36 đóa sen thơm dâng lên Đức Phật
Triển lãm Sen đầu hạ VIII năm nay với 36 tác phẩm là 36 đóa sen của các họa sỹ Phật tử kính dâng lên Đức Thế Tôn nhân mùa Phật Đản 2566 và chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX tổ chức tại Hà Nội vào 28-29/11/2022.
Mỗi mùa sen về, cũng là lúc các họa sỹ nhóm Mặc Hương cùng nhau triển lãm, trưng bày các tác phẩm sáng tác với đề tài Phật giáo. Nhóm gồm các họa sỹ Phật tử đạo tràng Chân Tịnh - Tùng Lâm Hương Tích do Thượng tọa Thích Minh Hiền thành lập vào năm 2007.
Đây là nơi các họa sỹ vừa học hỏi, tu tập Phật pháp, vừa thể hiện sức sáng tạo của bản thân thông qua mỹ thuật. Chính những tác phẩm do các thành viên của nhóm sáng tạo là kết quả của quá trình tu tập từ chính bản thân mỗi người trong đời, trong đạo và cả trong hội họa.
Triển lãm Sen đầu hạ lần đầu được tổ chức vào năm 2007, trong đó năm 2009 được tổ chức tại Singapore, đến nay bước sang mùa thứ 8, vẫn luôn nhận được sự quan tâm từ đông đảo những người yêu mỹ thuật, đặc biệt là mỹ thuật Phật giáo.
Sen được lựa chọn để trở thành chủ đề của sự kiện triển lãm là bởi hình tượng hoa sen xuất hiện nhiều trong văn hóa Phật giáo. Trong kinh Lalitavistara, phần tâm linh của con người thì vô nhiễm, giống như hoa sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh mùi bùn. Còn trong Phật giáo Mật tông, trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở.
Từ những ý nghĩa trong văn hóa Phật giáo, hình tượng sen trở thành biểu tượng xuyên suốt trong triển lãm mỹ thuật lần này. Theo Thượng tọa Thích Minh Hiền, ít nhất từ năm 2019, nhóm Mặc Hương đã sớm có chuẩn bị và tập hợp các tác phẩm của mình cho triển lãm này. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sự kiện tạm hoãn lại cho đến bây giờ.
Thông qua sự kiện triển lãm lần này, BTC mong muốn Phật pháp được hoằng dương tới công chúng bằng ngôn ngữ của mỹ thuật được thể hiện qua nhiều chất liệu, cách thức khác nhau như cắt vải, sơn mài, điêu khắc, đúc đồng, vẽ trên lụa, sử dụng màu arcrylic hay "trẻ trung" nhất như đồ họa,… Với sự đa dạng về màu sắc cũng như cách thức thể hiện, các tác tác phẩm được trưng bày trong sự kiện này không chỉ đưa người xem đi qua các miền cảm xúc, mà còn khai mở ở sâu thẳm bên trong tâm mỗi người xem, hướng họ đến sự giác ngộ, vẻ đẹp chân thiện mỹ của Phật pháp.
Bên cạnh những họa sĩ gạo cội, triển lãm còn có sự xuất hiện của các bạn trẻ. Nổi bật là Diệu Pháp (thế danh Nguyễn Minh Nhật, sinh năm 1998) với hai tác phẩm Nhân ngư và Chân dung. Diệu Pháp chia sẻ, trong tranh có yếu tố động và tĩnh đan xen lẫn nhau. Thông điệp gửi đến người xem là dù ở chốn trần thế có bao nhiêu biến cố xảy đến, hãy luôn giữ trong tâm mình sự an yên, thanh tịnh.