Chào tuần mới: Để sen mãi hồng
Sau một thời gian dài ngừng hoạt động, sân khấu ngoài trời Sen Hồng (khu B, Công viên 23/9, quận 1, TP.HCM) đã được tu sửa, chỉnh trang, dự kiến trở lại hoạt động vào dịp Tết nguyên đán 2024.
Nằm ở vị trí đắc địa của quận trung tâm thành phố, với sức chứa khoảng 1.500 khán giả, khi đưa vào hoạt động năm 2013, sân khấu Sen Hồng đã được kỳ vọng là địa điểm ngoài trời lý tưởng, thu hút người dân, nhất là các cháu thiếu nhi cũng như du khách.
Dù vậy, hoạt động của sân khấu không sôi nổi như mong đợi. Tính tới thời điểm hiện tại, Sen Hồng đã bỏ trống gần 5 năm. Ngoài nguyên nhân khách quan như mấy năm bị đại dịch Covid-19 hoành hành, phải hạn chế tụ tập đông người, Sen Hồng cũng như nhiều không gian công cộng khác rơi vào cảnh lãng phí do thiếu vắng kinh phí, nhân sự và các chương trình thu hút được người dân.
Không chỉ sân khấu lớn như Sen Hồng, mà nhiều địa điểm sinh hoạt văn hóa công cộng trên khắp cả nước cũng đã rơi vào cảnh vắng vẻ do không có chương trình phù hợp, dù nhu cầu thưởng thức, sinh hoạt văn hóa của người dân vẫn có. Chưa kể, nhiều công trình không được quan tâm đã dẫn đến xuống cấp, hoặc các công trình đang trong tình trạng "đắp chiếu", không rõ khi nào mới hoàn thiện, để vận hành.
Trong khi đó, sau đại dịch, nhu cầu sử dụng các không gian công cộng của người dân có thể còn cao hơn trước; xã hội cũng đang hướng tới việc kết nối cộng đồng để thiếu nhi, thanh niên không đắm chìm vào không gian ảo, trò chơi điện tử… Vì vậy những không gian vui chơi, rèn luyện, học hỏi, thưởng thức văn hóa, hoạt động thể thao lành mạnh được tìm kiếm nhiều hơn.
Cuối năm 2023, Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng lần nữa được nhắc tên trong kỳ họp thứ 13 của HĐND TP.HCM khóa X. Cho đến nay, dự án nhà thi đấu này đã "đắp chiếu" cả 10 năm, do vướng mắc vài cơ chế. Tại kỳ họp này, nhiều ý kiến cho rằng nếu thành phố linh hoạt hơn, thì giải pháp tình thế cho những dự án này là làm sân chơi tạm thời, hoặc công viên "dã chiến", hoặc tổ chức các gian hàng hội chợ, khu ẩm thực… vẫn có ích hơn vây rào bỏ hoang. Dĩ nhiên, đi kèm đó là các điều kiện an toàn, đảm bảo vệ sinh.
Trở lại chuyện sân khấu Sen Hồng "hồi sinh" sau 5 năm ngủ yên là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới với các nhà quản lý, là làm sao để duy trì, phát triển bền vững. Biến nơi đây thành địa điểm thu hút du lịch, giải trí. Tránh tình trạng tưng bừng tái khai trương, rồi âm thầm tạm đóng cửa. Bởi Sen Hồng ở rất gần khu Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão - Đỗ Quang Đẩu, nơi sẵn có rất đông khách du lịch quốc tế.
Cho nên, dù giải pháp tình thế hoặc lâu dài, thì các không gian công cộng vẫn phải sớm trở về đúng chức năng ban đầu của mình, để tránh gây lãng phí. Làm sao để mỗi địa điểm sinh hoạt công cộng như thế sẽ là một đóa sen đúng nghĩa, luôn tươi hồng giữa thành phố và trong lòng người.