Chào tuần mới: Quẩn quanh đỗ - trượt
Mươi ngày qua là một quãng thời gian đặc biệt với những gia đình có con ở độ tuổi 15 -16, khi nhiều địa phương chính thức công bố điểm chuẩn vào các trường lớp 10 hệ công lập. Hà Nội và TP. HCM - 2 đô thị lớn nhất nước - cũng nằm trong số này.
Trước đó, những câu hỏi về điểm chuẩn dự kiến - hoặc về tỷ lệ tuyển sinh của các trường công lập - luôn thường trực xuất hiện trên mạng xã hội và thu hút không ít sĩ tử lẫn các bậc phụ huynh. Còn bây giờ, khi mọi thứ rõ ràng, mọi thứ sẽ chuyển sang câu chuyện vui - buồn của những người trong cuộc.
Vui thì chẳng cần bàn. Với nhận thức chung của mọi gia đình, việc đỗ vào một ngôi trường cấp 3 công lập giàu thành tích, có truyền thống học tập nổi trội rõ ràng là một bước đi quan trọng để hướng tới tương lai của những cô cậu học sinh vừa tốt nghiệp cấp 2.
Còn buồn vì thi trượt? Trượt ở đây có thể là không đỗ vào bất cứ một ngôi trường cấp ba công lập nào, nhưng cũng có thể chỉ là trượt nguyện vọng 1, khi các sĩ tử và gia đình không đủ điều kiện để bước vào ngôi trường lý tưởng nhất trong suy nghĩ của mình.
Chỉ thế thôi rất có thể cũng đủ để buồn. Bởi khác với kỳ thi đại học, kỳ thi vào lớp 10 ít có chuyện "sai sửa, hỏng làm lại". Gần như chắc chắn, dù vào một trường dân lập, một trường công lập không thật như ý hay thậm chí là một trường bổ túc, mọi gia đình vẫn đều phải đưa ra lựa chọn trong Hè này - thay vì để các em thi lại trong năm tới.
Có nghĩa, sau kết quả không như ở kỳ thi lớn đầu tiên trong cuộc đời, nhiều học sinh sẽ phải học cách "sống chung" với lựa chọn thứ yếu của mình , ít nhất trong 3 năm tới đây.
***
Thị trượt, buồn chẳng có gì sai. Rồi sĩ tử lẫn phụ huynh thêm chạnh lòng vì bạn bè thi đỗ (hoặc có con thi đỗ) và nhận về những lời khen trên mây cũng là điều bình thường. Hãy cứ để một chút nỗi buồn ấy đến rồi dần trôi đi.
Nói "một chút", bởi bình tâm suy nghĩ, chúng ta đều hiểu: Kỳ thi vào lớp 10 chỉ là một cột mốc trên con đường chuẩn bị tương lai của mỗi người. Đó không phải là dấu chấm hết cho mọi thứ. Thẳng thắn, kỳ thi ấy ít có cơ hội xảy ra lần thứ 2 trong đời, nhưng lại may mắn vẫn cho phép mỗi cá nhân tăng tốc để bù lại những gì chưa hoàn thiện hôm nay - khi mà các em còn 3 năm học trước mặt.
Hãy cứ để kỳ thi vào lớp 10 ở đúng vị trí của nó, trong hành trình phát triển bản thân.
Đã có rất nhiều chia sẻ về những "tấm gương" từng thành công sau khi thi trượt kỳ thi vào lớp 10 trong mấy ngày gần đây. Bỏ qua yếu tố của sự động viên và cảm thông, thì chúng ta vẫn thấy một điều rất rõ ở đó: câu chuyện của những "tiền bối" biết đặt ra động lực và đích đến cho bản thân, sau thất bại.
Mà, những bài thi trên ghế nhà trường, xét cho cùng, cũng chỉ là một phần rất nhỏ, so với những "bài thi" mà mỗi người sau này phải đối diện trong cuộc đời. Ở đó, đôi khi việc vượt qua chính bản thân mình lại là "bài thi" khó nhất.