Góc nhìn 365: Nào, cùng đón Tết Đoan Ngọ

Chúng ta vừa bước sang ngày 5/5 âm lịch - ngày Tết Đoan Ngọ - vốn rất quen thuộc với người Việt Nam qua cái tên dân dã "giết sâu bọ".

Quen thuộc, không chỉ bởi bất cứ ai cũng từng nghe về khái niệm này ngay khi còn nhỏ. Nó còn đến từ sự phổ cập tới các gia đình - khi mà dù ở đô thị hay mọi miền quê, mỗi nhà đều có thể  đón Tết Đoan Ngọ với "nghi thức" siêu đơn giản: mua dăm bảy bát rượu nếp về ăn trong ngày - chứ không nhất thiết phải vào đúng buổi trưa. Và thế là… xong cái Tết.

Thật ra, như những gì được ghi lại, Tết Đoan Ngọ vốn từng có dấu ấn quan trọng hơn rất nhiều trong đời sống người Việt xưa. Bởi, bên cạnh quan niệm vui về cơ hội  "giết sâu bọ" trong bụng vào ngày đặc biệt trong năm - khi Mặt trời gần Trái đất nhất - nó còn gắn liền với những triết lý về văn hóa, đạo lý phương Đông quanh sự tuần hoàn của thời tiết và vũ trụ.

Góc nhìn 365: Nào, cùng đón Tết Đoan Ngọ - Ảnh 1.

Ngày 5/5 âm lịch - ngày Tết Đoan Ngọ

Như lời PGS Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), Tết Đoan Ngọ trong quá khứ luôn được hân hoan đón nhận kể từ chốn cung đình hoa lệ, tôn nghiêm cho đến những miền quê mộc mạc. Thậm chí, từ thời Lê Trung Hưng, vào ngày này, các vương triều đều tổ chức các lễ dâng tiến lên tổ tiên và các bậc sinh thành tại nhà Thái miếu, đồng thời thiết triều để các bề tôi chúc mừng tại điện Cần Chánh.

Trong khi đó, ở ngoài dân gian, đây lại là dịp để con cháu nhớ ơn sinh dưỡng, gia đình sum họp quây quần với những phong tục vốn xuất xứ từ kinh nghiệm dân gian liên quan tới thời tiết: cúng sản vật mùa Hạ lên tổ tiên, hái lá làm thuốc nam vào giờ Ngọ, làm bùa ngũ sắc, dùng lá nhuộm móng tay móng chân, mặc áo dấu, treo con giáp tết từ ngải cứu…

Góc nhìn 365: Nào, cùng đón Tết Đoan Ngọ - Ảnh 2.

Không phải ngẫu nhiên mà trong các sử liệu cũ, cái Tết này đã xuất hiện ngay từ thế kỷ XV với bài thơ Đoan Ngọ của Phạm Nhữ Dực, rồi sau này được mô tả khá chi tiết trong các sách "Hà Nội địa dư", "An Nam phong tục" hay "Kỹ thuật của người An Nam". Rồi, trong 36 phố phường của Hà Nội vẫn có tới 3 phố hàng liên quan tới phong tục ngày Tết Đoan Ngọ là  phố Hàng Mụn (Hàng Bút) bán bùa ngu sắc, Hàng Quạt bán quạt, Thuốc Bắc bán thuốc nam…

***

Bây giờ, cách ngày Tết Đoan Ngọ được tổ chức trong thế kỷ XXI đã khác trước quá nhiều. Sự thay đổi ấy trước hết đến từ guồng quay trong nhịp sống hiện đại - khi mà hầu hết mọi gia đình đều khó lòng bỏ thời gian, công sức để tổ chức một cái Tết công phu, cầu kỳ như trước. Xa hơn, quá trình đô thị hóa, cũng như những chuyển đổi về phương thức sản xuất theo hướng bớt phụ thuộc vào nông nghiệp, cũng là lý do cho điều này.

Nhưng, cũng rất thú vị, từ vài năm nay, những người hoài cổ, hoặc quan tâm tới Tết Đoan Ngọ truyền thống, vẫn có thể tìm đến Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) vào các ngày 5/5 âm lịch. Tại đó, sự kiện Tết Đoan Ngọ truyền thống được tổ chức thường niên, với những diễn giải, trưng bày - và tái hiện một phần - những phong tục từng có trong dịp này như đeo túi thơm, buộc chỉ ngũ sắc, bôi hùng hoàng cho trẻ em, kết ngải hình con giáp,... hay tái hiện hình ảnh thu nhỏ của các phố Hàng Quạt, Hàng Mụn, Thuốc Bắc khi xưa.

Đặc biệt hơn, những nghi lễ cung đình gắn với sự kiện truyền thống này cũng từng bước được phục dựng, mà nổi bật là lễ ban quạt - khi mà trong Tết Đoan Ngọ của quá khứ, bên cạnh ban yến, nhà vua còn ban quạt, một vật dụng thiết thực vào mùa nực, cho bá quan văn võ, thậm chí là cung tiến quạt lên Văn Miếu, Võ Miếu.

Như thế, sự thay đổi của Tết Đoan Ngọ là xu thế tất yếu của xã hội - trong khi cách nó được bảo tồn, lưu giữ cũng lại là xu thế tất yếu đối với những di sản văn hóa khó lòng nguyên vẹn từ quá khứ….

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH