Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Bảo Ngọc: Thấy mình là 'một đứa trẻ nhiều tuổi'

Ít độc giả biết rằng Bảo Ngọc từng tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, khóa 5 (1993-1998). Gần 20 năm sau, chị Thư Thư của tuổi hoa niên bất ngờ tạo được dấu ấn, khi góp mặt với nhiều tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa đổi mới (2018).

Những bài thơ của Bảo Ngọc (tên thật là Nguyễn Thị Bích Ngọc) dùng trong sách giáo khoa tiểu học (bộ Chân trời sáng tạo, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống) được yêu thích vì sự trong trẻo, hồn nhiên và ngọt ngào. Đó là: Gặt chữ trên non, Nắng hồng, Chuyện xây nhà, Vẽ màu

Trí tưởng tượng giúp tìm đường đi cho riêng mình

* Xuất hiện nhiều trong SGK nhưng mỗi bài thơ của chị là một tưởng tượng khác nhau về thế giới trẻ thơ. Vì sao vậy?

- Ngay từ nhỏ tôi đã là một đứa trẻ giàu mơ mộng. Thế giới xung quanh tôi luôn hiện ra với những câu hỏi. Có nhiều câu hỏi không ngừng chạy theo ý nghĩ của tôi mỗi ngày, ví dụ sao thứ Hai mà không phải thứ Nhất, hoặc thứ Một? Ai đã tạo ra trật tự sắp xếp như thế và đến thứ Bảy là bước vào Chủ nhật, chứ không phải thứ Tám?

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Bảo Ngọc: Thấy mình là 'một đứa trẻ nhiều tuổi' - Ảnh 1.

Nhà thơ Bảo Ngọc

Hoặc có lúc tôi hỏi đi hỏi lại mẹ rằng tôi sinh ra từ đâu, trước khi là con của mẹ, tôi đã ở đâu? Tại sao con người phải già và chết? Nếu con người không chết thì trái đất có đủ chỗ sống không?

Và tôi được mệnh danh là "bà cụ non" từ thuở còn thơ bé. Tôi nghĩ, trí tưởng tượng cho phép đứa trẻ bước ra khỏi giới hạn và những tư duy kinh nghiệm của người lớn để bước đến một thế giới kỳ diệu, tạo nên một thế giới kỳ diệu, hoặc tìm được con đường đi của riêng mình.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Bảo Ngọc: Thấy mình là 'một đứa trẻ nhiều tuổi' - Ảnh 2.

Trang SGK có bài "Vẽ màu" của Bảo Ngọc

* Chị có nhiều tác phẩm trong SGK bậc tiểu học, vậy thì bài thơ nào mang đậm dấu ấn thơ của cá nhân nhất? 

- Thật không dễ để chính tác giả khẳng định bài thơ này, hoặc bài thơ kia mang đậm dấu ấn thơ, cũng như tính cách của cá nhân mình. Bởi ở mỗi bài thơ đều chứa đựng một góc tâm hồn của người viết, là tiếng nói bên trong muốn cất lên, muốn chia sẻ.

Còn dấu ấn của tác phẩm có thể đại diện, trở thành "thương hiệu" của một tác giả hay không, điều ấy sẽ do người đọc, các nhà phê bình và thời gian thẩm định.

Tuy nhiên có nhiều lời bình của bạn văn và nhà phê bình khiến tôi cảm thấy được khích lệ. Ví dụ như lời bình của nhà giáo Nguyễn Văn Thư: "Trong bài thơ Nắng hồng (Tiếng Việt 3), chỉ cần đi vào hai điểm nhấn "Màn sương ôm dáng mẹ" và "Khói lên trời dung đưa" là đã thấy tác giả tinh tế vô cùng khi vẽ nên bức tranh tuyệt vời về người mẹ trong khung cảnh mùa Đông miền Bắc. Làn khói bếp gợi bao niềm ấm áp và nỗi vất vả tảo tần của mẹ được vẽ qua màn sương… Những vẻ đẹp ấy phải là người có trái tim ấm và tâm hồn tinh tế mới tạo dựng được từ những câu chữ giản dị của mình".

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Bảo Ngọc: Thấy mình là 'một đứa trẻ nhiều tuổi' - Ảnh 3.

Trang SGK có bài "Nắng hồng"

* Những tác phẩm của chị là cảm hứng bất chợt hoặc xuất phát từ kỷ niệm nào?

- Có những lúc đang đi trên đường, bất chợt một ý thơ, một tứ thơ, một nhịp điệu thơ vang lên, lúc ấy tôi ghé ngay vào lề đường, lấy một cây bút ghi lại trong cuốn sổ nhỏ - đấy là trước đây. Còn bây giờ là ghi nhanh vào điện thoại.

Tuy nhiên, phần lớn những bài thơ tôi viết là ở những khoảng thời gian ngồi đối diện với mình trong tĩnh lặng. Tôi đã từng chia sẻ, dù lúc viết ở tâm thế thì tôi luôn sống trọn vẹn, tha thiết từng phút giây với không gian cảm xúc của riêng mình.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Bảo Ngọc: Thấy mình là 'một đứa trẻ nhiều tuổi' - Ảnh 4.

Trang SGK có bài "Gặt chữ trên non", ký bút danh Bích Ngọc

* Vậy chị muốn chuyển tải điều gì qua thơ với trẻ thơ?

- Tôi nghĩ mình có tuổi thơ được sống nơi thôn quê với rạ rơm, đồng ruộng thấm đẫm gió trời cùng bao bạn nhỏ là điều đặc biệt may mắn. Ông ngoại tôi là một tiểu thương nhỏ ở một thị trấn nhỏ và là người "có chữ". Ông biết tiếng Pháp, nhưng hơn cả là ông thuộc Kiều và mê chèo. Bên ấm trà, ông là người hào sảng, vừa có thể bang giao với cả các vị chức sắc lẫn người bình dân, vừa là người hiểu biết nên được nhiều người vị nể.

Tôi ở với ông bà ngoại hồi nhỏ nên ngấm các bài hát chèo, các bài lẩy Kiều mà ông thường ngâm nga những lúc thư nhàn.

Lớn một chút tôi về ở với bà nội. Bà nội cũng là người "hay chữ nhất làng". Thế là chuyện xưa tích cũ bằng thơ, các bài ca dao, tục ngữ ngấm dần trong tâm hồn tôi tự nhiên như là mạch sống, như là hơi thở. Mẹ tôi cũng là một nhà giáo yêu văn học. Càng lớn tôi càng nhận ra, hồn quê, hồn làng, hồn nước ngấm vào tôi qua những bài thơ có vần có điệu. Tôi yêu quê hương mình, yêu con người dân tộc mình qua thơ văn, qua âm nhạc, qua những điều đẹp đẽ được neo lại trong tâm hồn mình từ thời thơ bé.

Vậy nên tôi muốn tiếp nối những giá trị ấy bằng cách gọi các câu chữ, sắp xếp câu chữ sao cho những bài thơ có thể đến thật gần với các em, vui cùng các em, nói cùng các em đúng "cái giọng" mà các em muốn lắng nghe, các em có thể yêu thích.

"Để giữ được ánh nhìn về cuộc đời với đôi mắt của một đứa trẻ, tôi đã luôn giữ ánh nhìn đầy lạ lẫm và háo hức trước mọi điều mới mẻ quanh mình" - nhà thơ Bảo Ngọc.

Mạch viết cho thiếu nhi vẫn đang tiếp nối

* Đọc thơ Bảo Ngọc, nhiều người vẫn tự hỏi cách nào để nhà thơ luôn giữ được ánh mắt trong trẻo của trẻ thơ đến thế?

- Điều gì khiến ta yêu thích, say mê, ta sẽ dành thời gian vô điều kiện. Khi vui chơi cùng các em, hoặc khi ngồi viết cho các em, viết về khoảng trời lấp lánh của các em, tôi luôn thấy mình là "một đứa trẻ nhiều tuổi".

Chơi được với trẻ em, biết chơi với các em, cùng các em tạo dựng nên một thế giới của những điều kỳ diệu, đó là "đặc ân" dành cho những ai yêu thương các em thật sự.

Còn một điều nữa, để giữ được ánh nhìn về cuộc đời với đôi mắt của một đứa trẻ, tôi đã luôn giữ ánh nhìn đầy lạ lẫm và háo hức trước mọi điều mới mẻ quanh mình. Để có được điều ấy, hãy giữ tâm hồn thật trong, không phán xét, chỉ cảm nhận, để tâm hồn mình chân thật đón nhận sự kỳ diệu mở ra.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Bảo Ngọc: Thấy mình là 'một đứa trẻ nhiều tuổi' - Ảnh 6.

Trang SGK có bài "Chuyện xây nhà"

* Ngoài sự hồn nhiên, dịu dàng rất dễ nhận thấy giữa thơ và tác giả Bảo Ngọc, còn có điều gì nữa nhỉ?

- Bên cạnh những điều dễ thấy đó, tôi chỉ xin chia sẻ thêm một điều nhỏ, tôi là người trọng sự chân thật, khẳng khái đến mức nó trở thành một nguyên tắc sống, cho dù điều đó không phải lúc nào cũng mang đến sự thuận lợi cho cá nhân mình.

Đã có nhiều lúc tôi thấy mình như "đi lạc" và thậm chí "đi ngược" trong một nhịp sống hối hả, mà đôi khi mọi giá trị đều có thể bị cuốn phăng đi. Song tôi vẫn kiên nhẫn đi trên con đường mình đã chọn, bởi vì, được sống là chính mình, dám sống là chính mình, biết sống là chính mình là một giá trị mà không phải ai cũng nhận ra.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Bảo Ngọc: Thấy mình là 'một đứa trẻ nhiều tuổi' - Ảnh 7.

Nhà thơ Bảo Ngọc giao lưu với học sinh

* Xuất hiện ở hầu hết các sách tiểu học và cả trung học cơ sở, trong nhiều bộ sách giáo khoa, điều ấy có ý nghĩa như thế nào với chị?

- Những năm gần đây, khi tôi cũng như một số tác giả trẻ như Nguyễn Lãm Thắng (Huế), Võ Thu Hương (TP.HCM), Xuân Thủy (Hà Nội)… có tác phẩm được chọn vào sách giáo khoa, tôi đón nhận như một sự khích lệ lớn lao. Bởi điều này góp phần khẳng định sự kế cận của đội ngũ viết trẻ và mạch viết cho thiếu nhi vẫn đang tiếp nối. Những người viết trẻ đang nỗ lực để văn học dành cho thiếu nhi không để lại khoảng trống trong lòng bạn đọc.

* Ở tư thế người nâng đỡ những trang văn tuổi hồng (chị Thư Thư phụ trách chuyên mục sáng tác Trang viết tuổi hồng, báo Thiếu niên tiền phong), chị có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của văn chương với lứa tuổi này?

- Đọc một tác phẩm văn học không chỉ là cách tích lũy tri thức, biết rung động, biết quan sát, được trải nghiệm… để lớn khôn, mà còn là một cách học lắng nghe tâm hồn người khác để từ đó bước ra một thế giới rộng lớn hơn.

Còn khi đặt bút sáng tác những trang văn là các em đã bước đầu mang những câu chuyện riêng, mang thế giới riêng của mình đến với mọi người.

Như vậy, đọc là để tiếp nhận, là học cách lắng nghe. Viết là để trao tặng, là để được chia sẻ. Hai điều tưởng như giản dị này sẽ theo mỗi người suốt cuộc đời. Điều ấy quan trọng lắm chứ!

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Các tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Bảo Ngọc: Hồn thời gian (tản văn), Bến trăng (thơ), Giữ lửa (thơ), Gõ cửa nhà trời (thơ), Lớp học Thung Mây (tập thơ và truyện dài)…

Khôi Nguyên Thảo (thực hiện)

Link gốc: TTVH