Xét xử vụ án Tân Hoàng Minh: Ranh giới giữa gian dối và chiếm đoạt
Tại phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh, sau khi đại diện Viện Kiểm sát luận tội và đề nghị án đối với bị cáo, các luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ, phân tích hành vi và hậu quả của hành vi nhằm giảm nhẹ mức độ hành vi phạm tội cho thân chủ.
Trong đó, tập trung xoay quanh mục đích phạm tội, giới hạn hành vi và mức độ phạm tội trong từng giai đoạn, từ đó xác định động cơ chiếm đoạt tài sản của các bị cáo trong vụ án này.
Luật sư đề nghị cân nhắc mức độ sai phạm
Bào chữa cho Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh), về hành vi phạm tội của thân chủ, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh) cho rằng, Dũng luôn tâm niệm "có vay có trả", tại thời điểm đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang phát triển nhiều dự án, nếu huy động trái phiếu không trả khi đến hạn sẽ khiến uy tín của mình cũng như Tân Hoàng Minh giảm sút, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, thiệt hại sẽ lớn hơn. Do đó, Dũng luôn chỉ đạo nhân viên thực hiện thanh toán các khoản đến hạn, đảm bảo uy tín cho Tập đoàn.
Theo luật sư, khi vụ án khởi tố, số tiền thiệt hại được cơ quan tố tụng xác định là hơn 8.600 tỷ đồng. Nhằm khắc phục hậu quả nhanh, ổn định tâm lý cho nhà đầu tư, Đỗ Anh Dũng phải huy động thêm tiền từ bạn bè, người thân để nộp lại toàn bộ số tiền này. Tuy nhiên, mặc dù hậu quả đã khắc phục, song để lại nhiều hệ lụy cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nhiều kế hoạch, dự án bị đình trệ, doanh nghiệp làm ăn lụi bại. Từ một Tập đoàn kinh tế hàng đầu cả nước với số lượng nhân viên trên 2.000 người, giờ Tân Hoàng Minh chỉ còn ngót nghét 100 nhân sự. Luật sư Thanh bày tỏ: "Chủ trương của pháp luật trong việc xử lý các tội danh liên quan đến xâm phạm sở hữu hoặc liên quan đến kinh tế, chính là "giảm nhẹ tối đa" đối với những người đã khắc phục triệt để hậu quả. Do đó, tôi đề nghị Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát cân nhắc đối với mức độ sai phạm của Chủ tịch Tân Hoàng Minh".
Không chủ trương chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư
Luật sư Nguyễn Văn Tú (Công ty Luật FANCI) bào chữa cho Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh) nêu quan điểm, mặc dù vụ án có số lượng bị hại lớn với 6.630 người, nhưng đã có tới gần 1.500 bị hại xin giảm án cho bị cáo. Theo luật sư, có được điều này là nhờ Đỗ Hoàng Việt và Đỗ Anh Dũng đã có ý thức nỗ lực bồi thường, khắc phục hậu quả nhanh, triệt để, toàn diện. Ít có vụ án kinh tế nào có thể được khắc phục nhanh như vậy. Việc khắc phục số tiền lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn là nỗ lực vượt bậc của hai bị cáo cũng như nhiều nhân viên thuộc Tân Hoàng Minh.
Phân tích về ý thức chủ quan, luật sư Tú cho rằng bị cáo Đỗ Anh Dũng và con trai Đỗ Hoàng Việt đều không có ý thức chiếm đoạt tiền của bị hại, song do nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, trong bối cảnh khó khăn nên cả hai đã vi phạm. Theo luật sư, xét theo quy định pháp luật, hành vi của họ tuy vi phạm pháp luật nhưng không có ý thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vì vậy, luật sư Nguyễn Văn Tú mong Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát cân nhắc xem xét giảm án cho hai bị cáo bởi cả hai đều có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, ăn năn, hối lỗi...
Chung quan điểm với luật sư Nguyễn Văn Tú, luật sư Hoàng Văn Hướng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Khoa Đức (Trợ lý Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Cung điện Mùa đông) cho rằng, cần tách bạch giữa hành vi gian dối và chiếm đoạt tài sản. Luật sư Hướng phân tích, dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi gian dối để tạo dựng các hồ sơ thì có, nhưng tại thời điểm đó chưa có ý định chiếm đoạt tài sản mà chỉ nhằm mục đích phát hành trái phiếu, có thêm tiền của các nhà đầu tư để tăng nguồn vốn cho các dự án lớn đang triển khai của Tân Hoàng Minh. Vì vậy, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc động cơ, mức độ thực hiện hành vi phạm tội của thân chủ cũng như các bị cáo khác trong vụ án.
Hợp thức hóa hồ sơ để phát hành trái phiếu
Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đã đánh giá: Do gặp khó khăn về tài chính, để có tiền chi phí duy trì bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, đầu tư, thanh toán các khoản nợ phải trả của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trong thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng đã thống nhất chủ trương và thông qua Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị cáo đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 Công ty (Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông), phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu như: ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng cách ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần… không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc Tập đoàn; thông đồng với các bị cáo thuộc các đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu Báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để hợp thức các công ty này có đủ điều kiện phát hành trái phiếu; ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống” thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư; tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu, hợp thức trái chủ cho Công ty Tân Hoàng Minh.
Ngoài ra, các bị cáo còn sử dụng tài sản của chính các hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư, với tổng số tiền 8.643 tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành.
Trong phần xét hỏi trước đó, trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát, Đỗ Hoàng Việt đã thừa nhận, thời điểm 2021-2022, Tân Hoàng Minh không đủ điều kiện phát hành trái phiếu nên đã lựa chọn 3 công ty (Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soliel và Công ty Cung điện Mùa Đông) để phát hành trái phiếu. Song, cả ba công ty này cũng không đủ điều kiện phát hành trái phiếu nên phải hợp thức hóa hồ sơ để được phát hành trái phiếu như cáo trạng truy tố.