Tài sản tài chính của các hộ gia đình Nhật Bản cao kỷ lục

Tính đến hết tháng Sáu, các hộ gia đình Nhật Bản có 14.300 tỷ USD tài sản tài chính, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự khởi sắc của thị trường chứng khoán đã thúc đẩy người dân gia tăng nắm giữ cổ phiếu ở một đất nước thường chuộng tiền mặt hơn.

Theo số liệu sơ bộ được công bố ngày 20/9 của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong quý II vừa qua đã làm tăng lượng tiền của các công ty đầu tư chứng khoán (equity holdings) thêm 26% lên 268.000 tỷ yen và của các quỹ tín thác đầu tư thêm 15,9% lên 100.000 tỷ yen. Đây đều là các mức cao nhất từ trước đến nay.

Tài sản tài chính của các hộ gia đình Nhật Bản cao kỷ lục - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: kyuhoshi.com

Tiền mặt và tiền gửi tiếp tục chiếm phần lớn trong danh mục tài sản của các hộ gia đình Nhật Bản, với tỷ trọng 52,8%. Bảo hiểm, lương hưu và các khoản bảo lãnh được tiêu chuẩn hóa chiếm 25,4%, và chứng khoán chiếm 12,7%. Người tiêu dùng đã tăng cường mua trái phiếu chính phủ, với lượng chứng khoán nợ mà các hộ gia đình nắm giữ đã tăng 9,1%.

Số liệu của BoJ còn cho thấy ngân hàng trung ương này tiếp tục là người nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ nhất, không tính tín phiếu kho bạc, ở mức 580.000 tỷ yen. Quý II vừa qua là quý thứ tư liên tiếp tỷ trọng nắm giữ của BoJ (53,2%) ở trên mức 50%, nhưng vẫn giảm nhẹ so với mức 53,3% trong tháng Ba, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 12/2021. Các ngân hàng thương mại và các tổ chức nhận tiền gửi khác nắm giữ 8,1% trái phiếu chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 7,3%.

BoJ mua trái phiếu chính phủ để ngăn không cho lãi suất dài hạn tăng mạnh. Lượng mua của BoJ đã tăng lên trong quý I để bù lại hoạt động bán ra mạnh mẽ của khối ngoại. Sự suy giảm trong tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ của BoJ có thể là dấu hiệu cho thấy ngân hàng này đã giảm mua trái phiếu trong quý II.

Khánh Ly/TTXVN (Theo Nikkei Asia)

Link gốc: TTVH