Gặp lại 'Đài hoa tím' về Ngã ba Đồng Lộc
Nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968-24/7/2023), bản thảo đầu tiên của tập truyện ký Đài hoa tím (Nghiêm Văn Tân) đã được NXB Văn học và Tri thức trẻ Books giới thiệu tới bạn đọc.
1. Với Đài hoa tím, Nghiêm Văn Tân được biết đến là tác giả đầu tiên viết truyện ký về 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Tác phẩm này lần đầu được NXB Phụ nữ in năm 1978 với số lượng hơn 11 ngàn bản, và trở thành tác phẩm để đời của ông. Khi đó, Đài hoa tím cũng được đánh giá là tác phẩm bao quát nhất, chân thực nhất và cũng là sớm nhất viết về 10 cô gái anh hùng này.
Tiếp đó, năm 2005, NXB Phụ nữ tái bản tác phẩm này với tên mới là Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc gồm phần 1 - Đài hoa tím và 2 phần bổ sung gồm Đêm và Ngày viết năm 2004, sau gần 30 năm tác giả trở lại chốn xưa.
Với sự trở lại dưới bản thảo đầu tiên của Đài hoa tím, ông Đỗ Kim Cơ, Giám đốc Công ty Tri thức trẻ Books cho biết phía công ty đã liên hệ với gia đình cố tác giả Nghiêm Văn Tân để một lần nữa được mang cuốn sách này trở lại với văn đàn. Bản thảo và hình ảnh trong sách đều do gia đình cung cấp. Sau thời gian xem xét và trao đổi, gia đình tác giả đã đồng ý cho ban biên tập bỏ 2 phần vĩ thanh Đêm và Ngày để quay lại bản thảo nguyên thủy ban đầu: Đài hoa tím.
2. Nghiêm Văn Tân đã chọn thể loại truyện ký để kể về cuộc sống của 10 cô gái trên Ngã ba Đồng Lộc. Không chỉ là câu chuyện về sự khắc nghiệt của chiến tranh cùng cuộc sống chiến đấu bám trụ trên con đường ngày đêm bị bom Mỹ giày xéo, Đài hoa tím còn lột tả những tâm tư tuổi trẻ về tình yêu và cuộc sống của những cô gái thanh niên xung phong đương độ 18, 20. Họ là: Võ Thị Tần (tiểu đội trưởng), Hồ Thị Cúc (tiểu đội phó), Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Hà Thị Xanh, Trần Thị Hường, Trần Thị Rạng, Võ Thị Hà.
Qua hơn 200 trang sách, Nghiêm Văn Tân đã thành công dựng lên chân dung của 10 cô gái từ tính nết cho đến cuộc đời riêng của mỗi người. Trong số đó, không ít người có cuộc đời nhiều đắng cay.
Đọc Đài hoa tím để thấy 10 cô gái, 10 hoàn cảnh, 10 câu chuyện đời. Dù mỗi người mỗi khác nhưng vì lý tưởng cao cả, họ gặp nhau trong tiểu đội A4, sống với nhau như một gia đình, giúp đỡ và che chở lẫn nhau.
Không chỉ gây xúc động khi kể về cuộc đời riêng của những cô gái, tác giả Nghiêm Văn Tân còn dành nhiều thời gian để diễn tả tình cảm gia đình còn đậm nét trong mỗi người. Đó là trang viết về những cuộc thăm gia đình của Xanh, Hà, Rạng,… Tại đó, những cô gái Đồng Lộc chỉ được phép về thăm nhà 1, 2 ngày như những giây phút hạnh phúc cuối cùng của đời mình. Họ cho gia đình biết về quyết định sẽ bám trụ ở Ngã ba Đồng Lộc và sự ác liệt ở nơi đây. Khi ấy cũng là lúc, họ đã chuẩn bị cho gia đình của mình một tâm thế để đón nhận sự hy sinh.
Để rồi cùng với sức sống, nhiệt huyết của tuổi trẻ và ý chí kiên cường, các nữ thanh niên xung phong đều tình nguyện tiến vào Đồng Lộc làm việc trên đoạn đường ác liệt nhất với quyết tâm "máu có thể chảy, tim có thể ngừng, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt".
Tác giả Đài hoa tím viết về sự hy sinh của họ: "Những đôi mắt ấy không bao giờ còn được thấy lũy tre làng, hàng cây tro, nếp nhà tranh, và những cánh đồng xanh ở nơi mình được sinh ra và lớn lên,… Những đôi mắt ấy từ nay không còn thấy nữa: 4 mùa hoa quả thay nhau nở rộ, chín đều. Không còn thấy được nền trời xanh ngăn ngắt một màu. Ở trên tầng mây xanh ấy là một trần mây tím mênh mông…".
3. Năm 1968, khi nghe tin 10 nữ thanh niên xung phong tiểu đội 4 đại đội TNXP C552 hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, tác giả Nghiêm Văn Tân lập tức xin được đi vào Hà Tĩnh để lấy tài liệu viết về 10 nữ anh hùng đó. Thời điểm này, ông đã được làm việc với đồng chí đại đội trưởng C552 Nguyễn Thế Linh và tiếp xúc với các bạn thanh niên xung phong (tiểu đội) A4, A5, A8 của C552 để lấy tư liệu cho cuốn sách.
Dẫu đã có tư liệu song để khởi bút viết Đài hoa tím, với Nghiêm Văn Tân không hề dễ dàng. "Tôi muốn viết ngay nhưng đây là một đề tài lớn. Tôi thú nhận băn khoăn với cha rằng sợ lực bất tòng tâm. Cha tôi đã hỏi tôi câu hỏi mà đến giờ tôi vẫn nhớ: "Là con muốn trồng cây ăn quả hay là chỉ muốn trồng rau ngắn ngày? Không bao giờ được phép ăn xổi ở thì với những người đã hy sinh cả cuộc đời cho Tổ quốc". Lời dạy của cha khiến tôi nghĩ rằng đây là món nợ thiêng liêng mà tôi phải trả cho 10 cô gái anh hùng ở Đồng Lộc. Và cha tôi đã hẹn cho tôi là trong 10 năm tôi phải trả món nợ này" (trích Đài hoa tím).
Coi việc viết như để trả "món nợ thiêng liêng", tác giả Nghiêm Văn Tân đã dành "10 năm của tuổi thanh xuân đẹp nhất cuộc đời để cho việc hoàn thành Đài hoa tím". Cũng chính bởi thế mà Đài hoa tím sau gần nửa thế kỷ xuất hiện, giờ trở lại vẫn mãi là một bảo chứng cho một đời văn của ông. Như nhà văn Xuân Cang trong lời tựa cuốn sách có nhấn mạnh rằng: "Có thể nói đây là tác phẩm "mệnh" của Nghiêm Văn Tân, anh đã viết với tất cả tinh hoa của đời mình, mà anh vẫn chưa cho thế là đủ".
Đôi nét về tác giả Nghiêm Văn Tân
Tác giả Nghiêm Văn Tân (1940-2022) sinh tại Hà Nội, từng là công nhân đo đạc và thợ lò. Năm 1968-1969, ông về học khóa 3 trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội, sau đó được điều động về làm phóng viên báo Quản lý văn hóa rồi về Nhà văn hóa Trung ương cho đến khi về hưu.
Tác phẩm tiêu biểu của Nghiêm Văn Tân có thể kể đến Gương xanh, Đài hoa tím.