Nhạc sĩ Thảo Linh: 'Âm nhạc như người bạn thủy chung'
Ca khúc Những lá thuyền ước mơ dành cho lứa tuổi thiếu nhi đã liên tục được các ca sĩ nhí ghi âm, thu hình từ lúc tác phẩm được ra đời. Trong khoảng 40 năm đến với công chúng, ca khúc này còn nổi tiếng hơn cả "cha đẻ" của nó - nhạc sĩ Thảo Linh. Anh cũng là người không thích nói nhiều về mình.
Đã nhiều lần Những lá thuyền ước mơ được đưa vào sách giáo khoa, như sách Âm nhạc và mỹ thuật 6 của NXB Giáo dục, gần đây là Âm nhạc 6, bộ Cánh diều.
Một cảm xúc thuần khiết dành cho trẻ em
Thật thú vị khi các em học sinh được học hát và phân tích nhạc lý của một ca khúc rất quen thuộc như Những lá thuyền ước mơ. Giai điệu trong trẻo, yên vui và ca từ khơi gợi tính đoàn kết, yêu thương nhau nên đã rất dễ chạm đến trái tim người nghe.
Nhạc sĩ Thảo Linh kể rằng anh viết ca khúc này bằng một cảm xúc rất dễ thương. Đó là một buổi sáng năm 1982, anh đến nhà bạn rủ đi uống cà phê. Trong lúc đợi anh bạn lên thay quần áo, đứa cháu của người bạn ấy đã sà vào lòng anh ngồi chơi. Một lúc sau, cậu bé đứng dậy nhặt những bông hoa giấy rơi trên bãi cỏ, thả vào thau nước và nói với anh: "Con thả những chiếc thuyền trôi". Giây phút êm đềm cùng người bạn nhỏ và hình ảnh cậu bé thả thuyền quá dễ thương khiến anh viết ca khúc Những lá thuyền ước mơ ngay trong đêm hôm đó.
Bài hát có 2 đoạn đơn, tiết điệu đơn giản, gợi lên hình ảnh những chiếc lá theo gió dập dềnh sóng nước, giai điệu diễn tiến trong quãng 8 âm giai tự nhiên, phù hợp với quãng giọng thiếu nhi.
Vì lời bài hát rất phù hợp với một cuộc thi sáng tác vì trẻ em hòa bình thế giới nên anh đã gửi đến hưởng ứng cuộc thi này, được đăng trên báo Nhi đồng. Lời ca trong sáng khơi gợi tinh thần hòa ái, nâng niu trẻ thơ và nuôi dưỡng những ước mơ tốt đẹp với các bạn nhỏ khiến cho bài hát ra đời đã hơn 40 năm không bị quên lãng. Một thế hệ ca sĩ nhí rất dễ thương, "nổi đình nổi đám" thập niên 1990 của TP.HCM như Diễm Quyên, Ngọc Linh… thể hiện rất thành công ca khúc này. Ca sĩ Thanh Thảo cũng đã trình bày và hiện nay các bé sinh hoạt trong các nhà thiếu nhi vẫn dựng các tiết mục Những lá thuyền ước mơ để tham gia các chương trình văn nghệ.
Nhạc sĩ Thảo Linh không có nhiều sáng tác cho thiếu nhi nhưng trong số ít ấy luôn được viết bằng những cảm xúc thuần khiết nhất của anh với ca từ và khuôn nhạc dành cho trẻ. Vì thế, ngoài Những lá thuyền ước mơ, các ca khúc thiếu nhi khác của anh như Gọi trâu, Bé tô màu, Chơi đu quay... đã là một phần ký ức đẹp trong tuổi thơ của nhiều người. Các ca khúc này cũng đã được in ở khá nhiều sách nhạc, được dạy cả trong và ngoài chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thảo Linh sinh năm 1962 tại Hà Nội. Ông sinh sống, học tập và làm việc tại TP.HCM từ năm 1975 đến nay. Ông là biên tập viên của Đài Truyền hình TP.HCM, đến nay đã nghỉ hưu.
"Tôi chẳng học hành bài bản"
Ca khúc Những lá thuyền ước mơ được Thảo Linh viết khi anh còn là sinh viên Đại học Tổng hợp TP.HCM. Đây được xem là ca khúc đầu tay của anh đến với khán giả. Xuất thân là con nhà nòi, ba là nhạc sĩ Nguyễn Lang, mẹ là nhạc sĩ - nhà thơ Trương Tuyết Mai, nhưng Thảo Linh không chọn âm nhạc làm con đường. Anh sáng tác nhạc bằng kiến thức được học từ ba mình - là giảng viên Nhạc viện TP.HCM.
"Hồi ấy, ba mẹ cũng định hướng cho tôi học nhạc nhưng tôi không mê, chỉ thích đi đá bóng thôi. Kiến thức âm nhạc thì có tí chút ký xướng âm cơ bản do ba dạy và học trong trường phổ thông nhưng chẳng chuyên chú gì, vậy mà ngấm vào mình hồi nào không hay. Chắc vì có tí gien" - anh kể trong giọng cười vui.
Với những bài ký xướng âm đã được học, anh kịp ghi lại khi những cảm xúc trong anh vang lên giai điệu. Thảo Linh kể lại khi nhớ về ký ức vui của gia đình mình: "Năm học lớp 12, khi chia tay cuối cấp bạn bè thường viết lưu bút, thay vì vậy tôi viết một số ca khúc tặng các bạn. Khi tôi đưa ba mẹ nghe thử các sáng tác của mình, ba mẹ hay bảo tôi chịu ảnh hưởng của nhạc tiền chiến nên tôi giận, giấu luôn không khoe nữa. Vì vậy, tôi đã viết bài Những lá thuyền ước mơ trong âm thầm. Khi nó được thu âm, phát sóng trên đài truyền thanh và truyền hình, ba mẹ tôi mới bật cười bảo rằng, "trong nhà chưa tỏ mà ngoài ngỏ đã tường".
Hai bậc phụ huynh dặn anh, nếu muốn sáng tác thì tìm hiểu, học hỏi và rèn luyện thêm. Những sáng tác sau đó, nhạc sĩ Thảo Linh thường trao đổi với ba mình và lần nào cũng nhận được những góp ý quý giá. Giai đoạn sau, anh viết nhạc với kỹ thuật chuyên nghiệp hơn nhưng bao giờ cũng viết từ những cảm xúc ngẫu hứng vì chưa bao giờ có tham vọng lấy âm nhạc làm sự nghiệp cho mình.
"... và viết rất chậm"
"Viết rất chậm, mỗi năm chỉ viết được vài ba bài" là cách Thảo Linh nói về mình trong sáng tác. Như nói ở trên, anh không dùng âm nhạc để chứng tỏ năng lực hoặc giá trị của mình và cũng không mê tham gia các cuộc thi, nên chẳng có gì vội vã. Anh viết một cách ngẫu hứng, có khi viết xong để đó vì không hài lòng, mãi lâu sau mới đem ra sửa lại để hoàn thiện và ngược lại, có những ca khúc anh viết xong rất nhanh. Đấy có vẻ chẳng phải là cách viết chuyên nghiệp, nhưng với anh, khi viết một tác phẩm âm nhạc như đang chơi một trò chơi vui, đặt "deadline" để làm gì.
Anh chia sẻ: "Có ca khúc vừa ra đời đã được đón nhận, nhưng có bài mãi vẫn không có điều kiện đến với công chúng. Cảm thấy một tác phẩm hay hoặc dở là tùy mỗi người, nhưng tôi luôn sáng tác hết lòng với cảm xúc đẹp nhất, không đem đến cho người nghe sự hỗn tạp".
Khi được hỏi về bản thân, Thảo Linh không bao giờ nói về những tính từ gây cảm giác mạnh hoặc có tính tuyên ngôn. Anh kể về hành trình của mình với âm nhạc một cách giản dị, một hành trang như "chẳng có gì", vậy nhưng cũng đã để lại ấn tượng cho khán giả với những ca khúc như Duyên dáng bầu trời Hà Nội, Lá thư Tây nguyên, Phố mây...
Là con của 2 nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng tìm thông tin về Thảo Linh trên Internet có rất ít, anh chẳng khi nào mượn tên tuổi của ba mẹ để nói về mình. Cách anh nói về lý do mình học ngành ngữ văn và về Đài Truyền hình TP.HCM làm việc cũng thế: "Tôi thấy mình học được các môn xã hội và nghệ thuật nên thi vào ngành ngữ văn cho an toàn. Ra trường, đi chu du một thời gian, làm việc cho một công ty. Khi công ty này giảm nhân sự, tôi bị cắt giảm. Sau đó, tôi thấy mẩu tin tuyển dụng của đài truyền hình nên nộp đơn ứng tuyển và được chọn, rồi làm biên tập phim ở đó suốt 30 năm cho tới khi về hưu".
Hơn 60 năm cuộc đời được anh "tóm lại" như vậy, không có một kế hoạch gì cụ thể hoặc lớn lao cho từng giai đoạn, mọi chuyện cứ tự nhiên mà đến, cả bút danh Thảo Linh của anh cũng không có "ý đồ" gì. Khi gửi bài hát đi thu âm, anh ký tên Nguyễn Thao Giang - tên khai sinh - người bạn góp ý nên đổi tên, vì đã có nghệ sĩ Nguyễn Thao Giang chơi đàn nhị rất nổi tiếng. Anh liền ghép tên 2 người em ruột của mình là Thảo Hương và Linh Giang thành Thảo Linh, như một món quà cho các em. "Ai dè tôi gắn chặt với cái tên Thảo Linh, nhiều khán giả khi nghe tên nhạc sĩ toàn tưởng là con gái, đến khi thấy tôi mới vỡ lẽ" - anh cười lớn khi nhắc tên của mình.
Hồi còn là biên tập viên của Đài HTV, Thảo Linh vẫn làm việc và xem sáng tác là một cõi riêng của mình. Bây giờ đã về hưu, anh vẫn theo đuổi việc sáng tác. Khi một bài hát đã được viết xong, nếu gặp dịp thuận tiện thì sẽ có người dựng, còn nếu không thì cất đó để phổ biến khi phù hợp, vì kinh phí hạn hẹp, nên không thể tự thu âm, tự xây dựng một kênh riêng của mình. "Điều này có hạn chế là tác phẩm chậm đến với khán giả, nhưng có điều thuận tiện là dù ít thì đó vẫn là tác phẩm của mình, không làm mọi cách để nó đến với người nghe trong sự hào nhoáng, xô bồ". Cũng dễ hiểu tâm sự này, vì nó đúng với tính cách của anh.
"Với tôi, âm nhạc như người bạn thủy chung và mỗi tác phẩm là một cảm xúc chân thành. Tôi và âm nhạc gắn bó bằng một tình cảm không vụ lợi. Mỗi tác phẩm tôi sinh ra đều có số phận khác nhau" - nhạc sĩ Thảo Linh.