Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2023: Tôn vinh công trình 'giải mã' thơ Lê Quý Đôn

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2023 được trao cho tập Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn (NXB Hội Nhà văn, 2023) của nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục ở thể loại lý luận phê bình văn học. Năm nay, giải thưởng không trao giải ở các hạng mục tác phẩm văn xuôi, thơ và văn học dịch. Nhà văn Ma Văn Kháng được tôn vinh với tặng thưởng "Thành tựu văn học trọn đời".

1. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, trao thưởng và kết nạp hội viên mới được tổ chức vào sáng 27/12 tại Hà Nội, tác giả Vũ Bình Lục chia sẻ: "Hội Nhà văn Hà Nội đã có "con mắt xanh" để nhìn ra chân giá trị của tác phẩm văn học cổ trong bối cảnh văn học trung đại trước nay ít được quan tâm, thậm chí có xu hướng mai một".

Tác phẩm được giải của Vũ Bình Lục - Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn -dày hơn 800 trang. Ở tác phẩm này, tác giả đã kỳ công nghiên cứu từ thơ chữ Hán, tuyển chọn, dịch thơ và bình giải 400 trong tổng số 550 bài thơ chữ Hán của Quế Đường tiên sinh mới được sưu tầm.  

Nhà văn Vũ Bình Lục cho rằng, nếu không quan tâm đến giai đoạn văn học trung đại của dân tộc, chúng ta sẽ không có nhiều thứ để nói, để khoe với thế giới. Cái hay, cái đẹp của cha ông thể hiện trong thơ đến nay chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết.

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2023: Tôn vinh công trình 'giải mã' thơ Lê Quý Đôn - Ảnh 1.

Sách “Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn” (NXB Hội Nhà văn, 2023)

"Chúng ta cứ khen thơ Đường, thơ Tống vĩ đại mà không biết rằng, thơ Việt Nam cũng không hề thua kém" - ông khẳng định - "Văn học trung đại của chúng ta có những giá trị vô cùng đặc sắc. Nếu không hiểu được những giá trị ấy, chúng ta có lỗi với cha ông. Do đó, mỗi nhà văn cần có trách nhiệm truyền tải để thế hệ hôm nay hiểu và nhận thức được giá trị tâm hồn, trí tuệ của dân tộc được gửi gắm qua thơ ca trung đại".

Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, tập Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn của Vũ Bình Lục là một công trình nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học khá công phu. Tác giả đã tích hợp các phương pháp lý luận truyền thống hòa quyện cùng với nghệ thuật phê bình văn học đương đại, vừa hấp dẫn, vừa nghiêm cẩn, mà giữ cung nhịp uyên bác. Cùng với đó, 400 bài thơ chữ Hán trong tập sách được nhà văn Vũ Bình Lục chủ yếu chuyển ngữ ra thơ lục bát, song thất lục bát truyền thống, uyển chuyển mà vẫn đảm bảo được các tiêu chí tín, đạt và nhã. Những điều này đã giúp người đọc thuận tiện tiếp cận các tác phẩm của nhà bác học Lê Quý Đôn.

2. Cũng tại hội nghị, ngoài việc trao giải thưởng thường niên, Hội Nhà văn Hà Nội còn vinh danh nhà văn Ma Văn Kháng với tặng thưởng "Thành tựu văn học trọn đời". Năm ngoái, tặng thưởng này được trao cho cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Chia sẻ với Thể thao và Văn hóa, nhà văn Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết, tặng thưởng "Thành tựu văn học trọn đời" là giải truyền thống của Hội Nhà văn Hà Nội.

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2023: Tôn vinh công trình 'giải mã' thơ Lê Quý Đôn - Ảnh 2.

Các tác giả Ma Văn Kháng và Vũ Bình Lục (thứ hai và thứ ba từ trái sang) nhận giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2023

"Tặng thưởng được trao cho nhà văn có sự gắn bó với Thủ đô thông qua quá trình sáng tác sâu rộng, bao trùm và đi qua thời gian bằng những tác phẩm để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Chúng tôi lựa chọn nhà văn đã có những đóng góp lớn vào thành tựu phát triển nền văn học nghệ thuật Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung" - ông nói - "Năm nay, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã xét và nhất trí vinh danh nhà văn Ma Văn Kháng. Ông là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội lâu năm, có uy tín trong suốt quá trình sáng tác".

Cũng theo nhà văn Trần Gia Thái, Ma Văn Kháng là một cây bút tiểu thuyết có sức viết vạm vỡ, có bề dày cống hiến cho nền văn học Thủ đô nói riêng và nền văn học nước nhà nói chung.

Trong năm 2023, ở tuổi 87, nhà văn Ma Văn Kháng cho thấy sức viết bền bỉ khi ra mắt 2 tác phẩm gồm: tập bút ký chính luận Nếu chúng ta không cháy lên (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) và tập truyện ngắn Chim trời bay về sau cơn mưa (NXB Phụ nữ Việt Nam).

3. Về việc kết nạp hội viên, dịp này, Hội Nhà văn Hà Nội kết nạp thêm 24 hội viên mới. Trong đó, có 7 tác giả văn xuôi, 14 tác giả thơ, 2 tác giả lý luận phê bình văn học, 1 tác giả văn học dịch. Qua đó, danh sách này nâng tổng số hội viên Hội Nhà văn Hà Nội lên con số 780 thành viên.

Thông tin về công tác năm 2023, nhà văn Trần Gia Thái cho biết thêm: Đề án Ngày thơ Thăng Long - Hà Nội (nhằm hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam tổ chức vào dịp Nguyên tiêu hằng năm) do Hội Nhà văn Hà Nội đề xuất ý tưởng đã được thành phố phê duyệt.

Theo đề án, Ngày thơ Thăng Long - Hà Nội được tổ chức nhằm gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống và giá trị nghìn năm văn hiến, truyền cảm hứng tự hào, tin yêu, ngợi ca Thăng Long - Hà Nội qua thơ ca. Nhiều hoạt động dự kiến được tổ chức trong khuôn khổ ngày thơ như đọc thơ, giới thiệu, ra mắt thơ, giao lưu với các thế hệ người làm thơ Thủ đô, trưng bày sách, tranh, tác phẩm nhiếp ảnh, giới thiệu điểm đến du lịch…

"Văn học trung đại của chúng ta có những giá trị vô cùng đặc sắc. Nếu không hiểu được những giá trị ấy, chúng ta có lỗi với cha ông" - nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

Công Bắc

Link gốc: TTVH