Lý Tiểu Long mãi luôn là huyền thoại võ thuật vĩnh cửu tuổi Thìn
Lý Tiểu Long là huyền thoại võ thuật nổi tiếng châu Á cũng như Hollywood. Tên tuổi của ông gắn liền với hình ảnh con rồng.
Cái tên Lý Tiểu Long
Lý Tiểu Long tên thật là Lý Chấn Phiên, sinh vào giờ Thìn năm Canh Thìn, tức ngày 27/11/1940 tại San Francisco, bang California (Mỹ). Cha của ông, Lý Hải Tuyền, một nghệ sĩ kịch Quảng Đông, đã đặt tên Chấn Phiên, hy vọng rằng con trai mình sau này sẽ có sự nghiệp thành công hơn người.
Năm 1941, Lý Chấn Phiên cùng gia đình trở về Hong Kong, và bén duyên với điện ảnh từ nhỏ. Bộ phim mà Lý Chấn Phiên tham gia vào năm 1950 là Tế Lộ Tường (tên khác là Little Cheung) vốn dựa trên bộ truyện tranh của Viên Bộ Vân. Điều thú vị là Lý Chấn Phiên và cha mình cùng đóng ở bộ phim này. Thậm chí, Lý Chấn Phiên đã được giao vai chính là cậu bé Tế Lộ Tường.
Biên kịch Viên Bộ Vân và đạo diễn Phùng Phong đã thử qua hơn chục thanh thiếu niên nhưng không tìm được người ưng ý. Lý Chấn Phiên đến trường quay để gặp cha, vô tình đã vào mắt xanh của đạo diễn lẫn biên kịch.
Bộ phim "Tế Lộ Tường" đã giành được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình và khiến Lý Chấn Phiên trở thành một ngôi sao nhí. Tuy nhiên, đoàn làm phim phát hiện một vấn đề là Lý Tiểu Long không có nghệ danh nổi bật. Trước đó, cậu lấy nghệ danh là Tiểu Hải Tuyền do là con trai của Lý Hải Tuyền. Tuy nhiên bố của Lý Chấn Phiên cảm thấy con trai mình lần đầu đóng vai chính nên không thể lấy nghệ danh theo tuổi của mình.
Nhiệm vụ đặt nghệ danh được giao cho biên kịch Viên Bộ Vân. Một lần đi qua rạp chiếu phim ở Du Ma Địa ở Cửu Long, Viên Bộ Vân chợt nghe thấy một người bán vé hét to trước cửa rạp: "Trên đời hiếm có chuyện rồng lớn sinh ra rồng nhỏ. Chỉ cần xem thôi là bạn sẽ mở mang tầm mắt. Sau khi xem xong, tôi đảm bảo bạn sẽ gặp may mắn". Viên Bộ Vân liền vỗ tay vào trán và nghĩ rằng "rồng lớn sinh rồng nhỏ", điều này chẳng phải giống với trường hợp cha con Lý Hải Tuyền – Lý Chấn Phiên sao? Hơn nữa, Lý Tiểu Long lại sinh đúng vào năm Rồng (Canh Thìn). Ngoài ra, rồng còn là biểu tượng tinh thần, rất được tôn kính. Do vậy, Viên Bộ Vân đã nghĩ ra nghệ danh Lý Tiểu Long cho Lý Chấn Phiên.
Ngoài tên Lý Tiểu Long, Lý Chấn Phiên còn có tên tiếng Anh là "Bruce Lee". Cái tên này vốn được đặt theo gợi ý của Mary Glover, người y sĩ đã đỡ đẻ tại bệnh viện ở San Francisco.
Sự nghiệp điện ảnh của huyền thoại của Lý Tiểu Long
Khi còn thiếu niên, Lý Tiểu Long bắt đầu học đấm bốc, khiêu vũ và Vịnh Xuân Quyền từ võ sư Diệp Vấn. Năm 18 tuổi, Lý Tiểu Long sang Mỹ học đại học. Ở xứ cờ hoa, ông cũng dạy võ thuật và phát triển hình thức võ thuật tổng hợp (MMA) ban đầu của riêng mình - Jeet Kune Do (Tiệt Quyền Đạo)
Lý Tiểu Long xuất hiện trong một số chương trình truyền hình và phim của Mỹ, thường là những vai nhỏ liên quan đến võ thuật. Trong đó phải kể tới vai Kato trong phim "The Green Hornet 1966" mà ông đã gây ấn tượng sâu sắc. Tuy nhiên phải đến khi trở về Hong Kong, ông mới có được những vai chính với hãng phim Golden Harvest. Các bộ phim đó là Đường Sơn Đại Huynh 1971, Tinh Võ Môn 1972, Mãnh Long Quá Giang 1972 và Long Tranh Hổ Đấu 1973.
Khi đang ở đỉnh cao danh vọng, Lý Tiểu Long đột ngột qua đời vì chứng phù não vào ngày 20/7/1973, khi mới 32 tuổi, khiến khán giả tiếc nuối. Bộ phim cuối cùng được phát hành trong suốt cuộc đời của ông là Mãnh long quá giang (Way of the Dragon) vào năm 1972, trong khi Long tranh hổ đấu (Enter the Dragon) được hoàn thành sau khi ông qua đời vào năm 1973 - cả hai đều là phim ăn khách của Hollywood.
Tờ Sohu viết: "Tuy Lý Tiểu long không đóng nhiều phim về kung fu (võ thuật Trung Hoa), chỉ có 4 phim rưỡi nhưng những phim này đã khiến ông trở thành một nhân vật quan trọng trong lịch sử phim kung fu. Giờ đây chỉ cần nhắc đến kung fu, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của Lý Tiểu Long. Dường như hình ảnh Lý Tiểu Long đã ăn sâu vào lòng người hâm mộ kung fu. Tuy nhiên, Lý Tiểu Long đã qua đời từ rất sớm, nếu không lịch sử kung fu trên thế giới vẫn sẽ được tiếp tục".
Di sản võ thuật của Lý Tiểu Long
Tiệt Quyền Đạo của Lý Tiểu Long được xem là 1 di sản võ thuật to lớn, khác biệt lớn với các môn võ, loại hình chiến đấu truyền thống khác. Tiệt Quyền Đạo (Jeet Kune Do) có nghĩa là "Cách đánh chặn nắm đấm", một môn võ thuật kết hợp từ các môn chiến đấu khác nhau. Jeet Kune Do nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng thích ứng và tính thực tế, cho rằng rằng võ sĩ giỏi nhất không bị giới hạn ở một phong cách duy nhất mà có thể thích ứng với mọi tình huống.
Ý tưởng của Lý Tiểu Long chính là phiên bản đầu tiên của võ thuật tổng hợp hiện đại (MMA), kết hợp các kỹ thuật và chiến thuật từ nhiều bộ môn khác nhau.
Lý Tiểu Long đã nêu ra một loạt nguyên tắc mà môn sinh Tiệt Quyền Đạo phải tuân theo: Ưu tiên dùng tay thuận và tay có lực mạnh hơn làm tay đấm chính. Đặt bên mạnh hơn của thân người lên phía trước vì tay sẽ thực hiện phần trăm công việc lớn hơn. Cách phòng thủ tốt nhất là tấn công mạnh mẽ. Cần kết hợp phòng thủ và tấn công trong một hành động. Tránh vung tay lộ liễu khi thực hiện cú đấm, giúp đòn tấn công gây bất ngờ cho đối thủ.
Người luyện "Tiệt quyền đạo" phải có tâm trí như nước, làm theo câu nói nổi tiếng của Lý Tiểu Long: "Hãy làm sạch tâm trí của bạn. Vô hình, vô sắc giống như nước. Bạn cho nước vào một cái chai và nó trở thành cái chai. Bạn cho nước vào một ấm trà, nó sẽ trở thành ấm trà. Nước có thể chảy hoặc có thể vỡ ra. Hãy giữ tâm trí như nước, bạn của tôi".
Trang Andrenalin Combatives viết: "Tiệt Quyền Đạo chủ yếu là sự kết hợp của các khái niệm và nguyên tắc chiến đấu đến từ Đấu kiếm, Quyền anh và Vịnh Xuân Quyền. Đó là về sự đánh chặn, nó là một khái niệm chứ không phải là sự tích lũy vô tận các kỹ thuật. Tiệt Quyền đạo là về việc loại bỏ và không thêm vào những thứ khác. Giống như trong thiền định, Tiệt Quyền Đạo chú trọng vào việc buông bỏ những thứ không cần thiết".
"Tiệt Quyền Đạo là một môn võ thuật tuyệt vời được phát triển bởi Lý Tiểu Long, đi trước thời đại. Nhiều người vẫn nhầm lẫn triết lý của Tiệt Quyền Đạo và nghệ thuật đánh chặn thực tế. Sự thật về Tiệt Quyền Đạo dựa trên khái niệm và nguyên tắc và để mọi người hiểu rõ hơn về môn võ này này, họ phải trước tiên hiểu rõ khái niệm cơ bản của Tiệt Quyền Đạo, đánh chặn từ mọi phạm vi", trang Andrenalin Combatives nhấn mạnh.
Lý Tiểu Long đưa ra 4 phạm vi chiến đấu mà cho tới nay, nó đã trở thành những nguyên tắc quan trọng của võ tổng hợp (MMA), từ đánh tầm xa, tầm trung cho tới cận chiến, đó là đá (kicking), đấm (punching), đánh lừa đối thủ (trapping) và grappling (vật, khóa siết). Lý Tiểu Long tiếp tục phát triển bản thân về mặt thể chất. Ông kết hợp nhiều phương pháp tập tạ, rèn luyện sức bền, tính linh hoạt. Lý Tiểu Long được cho là đã truyền cảm hứng cho nhiều võ sĩ sau này. Những võ sĩ nổi tiếng như Sugar Ray Leonard, Manny Pacquiao và Conor McGregor đều thừa nhận Lý Tiểu Long đã truyền cảm hứng và ảnh hưởng đến phong cách chiến đấu cũng như phương pháp huấn luyện của họ. Trong khi đó, Chủ tịch UFC, Dana White khẳng định Lý Tiểu Long là cha đẻ của MMA hiện đại.
Tiệt Quyền Đạo ở Việt Nam
Tại Việt Nam, võ sư Bùi Trọng Quốc Quân là người đầu tiên nghiên cứu và đưa môn võ Tiệt quyền đạo về giảng dạy cho các môn sinh. Võ sư Bùi Trọng Quốc Quân cho biết: "Ở Việt Nam cũng như trên thế giới Tiệt quyền đạo được biết đến qua người sáng lập ra môn phái đó chính là Lý Tiểu Long. Nhưng khi về Việt Nam, Tiệt quyền đạo lại mang những nét riêng mà chỉ ở Việt Nam mới có. Đó chính là sự kết hợp giữa các môn phái võ cổ truyền của dân tộc để tạo ra sự khác biệt đó".