Phát triển công nghiệp âm nhạc Việt Nam (kỳ 4 & hết): Tạo sức bật từ biểu diễn 'nhạc sống'
Năm 2023 được cho là một năm sôi động của các hoạt động biểu diễn nhạc sống. Đời sống âm nhạc ghi nhận sự xuất hiện của một loạt liveshow của các ca sĩ, nhạc sĩ tên tuổi như Hà Anh Tuấn, Hồng Nhung, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên, Đen Vâu…
Đáng nói, "làn sóng" nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam trong năm nay cũng bùng nổ với concert của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink diễn ra cuối tháng 7, thu hút hơn 60.000 khán giả. Chưa kể những lễ hội âm nhạc quốc tế có thương hiệu như Monsoon Music Festival 2023 (Lễ hội Âm nhạc Gió mùa) cũng đã trở lại bùng nổ sau 3 năm gián đoạn do dịch bệnh.
Những tín hiệu đáng mừng
Theo ông Nguyễn Lê Nhất Phương, Giám đốc điều hành của Công ty phát hành âm nhạc Warner Chappell Music (Mỹ) tại Việt Nam, các hoạt động biểu diễn nhạc sống đang có những tác động tích cực đối với xu hướng tiêu thụ âm nhạc trong nền công nghiệp âm nhạc.
Dẫn ra trường hợp của Monsoon Music Festival tại Hà Nội hay HOZO Music Festival tại TP.HCM, ông Phương đánh giá đây đều là những biểu tượng của hoạt động biểu diễn nhạc sống đối với cả nghệ sĩ đại chúng và nghệ sĩ độc lập.
"Biểu diễn nhạc sống mang tới khả năng khám phá âm nhạc, cho thấy văn hóa tiêu thụ âm nhạc của từng vùng miền. Ở Hà Nội, khán giả rất sẵn lòng đi nghe những người mới, thay vì những nghệ sĩ mà họ đã quen thuộc hoặc những nghệ sĩ đã có tên tuổi nhất định" - ông nhận xét.
Theo chuyên gia này, trên thực tế, có khá nhiều bài nhạc khi nghe qua thu âm vẫn không thể khiến khán giả bị ấn tượng như nghe nhạc sống. Nói cách khác, trải nghiệm mà nhạc sống mang lại là không gì có thể so sánh được. Cho nên, việc kết hợp giữa âm nhạc và trải nghiệm này sẽ mang lại những giá trị để thúc đẩy tiêu thụ âm nhạc.
Một ví dụ khác, tại TP.HCM trước đây chưa có quá nhiều tụ điểm âm nhạc để nghe. Ở các tụ điểm biểu diễn nhạc sống khi ấy, mỗi đêm đều có chương trình nhưng các buổi biểu diễn lại lặp lại giống nhau. Dù vậy, khán giả tại đây vẫn sẵn sàng đi xem, từ ngày này sang ngày khác. Có nghĩa, họ thực sự có nhu cầu được nghe nhạc sống.
"Thực tế này thay đổi khi sau đại dịch Covid-19 có rất nhiều chương trình biểu diễn nhạc sống được mở ra. Những chương trình này phù hợp với hành vi văn hóa thích đông vui của người Việt Nam" - ông Nhất Phương nói thêm - "Bởi khi đi xem những chương trình biểu diễn nhạc sống, ngoài nghe nhạc, khán giả còn có nhu cầu kết nối với bạn bè. Điều này cũng góp phần thúc đẩy khả năng tiêu thụ âm nhạc trở nên mạnh mẽ hơn".
Trong khi đó, đối với nhà sản xuất âm nhạc Thành Chu, nhạc sống luôn là một tiêu chuẩn để đánh giá chất nghệ sĩ. Phần lớn các nghệ sĩ đều muốn mang âm nhạc của mình ra trình diễn theo cách thức này.
Theo ông, hoạt động biểu diễn nhạc sống hiện nay có nhiều thay đổi đáng mừng. Trước đây, âm nhạc điện tử, rap, hip-hop… là những dòng nhạc gần như không có khả năng để diễn "live". Bởi, trong quá trình sản xuất những dòng nhạc này sử dụng quá nhiều các yếu tố điện tử, lập trình khiến nghệ sĩ khó có thể chơi "sống" được. Thế nhưng, hiện tại, người trong nghề đã có công nghệ và cách làm mới để có thể mang các dòng nhạc khó chơi đó ra "chơi live" cùng với nghệ sĩ.
Đáng nói hơn, trong một vài năm gần đây, các nhà sản xuất âm nhạc tại Việt Nam đã có thể tổ chức các hoạt động biểu diễn nhạc sống với sự hiệu quả về mặt kinh tế cao.
Như dẫn chứng của ông Thành Chu, trước trước đây, việc biểu diễn nhạc sống cần phải có một ban nhạc rất cồng kềnh với đủ loại trống, đàn, thậm chí keyboard phải cần đến 2 - 3 người, guitar cũng cần đến số người tương tự. Điều này không có lợi cho kinh tế. Từ đó, chọn lưu diễn bằng phương pháp này là một sự mạo hiểm mà không phải nhà sản xuất âm nhạc nào cũng dám đối diện. Thế nhưng, ở Việt Nam hiện nay, các nhà sản xuất đã bắt đầu áp dụng các quy trình tổ chức tối giản hơn cho các chương trình biểu diễn nhạc sống, đặc biệt có những phương pháp tối ưu cho các chương trình lưu diễn.
Theo ông Chu, với triển vọng này, ngành âm nhạc của Việt Nam có thể trông đợi vào những màn trình diễn đặc sắc hơn để phù hợp với từng dòng nhạc, cũng như đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn, và hứa hẹn một tương lai với những hoạt động biểu diễn nhạc sống sôi động.
Thưởng thức "nhạc sống" trở thành phong cách sống
Mở rộng vấn đề, nhà sản xuất âm nhạc Thành Chu khẳng định: Trong tương lai, nhu cầu thưởng thức âm nhạc qua mô hình biểu diễn nhạc sống hay các music festival (lễ hội âm nhạc) dần dần sẽ trở thành một phong cách sống. Đó là lối sống và sự tự hào về cách chúng ta tiêu thụ âm nhạc và cũng khẳng định cá tính của mỗi cá nhân.
"Nhìn lại trong vòng từ 1 - 2 năm trở lại đây, tư duy tới thưởng thức music festival cũng như nhạc sống đã lan rộng hơn khá nhiều" - ông nói - "Tư duy này đã lan tới cả những nghệ sĩ sản xuất âm nhạc, tổ chức chương trình độc lập, thậm chí là các đối tác tổ chức các sự kiện âm nhạc. Tất cả họ cũng đã bước chân vào cuộc chơi này. Đó là một dấu hiệu đáng mừng".
Dù vậy, nhà sản xuất này vẫn có những lưu ý về các tiêu chí của những chương trình âm nhạc: "Tôi từng có trải nghiệm làm festival. Nhưng thực chất nó chỉ mang tính chất của một sự kiện âm nhạc, thay vì một môi trường được tối ưu hóa cho nghệ sĩ, và thậm chí cho cả khán giả. Chúng ta cần một tiêu chuẩn chất lượng, trong khi hiện giờ, những người trong nghề vẫn chưa có một tiếng nói chung, để có một tiêu chuẩn thế nào là một music festival thành công" - ông chia sẻ.
Như phân tích của ông Thành Chu, chúng ta đang trong giai đoạn cần phải phát triển nóng các sự kiện và chương trình biểu diễn nhạc sống. Nhưng sau đó sẽ là giai đoạn cần giảm nhiệt và điều chỉnh chất lượng biểu diễn mang tính đồng nhất.
"Đến khi, chúng ta có nhiều sự lựa chọn cả về chương trình lẫn nghệ sĩ, đó cũng là lúc những người làm nghề và khán giả sẽ phải tự thống nhất với nhau về các tiêu chuẩn. Và khi được làm việc trong môi trường tối ưu nhất, nghệ sĩ cũng sẽ biết đòi hỏi để khán giả có được những trải nghiệm tốt nhất với sản phẩm âm nhạc của mình" - nhà sản xuất Thành Chu nói - "Cuộc chơi đang rất công bằng. Tôi có thể cam đoan chúng ta sẽ có nhiều cuộc chơi vui và đa màu sắc trong ngành công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam trong thời gian tới".
"Trong khi những người tổ chức sự kiện thường chỉ nhìn đến số lượng khán giả, lợi nhuận thu được, thì một người làm việc sát sao với nghệ sĩ về mặt chuyên môn như tôi thấy điều đó không nói lên toàn bộ bức tranh của hoạt động biểu diễn ở festival" - nhà sản xuất âm nhạc Thành Chu.