Nhìn lại hai cuộc thi âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp: Hy vọng những tài năng mới vươn tầm quốc tế
Tối 2/12, Lễ bế mạc Cuộc thi Âm nhạc mùa Thu và Cuộc thi Hát thính phòng - nhạc kịch - hợp xướng toàn quốc 2023 đã diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. Những giải Nhất của từng hạng mục đã được trao cho những thí sinh xuất sắc nhất và nhận những kỳ vọng vươn tầm quốc tế từ hội đồng giám khảo.
Liên tục trong 6 ngày đêm, với 18 buổi diễn thi, tuy số lượng thí sinh dự thi không nhiều, nhưng độ tuổi được trải đều ở các bảng, nhất là bảng A và B. Các thí sinh đã trình diễn nghiêm túc, bảo đảm tính chuyên nghiệp và có chất lượng tương đối cao.
"Giá như trong quy chế có đồng giải Nhất
"Các tài năng trẻ của Việt Nam đang tiến bộ nhanh chóng theo hướng chuyên nghiệp thế giới" - GS-TS-NSND Ngô Văn Thành (nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo) nhận xét chung về 2 cuộc thi.
Về lĩnh vực khí nhạc (độc tấu violon và piano), 52 thí sinh piano đến từ hai cơ sở đào tạo đầu ngành của Việt Nam là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhạc viện TP.HCM có trình độ khá đồng đều, xuất hiện những tài năng xuất sắc.
Trong đó, bảng B piano được đánh giá là bảng mạnh, có nhiều thí sinh vượt trội cả về trình độ, kỹ thuật và phong cách trình diễn. Bảng C piano cho thấy các thí sinh chơi các tác phẩm phải có tư duy chuẩn mực của trình độ quốc tế.
Ở các thí sinh violon, tính chuyên nghiệp trong diễn tấu được thể hiện tốt, nhất là việc khắc phục được điểm yếu về âm chuẩn, là bước tiến dài để cập nhật với thế giới. Ngoài ra, các thí sinh violon đã truyền tải tiếng đàn cá tính, có sức hấp dẫn, lôi cuốn cho người nghe với phong cách trình diễn rất thời đại là ưu điểm rõ nét.
Ở lĩnh vực thanh nhạc, tính chuyên nghiệp trong cuộc thi năm nay được đánh giá cao hơn so với các cuộc thi trước nên chất lượng hát cổ điển cũng được nâng lên. Cuộc thi đã xuất hiện nhiều giọng ca trẻ triển vọng và khá đa dạng. Đặc biệt Ban giám khảo đã xác nhận những giọng ca tài năng mới, muốn trao giải cao hơn cả giải Nhất cho thí sinh có hiện tượng tài năng trong giới thanh nhạc.
Chính vì thế, "giá như trong quy chế có đồng giải Nhất để trao cho các thí sinh thì thỏa mãn mong muốn của hội đồng chấm thi nhiều hơn" - GS Ngô Văn Thành bày tỏ.
Thi hát vào lúc… gần 1 giờ sáng
Được biết, việc triển khai hai cuộc thi năm nay đã bắt đầu từ tháng 7. Tuy nhiên, thời gian công bố chính thức lại khá gần với ngày thi khiến cơ hội dự thi cho các thí sinh ở mảng hòa tấu bị thu hẹp. Do đó, năm nay không có thí sinh đăng ký tham gia môn hòa tấu violon và cũng "suýt" không đủ thí sinh cho các nhóm thi hòa tấu nhạc cụ hơi.
Bên cạnh đó, các buổi thi tổ chức chưa hợp lý, kéo dài đến gần 1 giờ sáng là khó khăn cho cả thí sinh và giám khảo.
"Thực sự là một cuộc thi hát lịch sử, khi gần 1 giờ sáng mình mới được lên sàn diễn. Những thí sinh cuối cùng như mình ai cũng mệt mỏi, gần như kiệt sức, nhưng ai cũng lên sân khấu với tinh thần hát như không còn gì để mất" - chia sẻ của thí sinh Đỗ Vũ Lan Nhung, giải Nhất hát thính phòng bảng B.
Cùng với đó, những nhược điểm lớn ở lĩnh vực thanh nhạc vẫn tồn tại trong hai cuộc thi này. Cụ thể, nhiều thí sinh lựa chọn tác phẩm chưa phù hợp, từ đó hạn chế thể hiện những ưu điểm nổi bật của cá nhân.
Bên cạnh đó, một số thí sinh chưa có sự chuẩn bị tốt và kỹ lưỡng cho phần thi của mình, khi biểu diễn vẫn còn hạn chế về chất lượng vì yếu tố tâm lý, bị áp lực sân khấu, mất bình tĩnh hoặc vì nhiều lý do khác. Ngoài ra, trong lĩnh vực thanh nhạc năm nay còn có mặt hạn chế ở phần đệm chưa nâng tầm, đôi khi còn làm giảm hiệu quả tác phẩm, nhất là phần đệm dành cho các tác phẩm Việt Nam.
Cần được tổ chức thường xuyên
Những nhược điểm trên của các thí sinh được nhận định là vì ít có cơ hội biểu diễn trước công chúng. Do đó, những cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp như vừa rồi càng cần được tổ chức thường xuyên và chuyên nghiệp hơn.
Không chỉ dừng ở đó, "có lẽ từ phía người làm chuyên môn và quản lý các cơ sở đào tạo, tôi mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức nhiều các cuộc thi dành cho hình thức hòa tấu" - PGS-TS Nguyễn Huy Phương (Trưởng ban giám khảo môn thi hòa tấu) bày tỏ. Và ông nói thêm: "Vì không phải học sinh nào ra trường cũng trở thành nghệ sĩ độc tấu, đặc biệt là phạm vi hoạt động của bộ dây và hơi thường là nhóm".
Nói thêm về quy chế thi ở Cuộc thi Âm nhạc mùa Thu năm nay, PGS Nguyễn Huy Phương gợi mở: nên chăng, ban tổ chức ở những mùa thi sau nên xem xét lại hình thức tổ chức để có thể mở rộng môn thi hòa tấu dành cho các nhạc cụ khác nhau, có cùng trình độ, thay vì chia theo tính năng nhạc cụ.
"Đây không chỉ là việc mở ra sân chơi, cọ xát cho các thí sinh tiến bộ, mà còn là hướng tìm đầu ra cho các dàn nhạc lớn. Hiện nay, đầu vào của những ngành khó tuyển sinh nhạc cụ như cello, kèn tại các trường chuyên nghiệp đã ít, đầu ra cho các học sinh lại càng ít hơn, bởi mỗi dàn nhạc chỉ cần từ 1- 2 người. Tuy nhiên, nếu không đào tạo, chúng ta sẽ rất khó khăn về nguồn lực trong lĩnh vực này trong thời gian tới" - PGS Nguyễn Huy Phương nhận định.
Kết quả các cuộc thi
A. Cuộc thi Âm nhạc mùa Thu
* Giải đệm đàn piano hay nhất
- 2 giải: Trần Thái Linh (Đệm đàn piano hay nhất cho thí sinh độc tấu violon), Nguyễn Thanh Giang (Đệm đàn piano hay nhất cho thí sinh hát thính phòng)
* Giải của bộ môn độc tấu piano:
- 3 giải Nhất: Trần Quang Minh (bảng A - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Nguyễn Hoàng Phương Thy (bảng B - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Hồ Thiên Phước (bảng C - Nhạc viện TP.HCM)
- 5 giải Nhì: Nguyễn Trần Quốc Thắng, Nguyễn Trương Thi Thiên (bảng A - Nhạc viện TP.HCM), Nguyễn Đức Kiên (bảng B - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Vũ Hoàng Gia Bảo (bảng B - Nhạc viện TP.HCM), Tạ Khắc Huy (bảng C - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)
- 7 giải Ba: Lê Vũ Bảo Châu, Trần Đức Anh (bảng A - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trần Lý Mai Phương (bảng A - Nhạc viện TP.HCM), Nguyễn Viết Minh Khang (bảng B - Nhạc viện TP.HCM), Nguyễn Trần Phương Vy (bảng B - Nhạc viện TP.HCM), Hồ Lê Đăng Khôi (bảng B - Nhạc viện TP.HCM), Đào Vũ Nhiên Hương (bảng C - Nhạc viện TP.HCM)
* Giải của bộ môn Độc tấu Violon:
- 2 giải Nhất: Nguyễn Vũ Trường Giang (bảng A - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Cao Hoàng Linh (bảng B - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
- 3 giải Nhì: Dương Đức Minh (bảng A - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trương Bảo Anh (bảng B - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Tăng Lạc Kỳ Nam (bảng B - Nhạc viện TP.HCM).
- 1 giải Ba: Nguyễn Công Duy Minh (bảng A - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)
* Hòa tấu âm nhạc thính phòng
- 1 giải Nhất: nhóm Lê Thư Hương, Hoàng Mạnh Lâm, Trần Thị Tâm Ngọc (bảng B - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)
- 3 giải Nhì: nhóm Nguyễn Hữu Thuyên, Phạm Thanh Lâm, Lê Phương Uyên và nhóm Chu Thị Hồng Phúc, Nguyễn Mỹ Trang, Văn Thành Long (bảng A - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), nhóm Hoàng Ngọc Anh Quân, Nguyễn Trương Hoàng Yến, Trần Thụy San (bảng B - Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM)
- 1 giải Ba: Đoàn Huy An, Trần Đại Nghĩa, Phan Anh Quân (bảng B - Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM)
B. Cuộc thi hát Thính phòng - nhạc kịch - hợp xướng toàn quốc 2023
- 5 giải Nhất: Trần Quang Cảnh, Lê Thị Minh Ngọc (bảng A - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Nguyễn Thị Hà My (bảng B - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trần Quốc Đạt (bảng B- Nhạc viện TP.HCM), Đỗ Vũ Lan Nhung (bảng B - Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam)
- 4 giải Nhì: Vũ Quang Công, Bùi Huyền Trang (bảng A - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Nguyễn Bảo Yến, Nguyễn Trường Linh (bảng B - Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam)
- 6 giải Ba: Hoàng Uyên Nhi (bảng A - Nhạc viện TP.HCM), Phạm Bá Vinh (bảng A - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Võ Nguyễn Thành Tâm, Phan Thị Dịu (bảng B - Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM), Nguyễn Hữu Thắng (bảng B - Trường Đại học VHNT Quân đội), Trần Ngọc Lâm (bảng B - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)