Dễ thương như 'Ngôi nhà trong mây'
Sau Giáng Hương và Lộ hàng, mới đây sân khấu kịch Thiên Đăng cho ra mắt vở Ngôi nhà trong mây (kịch bản: Hương Giang - Định Nguyên, đạo diễn: Tuấn Khôi) với màu sắc nhẹ nhàng và dễ thương vô cùng.
Đây là câu chuyện giản dị về ước mơ của cô Tươi (Hương Giang thủ vai), chủ quán bún sứa ở một vùng duyên hải miền Trung.
1. Tươi đã ngót nghét tuổi "băm" vẫn chưa dám nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình, vì trách nhiệm nuôi em trai ăn học thành tài. Cô còn âm thầm dành dụm tiền để mua một căn nhà làm chốn đi về, cho người cha lang bạt sum họp với gia đình. Nhưng ngôi nhà mơ ước ấy vẫn cứ mãi là "ngôi nhà trong mây", khi những mâu thuẫn và thiếu sự thấu hiểu cứ đẩy người ta rời xa nhau.
Nội dung vở kịch chỉ đơn giản như vậy, không ly kỳ hồi hộp, không phức tạp sâu xa, cũng không có những tình tiết quá bất ngờ, nhưng lại hấp dẫn đến lạ. Bởi kịch đời quá, gần gũi quá, cứ như ta đã từng thấy ở đâu đó xung quanh hoặc trong chính cuộc sống của mình.
Ngôi nhà trong mây vẫn có những xung đột, những nỗi niềm, nhưng không bị cường điệu hóa trở thành gay gắt, hoặc sầu thảm. Tươi và em trai là Khang (Trường Thịnh) vẫn có những tranh cãi về ước mơ hoặc phương hướng trong cuộc sống. Nhưng cãi nhau rồi thôi, ngày hôm sau vẫn tươi cười nói chuyện với nhau, vẫn thương yêu chăm sóc nhau bởi hai chữ "gia đình".
Ngay cả trong cách khắc họa ước mơ của các nhân vật, vở diễn cũng cho thấy một cái nhìn dịu dàng và bao dung. Tươi hiểu cha mình, ngoài cái sự lơ là đáng trách, còn có cả những mặc cảm, tự ti của một người đàn ông bất đắc chí vì không gặp thời. Và những người khác đối với Tươi cũng vậy, họ khuyên cô hãy nghĩ cho chính mình, nhưng không hề phán xét ước mơ của cô.
Dường như thông điệp của vở kịch không phải là đúng hoặc sai, mà chỉ là cảm nhận nơi trái tim của từng khán giả. Phải chăng, chính sự thông cảm và thấu hiểu mới giúp con người xích lại gần nhau, hóa giải những gút mắc cho nhau và cho chính mình, để tạo nên một cái kết có hậu?
2. Đã lâu rồi Hương Giang mởi lại đảm nhận vai đào chính trên sân khấu kịch, thế nhưng vai diễn của cô đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Cô diễn đa dạng sắc màu với nhiều cung bậc cảm xúc, đầy đặn mà không quá lố, vừa đủ một cách tinh tế. Chính vì vậy mà rất "đời", bởi một người phụ nữ mạnh mẽ như Tươi khi buồn khổ cũng không trở thành bi lụy, không dằn vặt chính mình lẫn những người mình yêu thương. Thậm chí cô Tươi của Hương Giang còn có không ít những miếng hài tỉnh rụi, rất "tươi", khiến người xem phải bật cười thú vị.
Thêm một phát hiện bất ngờ là Lương Thế Thành, trong vai anh Vui - chủ trại hòm - si tình cô Tươi với lịch sử 30 lần tỏ tình. Chàng kép đẹp vốn quen thuộc với khán giả trong những vai chính kịch bỗng có một vai hài cực kỳ duyên dáng. Xuất hiện với tóc mái ngố và ngoại hình lém lỉnh, anh liên tục chọc cười khán giả bằng ngôn ngữ hình thể linh hoạt cùng những câu thoại "vô duyên" khó đỡ, làm bùng nổ khán phòng. Vô duyên mà lại rất có duyên, hài hước tưng bừng, nhưng không ồn ào, Lương Thế Thành đã tạo nên một dấu ấn mới trong diễn xuất của mình.
Bên cạnh đó, bộ ba nghệ sĩ Hữu Châu, Phương Dung, Phi Phụng tiếp tục thể hiện phong độ biểu diễn lão luyện, đầy ấn tượng. Một người nghệ sĩ già lang bạt với niềm đam mê hát bội, luôn đau đáu lựa chọn giữa nghệ thuật và gia đình. Một người phụ nữ nặng tình nặng nghĩa, cảm cái ơn tri ngộ mà thầm lặng hy sinh suốt mấy chục năm. Hoặc một cô tiểu thư nhà giàu phải hy sinh tình riêng để gìn giữ sự nghiệp gắn liền với sinh kế của hàng trăm con người. Thời lượng xuất hiện không nhiều, nhưng cả ba vẫn kịp khiến người xem cảm động với số phận của từng nhân vật, góp phần tạo nên bức tranh tổng thể thấm đẫm tình người.
Không thể không nhắc đến những gương mặt trẻ như Huy Tứ, Quyên Quy, Trường Thịnh, Mạnh Hùng, Nhân Tâm, Công Dũng, Sơn Giang, Huy An. Họ đều làm tròn nhiệm vụ của mình với lối diễn hài hòa, nhịp nhàng, đúng với phong cách mà đạo diễn Tuấn Khôi định hướng. Đó là ngôn ngữ kịch nhẹ nhàng, tươi tắn, cảm động, hài hước một cách chừng mực. Vì vậy mà, Ngôi nhà trong mây đầy tính giải trí, thư giãn, nhưng vẫn chạm đến trái tim khán giả bởi cái sự dễ thương, trẻ trung. "Nơi nào có đủ gia đình, nơi đó gọi là nhà", đơn giản vậy thôi, mà thấm, mà thương.