Cầu Long Biên - từ 'chứng nhân lịch sử' tới 'không gian sáng tạo'
Phần lớn các ý kiến tại hội thảo Đổi mới sáng tạo trong công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên (diễn ra sáng 25/10 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) đều hướng tới việc nên giảm - thậm chí tiến tới ngừng khai thác - các hoạt động giao thông trên cây cầu này, từ đó bổ sung thêm cho Long Biên những công năng mới.
Cần nhắc lại, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên (dừng tại ga đầu mối Ngọc Hồi). Trong khi đó, tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi cũng sẽ được xây dựng một cây cầu đường sắt mới để thay thế cầu Long Biên.
Tôn tạo cầu sắt trăm tuổi
Về vấn đề tôn tạo, theo KTS Trương Văn Quảng (Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam), cầu Long Biên nên được bảo tồn theo nguyên dạng hình dáng và cấu trúc khung thép gốc - dù có thể mở rộng quy mô để phù hợp với môi trường phát triển mới của Thủ đô.
Nhìn ra thế giới, trường hợp cầu Eiffel (Bordeaux, Pháp) được GS Nguyễn Quốc Thông (Chủ tịch Hội đồng Khoa học Hội Kiến trúc sư Việt Nam) nêu ra như một mô hình đáng tham khảo. Năm 2008, cầu Eiffel chính thức dừng khai thác sau 140 năm, và một cây cầu được dựng ngay liền kề với hình thái kiến trúc đơn giản, chỉ gồm các trụ đỡ và bản mặt cầu phẳng, không có các kết cấu và chi tiết trang trí chiếm không gian phía trên mặt cầu. Như vậy, hoạt động giao thông mà cầu Eiffel từng đảm nhiệm được đảm bảo trên cây cầu mới, trong khi hình dáng cây cầu này không lấn át cầu cũ. Hình ảnh cây cầu cũ vẫn hiện diện trọn vẹn nhưng có chức năng khác để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cư dân.
Tương tự, KTS Phan Đăng Sơn (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cũng đồng ý với việc nên xây dựng cầu mới với kiến trúc đơn giản. Dù vậy, ông cho rằng cây cầu mới này không nên đặt quá gần cầu cũ. Theo ông, khi loại bỏ việc việc cho phép các mọi phương tiện giao thông cơ giới, cầu Long Biên hiện tại sẽ được thay đổi chức năng để thành một không gian sáng tạo có khả năng chuyển đổi linh hoạt.
Ở góc độ khác, KTS Trương Văn Quảng lại chú trọng đến việc bổ sung các chức năng bảo tàng lịch sử, không gian giao lưu văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ quốc gia, quốc tế tại đây sau khi được tôn tạo. Ông Quảng đề xuất nên tổ chức các sự kiện giao lưu văn hoá, nghệ thuật lấy không gian cầu Long Biên làm trọng tâm, đồng thời xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu lịch sử về cây cầu tại ga Long Biên và tổ chức hệ thống chiếu sáng nghệ thuật toàn bộ cây cầu vào ban đêm.
Gần với ý kiến này, KTS Trần Thanh Bình (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cũng cho rằng việc gỡ bỏ ray đường sắt chạy qua nội đô sẽ hình thành nên những con phố nhỏ như trường phố Nguyễn Thượng Hiền (TP. HCM). Từ đó theo ông Bình, nên hình thành một tuyến phố đi bộ lấy cầu Long Biên là chủ thể, kết hợp với không gian xung quanh cầu. Trên phố, có thể mở chuỗi hàng quán cà phê, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thậm chí có thể giữ nguyên hệ thống đường ray, đặt một đầu máy hơi nước kéo theo một toa tàu để tạo dấu ấn lịch sử.
Hình thành quần thể không gian văn hóa
Rộng hơn, theo nhiều ý kiến tại hội thảo, việc bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên cần gắn với việc khai thác hiệu quả quỹ đất, cũng như tiềm năng và và vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng liền kề với các khu vực bãi giữa, bãi bồi hiện có.
Do vậy KTS Nguyễn Thanh Bình đề xuất nên sớm thúc đẩy quy hoạch, cải tạo quần thể không gian này thành khu vực công viên trung tâm của thành phố, từ đó kết nối các trục không gian văn hóa khác như các trung tâm văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng, trục không gian Thành cổ Hà Nội, trục Hồ Tây - Cổ Loa.
Hoặc, một số ý kiến cũng nhắc tới việc trong tương lai, khu vực công viên văn hóa gắn với cầu Long Biên này có thể trở thành nơi dàn dựng các vở diễn thực cảnh công phu, hoành tráng về lịch sử Hà Nội để thu hút du lịch. Như thống kê, với diện tích lên tới 30.000m2, khu vực chân cầu Long Biên hoàn toàn có thể trở thành một địa điểm tổ chức chương trình thực cảnh như từng diễn ra tại khu vực hồ nước dưới chân núi Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội).
Thậm chí, GS Nguyễn Lân Dũng (Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam) cũng cho biết: Đất ở dưới chân cầu Long Biên có độ phì nhiêu lớn. Do vậy, thay vì trồng hoa, khu vực này hoàn toàn có thể tận dụng đất trồng rau sạch phục vụ hàng triệu người dân sinh sống tại Thủ đô, đồng thời vẫn mở cửa cho khách vào tham quan
Như nhận xét của ông Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong quá khứ, cây cầu Long Biên dài hơn 2.200 mét được xây dựng và hoàn thành trong 4 năm (kể từ 1898). Việc phục dựng, tôn tạo nó có thể gặp nhiều khó khăn nhất định, nhưng hoàn toàn vẫn có thể hoàn thành sớm với những ưu thế của thế kỷ XXI, để rồi mở ra một chương mới với cây cầu lịch sử này.
Loại hình di sản độc đáo
Thực tế, từ thập niên năm 1980, nhiều quốc gia trên thế giới đã dần nhận thức được đầy đủ giá trị di sản của các công trình kiến trúc bằng gang - thép, đại diện cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất. Một số kiến trúc cầu thép tiêu biểu trên thế giới hiện còn tồn tại như cầu Eiffel ở Bordeaux (Pháp), cầu ở Porto (Bồ Đào Nha), cầu cảng Sydney (Australia) đều được xếp hạng di tích quốc gia. Tùy từng trường hợp cụ thể, các cầu này được bổ sung những giải pháp khác nhau để đáp ứng nhu cầu mới, nhưng việc tôn trọng di sản kiến trúc cầu luôn được ưu tiên hàng đầu.