'Kính vạn hoa' theo năm tháng (kỳ 3 & hết): Giấc mơ tuổi thơ của mỗi đứa trẻ
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nói rằng việc viết bộ truyện liên hoàn Kính vạn hoa giống như việc "búng một đồng xu, khó ở cái búng đầu tiên, còn nếu đồng xu đã có cái thế vững vàng rồi, nó sẽ tự lăn". Và thực tế ông đã trao cho Kính vạn hoa một đời sống riêng để "tự lăn" trong hành trình trở thành giấc mơ tuổi thơ của biết bao đứa trẻ.
Theo tác giả, sự thành công cũng như sức sống của Kính vạn hoa sau chừng ấy năm tháng nằm ở chỗ đã đáp ứng được nhu cầu đọc của độc giả nhỏ tuổi - và cụ thể hơn là ở độ tuổi học trò.
Viết từ những trải nghiệm đa chiều
"Năm 1995, thời điểm Kính vạn hoa ra mắt, sách viết cho trẻ em không có nhiều. Hầu hết thị trường chỉ in lại sách của những nhà văn đi trước như: Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Nguyễn Huy Tưởng… Thời điểm ấy rất hiếm nhà văn viết về tuổi học trò, độ tuổi của bộ ba Quý ròm, Hạnh cận, Tiểu Long trong Kính vạn hoa" - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết - "Sở dĩ, Kính vạn hoa được đón nhận nồng nhiệt bởi bộ sách hợp với lứa tuổi học trò. Đọc Kính vạn hoa, hẳn mỗi cô cậu học trò sẽ thấy chính mình, thấy bạn bè, thấy thầy cô và ba mẹ của mình".
Vẫn biết, viết Kính vạn hoa đầy rẫy những áp lực, khó khăn và thử thách sức bền của tác giả. (Nói như nhà văn Lê Phương Liên thì "Nguyễn Nhật Ánh viết Kính vạn hoa như một cuộc chạy marathon"). Nhưng với Nguyễn Nhật Ánh, viết bằng chính trải nghiệm tuổi thơ, bằng thực tế tiếp xúc với tuổi học trò thì việc ông viết lại hết sức dễ dàng và tự nhiên.
"Cá tính của tôi hợp với tuổi học trò, hợp với những ký ức, kỉ niệm của tuổi thơ. Việc viết về lứa tuổi này đối với tôi hoàn toàn tự nhiên, không phải gắng sức, không phải vất vả tìm cách hóa thân vào nhân vật. Tôi từng có thời gian dạy học, tiếp xúc với học trò của mình nên hầu hết những câu chuyện của Quý ròm, Hạnh cận, Tiểu Long trong truyện đều tương tự như với học trò của tôi. Bởi vậy tôi viết rất dễ dàng" - nhà văn chia sẻ.
"Dù tôi ở tuổi nào, tôi cũng có những kỉ niệm với học trò, từ bản thân cá nhân mình cho đến quãng thời gian tôi dạy học. Rồi tôi còn từng làm chủ nhiệm một câu lạc bộ thiếu nhi nên thời gian gắn bó với những cô cậu học trò cũng rất nhiều" - ông kể thêm - "Xuất phát từ việc có trải nghiệm, có ký ức sống động về thời tuổi trẻ, cộng thêm việc tiếp xúc với môi trường xung quanh, rồi sự quan sát khi làm thầy giáo hoặc khi làm chủ nhiệm câu lạc bộ thiếu nhi… tất cả hòa quyện với nhau tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào và đầy cảm hứng để tôi dựng lên một bộ truyện dài tập như Kính vạn hoa".
Còn đối với nhà văn Lê Phương Liên, Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn có cách viết hết sức gần gũi với trẻ em. Đó là một cách viết tự nhiên, thể hiện được tiềm năng của một người làm việc có sức bền.
"Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ rằng, nhiều khi ngồi trước màn hình máy tính một màu trắng xóa, tác giả không nghĩ ra được bất cứ điều gì, nhưng rồi lại vẫn viết trong tâm lý đầy sự kích thích là sự chờ đợi của bạn đọc. Cứ như thế những câu chuyện hiện lên một cách hết sức tự nhiên" - bà nói.
Với người đọc, Kính vạn hoa đặc biệt ở chỗ, tác giả đã xây dựng chuyện với mô-típ mỗi tập truyện là một câu chuyện khác nhau, không liên quan (tất nhiên, nhân vật thì xuyên suốt). Cách viết đó sẽ khiến cho bộ sách linh động hơn, không bị bó buộc, có khả năng mở rộng để cho tác giả sáng tạo một cách thoải mái. Có những câu chuyện lấy bối cảnh ở trường học, có những câu chuyện ở vùng nông thôn, có những câu chuyện ở ngoài biển… Cách mở rộng không gian, sử dụng linh hoạt các chi tiết như vậy giúp Nguyễn Nhật Ánh lột tả được nhiều nhất, kể được đa dạng nhất những diễn biến sống động trong đời sống tuổi thơ mà mỗi đứa trẻ trải qua.
Bên cạnh đó, tác giả của Kính vạn hoa còn cho thấy sự tài tình không chỉ ở việc thể hiện tác phẩm bằng vốn sống trực tiếp, bằng trải nghiệm của bản thân mà còn ở việc giàu trí tưởng tượng.
"Không đơn thuần là nhà văn chụp lại hiện thực trong tác phẩm, mà đa phần đó là một thế giới tưởng tượng. Bước vào Kính vạn hoa là bước vào một thế giới tưởng tượng" - nhà văn Lê Phương Liên cho hay - "Trong thế giới tưởng tượng đó, có những nhân vật mang tuổi thơ của tác giả, mang những xúc cảm của tác giả, mang hình bóng của chính tác giả trong sự ứng xử với tuổi thơ. Giống như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã từng nói rằng, với Kính vạn hoa, anh đã sống lại tuổi thơ lần thứ hai".
"Tình bạn của các nhân vật trong Kính vạn hoa hết sức đẹp. Đó cũng là mơ ước của bản thân tôi" - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
"Một người bạn của trẻ nhỏ"
Nhìn lại hành trình Kính vạn hoa đã đi qua, không sai khi nói bộ sách cùng lớn lên song hành với tuổi thơ của mỗi đứa trẻ. Như TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh bày tỏ: "Kính vạn hoa làm được một điều đáng quý, đó là trở thành một người bạn của trẻ nhỏ. Bởi nhân vật trong Kính vạn hoa hết sức giản dị, đời thường, mỗi một nhân vật đều có những nét thú vị riêng".
"Nhân vật của Kính vạn hoa nhìn đâu cũng thấy, đôi khi không phải họ bước ra từ trong cuốn sách mà là từ chính cuộc sống đời thường. Có rất nhiều những Quý ròm, những nhỏ Hạnh, những Tiểu Long xung quanh mỗi đứa trẻ. Vì vậy mà Kính vạn hoa trở nên gần gũi với trẻ em và đó cũng chính là giá trị chia sẻ của bộ sách" - chị khẳng định.
Cũng theo chị, giá trị lớn nhất của Kính vạn hoa không phải như một cuốn cẩm nang về giáo dục, mà ẩn chứa tính giáo dục qua mỗi tập truyện. Kính vạn hoa mang lại những giá trị chia sẻ.
Điều mà Kính vạn hoa làm được còn là sự đồng hành và cùng lớn lên với mỗi độc giả nhí. Kính vạn hoa kéo dài 45 tập với 7 năm sáng tác, gần như bằng một nửa tuổi thơ của một đứa trẻ. Và đặt trong xã hội hiện đại thì sự chia sẻ, thấu hiểu mới là những giá trị quan trọng nhất - chứ không phải là sự dạy bảo, khuyên răn hay xoa đầu áp đặt một điều gì đó lên một đứa trẻ.
Viết Kính vạn hoa, có vẻ như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã thấu hiểu cuộc sống của trẻ em, thậm chí là kể lại những câu chuyện mà mỗi độc giả nhỏ tuổi có thể thấy mình trong đó. Đó chính là những điều mà các bạn nhỏ luôn cần, đôi khi trong gia đình, bố mẹ không hiểu các em nhưng có thể nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại hiểu các em.
Thực tế, cũng đã có nhiều ý kiến tranh luận về tính giáo dục của Kính vạn hoa. Nhưng đối với nhà văn Lê Phương Liên, tính giáo dục của bộ sách Kính vạn hoa rất rõ rệt. Theo đó, bộ sách đã xây dựng nhân cách cho trẻ em trong một đời sống bình thường: từ những câu chuyện nho nhỏ trong một cuộc sống thường nhật ở nhà, ở lớp, ở trường mà hướng trẻ em đến với cái thiện, cái đẹp.
"Chúng ta thường nghĩ rằng, mình phải bồi dưỡng nhân cách cho trẻ em với rất nhiều điều cao rộng. Nhưng thực tế, một cách không giáo điều, Kính vạn hoa đã xây dựng được những nếp sống, ứng xử của trẻ em đối với nhau, cũng như trẻ em đối với người lớn. Các em đã vượt qua được những tật xấu của chính bản thân mình để hoàn thiện, để vươn đến những điều đẹp đẽ hơn. Đây là thành công của bộ sách" - nhà văn Lê Phương Liên khẳng định.
Sau cùng, với chính tác giả Nguyễn Nhật Ánh: "Tình bạn của các nhân vật trong Kính vạn hoa hết sức đẹp. Đó cũng là mơ ước của bản thân tôi, muốn có một nhóm bạn, muốn có một lớp học, muốn có một xã hội sống đẹp, học hành đàng hoàng, vui chơi lành mạnh. Đây có lẽ cũng là giấc mơ của chính mỗi đứa trẻ. Các em tìm thấy giấc mơ của mình trong Kính vạn hoa. Và như một cách ví von, các em mua bộ sách Kính vạn hoa là cũng là mua giấc mơ của tuổi thơ".
"Không đơn thuần là nhà văn chụp lại hiện thực trong tác phẩm, mà đa phần đó là một thế giới tưởng tượng. Bước vào Kính vạn hoa là bước vào một thế giới tưởng tượng" - nhà văn Lê Phương Liên.