, không ai tại đây có thể giúp trả lời những câu hỏi trên, và đương nhiên, câu hỏi đầu tiên cũng bế tắc. 

Trước đó, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cũng đã từng vào cuộc giúp tôi giám định dấu in vải trên một chiếc rìu Đông Sơn khai quật ở Làng Vạc do anh Trịnh Sinh mang đến. Kết quả giám định đó là sợi gai (boehmira sp.). Nhưng lần này, những mẫu tôi mang đến hoặc còn phải ngâm trong nước, hoặc đã bị khô ngót không còn nhận ra cấu trúc, nên cũng không có kết quả. 

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 2): Truy tìm cội nguồn nguyên liệu vải sợi Đông Sơn - Ảnh 2.

Một miếng vải khai quật từ mộ em bé Đông Sơn ở Yên Bắc đã sấy đông khô, nhưng chưa xác định được làm từ sợi cây gì

Tôi nhận ra những trớ trêu của khoa học, tương tự việc hai chục năm trước đó, năm 1982. Khi ấy, tôi và Hà Hữu Nga sàng ra những hạt quả cháy và khô héo từ trầm tích hang Xóm Trại thuộc văn hóa Hòa Bình có tuổi 15 tới 20 ngàn năm trước, mang đến Khoa Sinh vật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, giáo sư Nguyễn Nghĩa Thìn và sinh viên Phạm Thị Thường đã phải rất mất công cùng tôi trở lại vùng Xóm Trại thu gom hạt quả và hỏi dân chúng địa phương mà cũng chỉ xác định được một số hạt dễ nhận nhất như trám, me... 

Hóa ra, chúng ta cần những chuyên gia về khảo cổ học thực vật cơ, tức là họ phải có những tiêu bản đối chiếu khảo cổ dành cho những hiện vật đã bị phân hủy, chế biến, cháy thành than... Trên thế giới, những chuyên gia như vậy không có nhiều.

Giáo sư Douglas Yen ở Đại học Quốc gia Úc, Canbera, là một chuyên gia như vậy. Khi đào hang Thẩm Phi ở Thái Lan, Chester Gorman sàng được các tàn tích thực vật trong trầm tích văn hóa Hòa Bình và đã gửi đến cho Douglas Yen giám định. Sau này, từ Berlin, được sự chắp nối của thầy hướng dẫn luận văn là giáo sư Bruno Krueger, tôi đã gửi mẫu thực vật hàng chục ngàn năm tuổi sàng được ở các hang văn hóa Hòa Bình Xóm Trại và Con Moong năm 1982 và 1986 sang để Douglas Yen giúp. Sẽ có dịp tôi trình bày kỹ về những tàn tích thực vật này.

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 2): Truy tìm cội nguồn nguyên liệu vải sợi Đông Sơn - Ảnh 3.

Một trong số tiêu bản đẹp nhất của bảo tàng vải sợi Đông Sơn tại Kim Bôi có khoảng trống như dental rút chỉ sau khi dệt. Nhưng thực ra các khoảng trống đó vốn là sợi lụa đã bị tan do môi trường đất có độ pH thấp

2. Để làm rõ các câu hỏi về vải khảo cổ Đông Sơn, rõ ràng, cần phải tạo lập một chuyên ngành "Khảo cổ học vải sợi", bắt đầu với những thao tác chuyên nghiệp để có thể gom những tư liệu khảo cổ vải sợi, như câu chuyện tôi trình bày ở kỳ 1 tuần trước. 

Vải sợi khảo cổ Đông Sơn đều có nguồn gốc tự nhiên, chưa thể có dạng vải sợi tổng hợp như chúng ta ngày nay. Chúng rất khác vải sợi có nguồn gốc tự nhiên hiện nay ở chỗ: những thành phần chứa colagen hay hữu cơ khác như linic, pertin trải qua vài ngàn năm trong bùn đất đều đã bị biến mất, chỉ còn celulo. Và celulo mỗi loại sợi thực vật cũng khác nhau. 

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 2): Truy tìm cội nguồn nguyên liệu vải sợi Đông Sơn - Ảnh 4.

Trang phục đẹp của các quý tộc Đông Sơn trên tượng cán dao găm cần được làm rõ ràng chân thực thông qua khai quật vải từ thân thể họ trong các mộ táng Đông Sơn. Hình bên trái là khố tượng nam, bên phải là váy và thắt lưng tượng nữ

Tôi bắt đầu tìm hiểu những dạng vải sợi cổ truyền Việt Nam và tổ chức thành lập chương trình Vải sợi cổ truyền Việt Nam năm 2001, tập trung nghiên cứu thu gom tư liệu, tiến hành trồng và chế tạo ra vải sợi làm từ cây gai, cây lanh và lụa. Năm 2001, tôi tham gia hội chợ và hội thảo chuyên đề về cây lanh (canabis sativa) ở Mỹ, từ đó hỏi tìm những chuyên gia vải sợi khảo cổ. Rất khó khăn, tôi đã phát hiện được hai địa chỉ, một ở London (Anh) và một ở Reutlingen (Đức). Tôi đã trực tiếp mang mẫu vải Đông Sơn của mình đến đó. 

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 2): Truy tìm cội nguồn nguyên liệu vải sợi Đông Sơn - Ảnh 5.

Một sợi lanh (canabis sativa) khai quật ở Châu Can năm 2000 dưới kính hiển vi điện tử quét (SEM)

Dưới kính hiển vi điện tử quét (Scanning Electronic Microscope - SEM), các chuyên gia nhận ra cấu trúc celulo sợi cây lanh (hemp - canabis sativa) và gai (ramie - boehmira sp.) từ những mẫu Đông Sơn Châu Can, Động Xá. Và thật lý thú, khi chúng tôi thực hiện phân tích các mẫu đất nghiên cứu môi trường xung quanh làng Châu Can thời Đông Sơn thì phấn hoa loài canabis sativa bao phủ khắp các tầng, chứng tỏ người Đông Sơn ở Châu Can đã tự trồng các ruộng lanh để chế sợi dệt vải. 

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 2): Truy tìm cội nguồn nguyên liệu vải sợi Đông Sơn - Ảnh 6.

Dưới kính phóng đại có thể thấy rất rõ mỗi sợi dệt được bện từ nhiều sợi celulo nhỏ hơn, được xoắn hoặc để trơn. Mật độ sợi trên một centimet vuông ở miếng vải này là 5x6 sợi

3. Theo chỉ dẫn của các chuyên gia Anh và Đức, tôi đăng ký theo học một lớp chuyên nhận diện các loại sợi thực vật vào mùa Hè 2004 do Achitype tổ chức tại Viện Sinh vật, Đại học Durham (Anh). Tôi mang theo mẫu và cùng nữ tiến sĩ Dogree thực hành giám định bằng kính hiển vi quang học độ phân giải lớn. Khi về nước, tôi đăng ký xin tài trợ kinh phí từ Quỹ Châu Á của Hàn Quốc đặt tại Đại học Quốc gia Hà Nội để thực hiện đề tài Khảo cổ học Vải sợi Đông Sơn. Với nguồn kinh phí đó chúng tôi có điều kiện để thực hành bài bản và hoàn hảo ở tầm quốc tế về khai thác và nghiên cứu khảo cổ học vải sợi cổ truyền Việt Nam. 

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 2): Truy tìm cội nguồn nguyên liệu vải sợi Đông Sơn - Ảnh 6.

Chiếc máy đông khô ký hiệu TSVN-Lab02 “made in Vietnam” đầu tiên do nhóm kỹ sư Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chế tạo. Đề tài khoa học do Tiến sĩ Nguyễn Việt khởi xướng và chủ trì

Hàng loạt mẫu vải cổ Đông Sơn được chụp SEM và phục hồi nhờ máy đông khô (Friezer Drying) của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Tôi cũng mạnh dạn đầu tư kinh phí cùng các kỹ sư của Viện chế tạo thành công máy đông khô đầu tiên "made in Vietnam" để bảo quản chống co ngót hiện vật khảo cổ hữu cơ ngậm nước (Wet Organic Archaeological Materials - WOAM), từ đó đủ điều kiện tham gia ba tổ chức quốc tế chuyên ngành về lĩnh vực này: 1- Khảo cổ học đất ướt (Wetland Archaeology), 2- Bảo tồn hiện vật khảo cổ ngập nước (WOAM) và 3- Hội Quốc tế về Cây có sợi (Global Society for Natural Fibres).

"Hiện tại tôi đang cùng các đồng nghiệp Đại học Warsaw (Balan) dự kiến tiếp tục khai quật Động Xá với hy vọng tiến xa hơn nữa trong khảo cổ học vải sợi Đông Sơn" - TS Nguyễn Việt.

(Còn nữa)

TS Nguyễn Việt

Link gốc: TTVH