Chữ và nghĩa: Câu chuyện 'iêc hóa'

Bắt đầu từ một nhóm sinh viên ngôn ngữ (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG HN) tranh luận, và cũng từ một câu nói bâng quơ (của một bạn) trong lớp học: "Có sách siếc gì đâu mà đọc".

"Sách siếc" có phải là từ hay không? Câu hỏi đơn giản này đã làm phân hóa các bạn sinh viên thành 2 nhóm: 1) Người thì nói đấy chỉ là cách nói tầm phào, không có gì đáng để ý; 2) Người lại nói đó là một từ (được tạo bởi phương thức tạo từ mới, bằng cách "iêc hóa"). Theo hướng đó, nhóm thứ 2 biện luận rằng, giống như cách tạo từ bằng phương thức láy (để tạo ra các từ láy), ta cứ việc "iêc hóa" là có ngay từ mới (có đuôi "iêc"), chắc chắn là nhiều hơn từ láy.

Quả là trong tiếng Việt, ta có thể tạo ra bất cứ một biến thể từ mới nào bằng cách này: sách ® sách siếc, bàn ® bàn biếc, bút ® bút biếc, chơi ® chơi chiếc, cà phê ® cà phê cà phiếc,… Các từ này cũng có thể xuất hiện trong các phát ngôn thường nhật: "Thôi, ăn tạm rau riếc gì đó, chứ bày vẽ thịt thiếc làm gì cho mệt."; "Nó thì thương thiếc cái gì. Chỉ thương miệng thương môi thôi."; "Cậu cứ đến sớm. Ta cà phê cà phiếc ngoài quán chút rồi đi" v.v...

Chữ và nghĩa: Câu chuyện 'iêc hóa' - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

"Iêc hóa" là hiện tượng đặc biệt của tiếng Việt. Cũng bởi tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm. "Tiếng một" (âm tiết rời) là đặc thù ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của một ngôn ngữ phân tiết tính (như tiếng Việt). Vì vậy, mới có chuyện "phái sinh tạo từ" chính từ đặc thù đó.

GS Nguyễn Tài Cẩn từng viết: "Hiện tượng iêc hóa cũng là một hiện tượng giúp chúng ta xác định được đường ranh giới giữa các tiếng nằm trong một từ… Trong tiếng Việt, hiện tượng "iêc hóa" là một hiện tượng có khả năng ứng dụng rất rộng, nếu cần, hầu như từ nào cũng có thể đem ra sử dụng dưới dạng iêc hóa" (Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1996, tr. 18). Cách biểu hiện sự phân chia "đường ranh giới âm tiết" còn được người Việt sử dụng trong cách lối nói chệch âm (khi trêu chọc, vui đùa), VD: Ằng thì (thằng), Ùng hì (Hùng), a ri (ra) ây đi (đây), ao ti (tao), ảo bỉ (bảo), ái kí (cái), ày nì (này) ® Thằng Hùng ra đây tao bảo cái này.

Nhưng khác với từ láy (dùng phương thức láy để tạo từ mới, VD: đỏ ®  đo đỏ, đỏ đắn, bền ® bền bỉ, nặng ®  nằng nặng, khít ® khít khìn khịt, khấp khểnh ®  khấp kha khấp khểnh… thì từ bị "iêc hóa", có những đặc thù hoàn toàn khác. Với cơ chế láy âm đầu, láy phần vần, thay đổi thanh điệu người ta có thể tạo ra nhiều biến thể từ láy từ một từ nguyên gốc: xinh ® xinh xinh ®  xinh xắn ® xinh xỉnh xình xinh… Từ cơ chế láy này, tiếng Việt sẽ có một nhóm từ vựng mới hình thành (thành một tiểu hệ thống các từ láy). Nhưng hiện tượng "iêc hóa" lại không thể tạo ra từ mới. Bàn biếc, sách siếc, cơm kiếc, phim phiếc, ngủ nghiếc… chỉ có giá trị làm tăng sắc thái biểu cảm khi dùng từ này (Có thể nói: Nó có ngủ nghiếc gì đâu, mà không thể nói: Nó ngủ nghiếc trong vòng 2 giờ; Có thể nói "Thôi không nói chuyện nhà nhiếc nữa" mà không thể nói: "Nó vừa mua nhà nhiếc"…).

"Iêc hóa" vì thế chỉ dùng trong khẩu ngữ, khi người ta muốn nói với nhau một cách vui vẻ, tếu táo. Nó có tác dụng làm tăng "gia vị giao tiếp". Nhưng khác với hiện tượng láy, nói láy xong sẽ được ghi nhận như một đơn vị từ vựng, còn với hiện tượng "iêc hóa", nói xong là quên ngay. "Iêc hóa" là thêm một âm tiết mà phần vần được thay bằng "iêc" và dù từ trước đó có thanh điệu gì (ngang, bằng, hỏi, ngã, sắc, nặng) thì từ có "iêc" chỉ duy nhất dùng thanh sắc (tha ® tha thiếc, thà ® thà thiếc, thả ® thả thiếc, tã ® tã tiếc, tá ® tá tiếc, tạ ® tạ tiếc).

Vì vậy, các nhà từ điển đã không đưa các từ được tạo ra bởi cách "iêc hóa" này vào từ điển. Bởi nếu thế, sẽ có hầu hết các từ tiếng Việt được thống kê và điều này mới quan trọng: Không thể đưa ra một giải thích về nội hàm ngữ nghĩa cho các từ đó.

Suốt ngày nói niếc lung tung

Học hành, sách vở lại không ngó ngàng.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Link gốc: TTVH