Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023: Truyện đồng thoại lên ngôi

Với 121 tác phẩm/chùm tác phẩm dự thi, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 đã cho thấy sự tham gia hưởng ứng của đông đảo lực lượng sáng tác, cũng như khẳng định sức lan tỏa của giải thưởng sau 4 năm tổ chức.

Để có những hình dung rõ nét hơn về bức tranh toàn cảnh của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn năm nay, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với PGS-TS Ngô Văn Giá - thành viên Hội đồng giám khảo.

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023: Truyện đồng thoại lên ngôi - Ảnh 1.

PGS.TS Ngô Văn Giá (bìa phải) trao giải "Khát vọng Dế Mèn" cho nhà văn Uông Triều, Mộc An, Lạc An và Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo cho tác giả Phạm Anh Xuân

Các lớp thế hệ nối tiếp nhau

* Với vai trò thành viên Hội đồng giám khảo, xin ông cho biết một số đánh giá về mặt bằng chung của 10  tác phẩm lọt vào chung khảo năm nay?

- Mỗi mùa giải Dế Mèn lại có một đặc sắc riêng. Năm nay, có thể thấy rằng truyện đồng thoại - tức truyện viết về thế giới loài vật - "lên ngôi". Một số cây viết đã chọn thể loại này, trong đó có cả tác giả nổi tiếng quen thuộc như Trần Đức Tiến với A lô!... Cậu đấy à? cho đến tác giả mới viết cho thiếu nhi như Uông Triều với Vua Ngan xóm hồ.

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023: Truyện đồng thoại lên ngôi - Ảnh 2.

Truyện dài “A lô!… Cậu đấy à?” của Trần Đức Tiến

Điều này cho thấy, thế giới của các loài vật vẫn là một đối tượng rất hấp dẫn cho các nhà văn sáng tác cho thiếu nhi, và hấp dẫn cả với đối tượng tiếp nhận là thiếu niên, nhi đồng. Các em đọc truyện về thế giới loài vật thường thích bởi sự gần gũi.

Hơn thế, loại truyện này ngoài ý nghĩa về mặt nhân sinh, còn có cái hay là cung cấp cho trẻ em các tri thức về loài vật, và về thiên nhiên nói chung. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh trẻ em hiện nay, nhất là những đứa trẻ sống ở các vùng đô thị hầu như ít biết, ít để ý đến loài vật.

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023: Truyện đồng thoại lên ngôi - Ảnh 3.

Truyện dài “Nghé ọ Hai Xoáy” của Phạm Anh Xuân

Ngoài ra, riêng tôi còn thấy thích một trường hợp cụ thể là truyện dài Nghé ọ Hai Xoáy của tác giả Phạm Anh Xuân. Truyện viết về đồng quê, viết về những ký ức tuổi thơ trong veo. Nói rộng ra, tác phẩm này có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh lâu nay các nhà văn của chúng ta dường như đang nợ công chúng một mảng đề tài rất quan trọng - đề tài viết về nông thôn, làng quê. Hiện nay, những người viết về nông thôn rất ít. Có những người sinh ra, lớn lên, trưởng thành từ nông thôn, nhưng khi đi làm ăn, công tác tập trung ở đô thị lại lãng quên hoặc rất ít viết về nông thôn. Văn học người lớn đã vậy, văn học thiếu nhi càng thế.

Với điểm nhấn này, cho thấy mùa giải Dế Mèn năm này có các tác phẩm viết đa dạng chủ để vừa có thành thị, vừa có nông thôn, vừa có giả tưởng, vừa có đồng thoại. Đó là một điểm nhấn đáng quý.

Một "hiệp sĩ" có tâm hồn trẻ thơ

"Giải Hiệp sĩ Dế Mèn là giải đánh giá công lao của tác giả gần như trọn đời. Với những đóng góp quan trọng vào nền văn học viết cho thiếu nhi, nhà văn Trần Đức Tiến hoàn toàn xứng đáng với giải Hiệp sĩ Dế Mèn của năm nay. Văn của anh giữ được cái trong trẻo và tính gợi rất cao. Trần Đức Tiến viết cho thiếu nhi, gợi là chính, thay vì viết theo lối của người kể chuyện áp đặt.

Có thể nói, Trần Đức Tiến giữ được tâm hồn trẻ thơ, nhìn đời sống bằng cái nhìn của một đứa trẻ con trong con người mình. Tâm hồn trẻ thơ ở anh rất quý. Cộng với kinh nghiệm, anh viết tiết chế vừa đủ để tạo ra những câu chuyện rất dễ chịu cho người đọc, khiến người đọc cảm thấy không bị dạy dỗ, không bị lên lớp, không bị áp đặt.

Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình với những đánh giá chung của Hội đồng Giám khảo đã bàn bạc và thống nhất khi trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn cho nhà văn Trần Đức Tiến rằng, nếu chỉ xét riêng với tác phẩm dự giải là tập truyện dài A lô!... Cậu đấy à? là chưa đủ. Cần thêm cuốn Xóm Bờ Giậu (NXB Kim Đồng) của anh viết trước đó gần nhất, cùng thể loại đồng thoại thì chặt chẽ hơn. Ở đây, A lô!... Cậu đấy à? có thể coi là phần nối tiếp của Xóm Bờ Giậu. Cộng với đánh giá về cả một quá trình nhiều thành tựu, nhiều đóng góp cho nền văn học thiếu nhi của Trần Đức Tiến thì nhà văn hoàn toàn xứng đáng với giải Hiệp sĩ Dế Mèn của năm nay".

(Nhận xét của PGS-TS Văn Giá)

* Còn về đối tượng dự giải thì sao, thưa ông?

- Đó là các lớp thế hệ nối tiếp nhau. Mùa giải năm nay có thế hệ cao thủ, gạo cội như Trần Đức Tiến, có thế hệ dày dặn kinh nghiệm viết như Uông Triều, Phạm Anh Xuân, Thụy Anh. Rồi đến thế hệ trẻ hơn như Mộc An, Lạc An, Huỳnh Trọng Khang. Và đặc biệt là thế hệ tí hon của những em nhỏ 10-12 tuổi như Hoàng Nhật Quang, và Đoàn Lữ Thụy Phương. Có thể thấy đối tượng dự giải trải đều ra các thế hệ.

* Liên tiếp các mùa giải Dế Mèn đều phát hiện ra những tác giả là thiếu nhi với những tín hiệu tích cực. Ở mùa giải lần thứ 4 này của Dế Mèn thì sao, thưa ông?

- Trước tiên phải nói đến trường hợp của tác giả nhí Hoàng Nhật Quang với chùm tranh vẽ quá xuất sắc. Đây cũng là điểm nhấn của giải thưởng này. Hoàng Nhật Quang mang đến giải một vệt tranh lạ, đặc sắc. Tranh của em có cảm giác như mở ra một thế giới vừa thần tiên, cổ tích, vừa huyền thoại, kí ức với những màu sắc sống động và cũng rất tài hoa. Trường hợp của Hoàng Nhật Quang có thể coi là một phát hiện quan trọng của giải Dế Mèn lần này.

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023: Truyện đồng thoại lên ngôi - Ảnh 5.

"Cuộc phiêu lưu" (acrylic, 200x320cm) của họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang

Còn đối với trường hợp của Đoàn Lữ Thụy Phương, ngoài việc thể hiện sự già dặn từ sớm trong cách viết, ở em vẫn giữa được những trí tưởng tượng, sự hồn nhiên, mơ mộng, đặc biệt ở phần tác phẩm Từ những bức thư. Thụy Phương hứa hẹn là một cây viết sớm trưởng thành, và chắc chắn sau này em cũng sẽ tham gia vào đời sống văn học theo cách của riêng của mình.

Chờ "đời sống riêng" của từng tác phẩm

* Đến nay Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đã bước sang tuổi thứ 4 và  được đánh giá ngày càng chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn. Theo ông, những kết quả khả quan từ giải thưởng đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển của văn học nghệ thuật cho thiếu nhi hiện nay?

- Sau 4 năm tổ chức, Dế Mèn ngày càng cho thấy rõ được sự tác động và lan tỏa của mình vào đời sống văn học nghệ thuật cho thiếu nhi. Số lượng, chất lượng tác phẩm và người dự giả nói lên điều này. Cho đến nay có thể khẳng định Dế Mèn là một giải thưởng có sức hút, có độ lan tỏa.

Đặc biệt, những tác phẩm đoạt giải Dế Mèn qua các năm là những tác phẩm hiện nay đều khẳng định được giá trị của mình. Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Với riêng tôi, ở mùa giải năm ngoái, đến nay tôi vẫn nhớ mãi những truyện dài của Huy Thông với Cơ Bản là Cơ Bản, của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy với Đu đưa trên ngọn cây bàng, hay tác phẩm sách tranh của bộ đôi tác giả người Bỉ-Thụy Điển với Chiếc dép thất lạc.

Rõ ràng, các tác phẩm đoạt giải của Dế Mèn có dư âm, khiến người đọc thích thú. Thế rồi, năm nay cũng vậy, cũng sẽ có những tác phẩm mà chắc chắn có đời sống riêng của nó. Ở đây phải khẳng định văn học viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi vẫn luôn là sức hấp dẫn, là sự vẫy gọi. Cộng thêm, Dế Mèn còn hấp dẫn ở độ trẻ trung, tươi mới.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đã công bố kết quả và trao giải vào chiều 31/5 vừa qua. Tài trợ chính: Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải. Đồng tài trợ: Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH True Milk).

Trải qua 25 năm hình thành và phát triển với sứ mệnh mang lại giá trị cho khách hàng, đối tác, xã hội và phát triển kinh tế đất nước với tinh thần tận tâm phục vụ. Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) là Tập đoàn công nghiệp đa ngành, có các Tập đoàn thành viên hoạt động trong những lĩnh vực: Ô tô, nông nghiệp; cơ khí và CNHT; đầu tư và xây dựng; thương mại, dịch vụ và logistics, có tính bổ trợ, tích hợp cao trong từng Tập đoàn và giữa các Tập đoàn thành viên và THACO.

Công Bắc (Thực hiện)

Link gốc: TTVH