Cà phê đầu tuần: Ông Troussier, người đầu tiên không thỏa hiệp
Vào đầu tháng Mười năm nay, sau trận giao hữu thua đội tuyển Trung Quốc, HLV Philippe Troussier vẫn quyết đoán bước vào phòng họp báo và tuyên bố: "Để chuẩn bị cho Asian Cup và vòng loại World Cup 2026, chúng ta nhất quyết không từ bỏ việc theo đuổi triết lý mới, lối chơi mới".
Đấy là thông điệp đã xuất hiện nhiều lần trong suốt chặng đường dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Ngay từ khi mới ngồi vào ghế, HLV người Pháp đã nói rõ rằng mình sẽ thay đổi hoàn toàn nền móng từ thời HLV Park Hang Seo: Các đội tuyển Việt Nam sẽ chơi chủ động, cầm bóng, có cấu trúc đội hình mạch lạc và không rình rập nữa.
Sự nhất quán với triết lý
Sau tuyên bố không thay đổi triết lý ở trên, đội tuyển Việt Nam lại thua Uzbekistan 0-2 chỉ vài ngày tiếp theo. Thậm chí, các cầu thủ của ông Troussier còn không dứt điểm được lần nào về phía khung thành đối phương. Dư luận tiếp tục gây sức ép cho HLV người Pháp. Nếu không có kết quả, thì triết lý là để làm gì?
Có lẽ chúng ta chưa bao giờ thấy một HLV cứng rắn với triết lý của mình đến vậy trong lịch sử các đội tuyển Việt Nam. Thậm chí, những nhà cách tân đầu tiên như Dido hay Edson Tavares khi tiếp xúc với bóng đá Việt Nam đã phải nhận những đòn phản rất khắc nghiệt, đến mức mà sau này một trong những tiêu chí nổi bật để chọn HLV cho đội tuyển quốc gia là… hiểu bóng đá Việt Nam.
Nó dẫn đến một hệ quả nghèo nàn về mặt chiến thuật và triết lý bóng đá của đội tuyển quốc gia trong suốt gần ba thập niên: Có lẽ cải tiến về lối chơi đáng kể nhất mà chúng ta từng chứng kiến ở cấp độ đội tuyển chỉ là việc chuyển từ hệ thống 5 hậu vệ của thập niên 1990 sang chơi nhuần nhuyễn hệ thống 4 hậu vệ từ đầu thập niên 2000. Vài năm trở lại đây, đội tuyển chơi với sơ đồ hiện đại 3 hậu vệ, nhưng với đôi cánh chơi thấp để đảm bảo an toàn, thay vì hỗ trợ để phía trên chơi chủ động hơn.
Vì thông điệp của việc chọn HLV đội tuyển quốc gia trong rất nhiều năm, thể hiện qua slogan ngầm "hiểu bóng đá Việt Nam", bén rễ rất sâu vào tư duy những nhà hoạch định chiến lược của nền bóng đá. Và ý nghĩa sâu xa của thông điệp này chính là sự thỏa hiệp: các HLV phải thỏa hiệp với bóng đá Việt Nam, thậm chí với những vấn đề vô cùng xấu xí, để xoay sở đưa đội tuyển đến chiến thắng.
Và thông điệp này tạo ra những kết quả nửa vời: HLV Alfred Riedl, một trong những "hiểu bóng đá Việt Nam nhất", cũng nổi tiếng là "vua về nhì", không bao giờ chạm đến đỉnh cao nhất dù trên lý thuyết, ông có trong tay những cầu thủ tài năng bậc nhất bóng đá Việt Nam thời điểm ấy.
Vì mọi người cũng quên mất rằng ông đã dẫn dắt một thế hệ cầu thủ đã dính vào đại án bán độ tại SEA Games, trong một giai đoạn mà chuyện mua bán độ và thỏa hiệp kết quả với nhau đã trở thành một "đặc sản" đương nhiên ở V League. Có lẽ không một HLV nào trên thế giới có thể tạo ra thành công bền vững khi phải thích nghi với những điều tréo ngoe kiểu vậy.
Ngay cả thành công của ông Park Hang Seo cũng được lý giải dưới lăng kính thỏa hiệp này: ông được khen ngợi và biết hòa nhập với văn hóa của người Việt Nam, gần gũi với các cầu thủ, ứng xử không khác gì một người thân trong gia đình họ.
Thay đổi lịch sử
Sự kiện HLV Troussier cùng thái độ quyết liệt với triết lý của ông xuất hiện ở cấp độ cao nhất của bóng đá Việt Nam, dù chưa đem lại thành công, cũng đánh dấu một sự thay đổi rất đáng kể: lần đầu tiên, chúng ta chấp nhận một người không thỏa hiệp, không đánh đổi bất kỳ điều gì trong cái tôi và triết lý của mình, chỉ để đo ni đóng giày với những đặc trưng của bóng đá Việt Nam và văn hóa Việt Nam.
Ông Troussier là người lạnh lùng trong ứng xử, không nâng đỡ các "công thần", và kiên quyết áp dụng một lối chơi mới cho đội tuyển. Cho dù chưa thực sự thành công, điều đáng ghi nhận là ông vô cùng nhất quán. Không chỉ các cầu thủ, mà toàn bộ người Việt đã hiểu thông điệp của ông, và biết rằng ông sẽ không thay đổi nó chỉ vì kết quả không được như ý.
Những điểm sáng trong trận gặp Nhật Bản có thể khiến chúng ta hưng phấn hơn, nhưng điều có ý nghĩa hơn cả là cuối cùng chúng ta cũng chấp nhận một người hoàn toàn khác mình đến đây, không thỏa hiệp chút nào để nói những điều khác đi, và cố gắng tạo ra một triết lý thực sự. Cho dù thành công hay thất bại với ý định này, ông Troussier cũng đang tạo ra một ngoại lệ đáng kể với chiếc ghế HLV mà trước giờ người ta chỉ cho là nơi mà ai ngồi lên phải cố mà thoải mái với những vết sứt sẹo trên nó.