Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Hổ và hươu trong tâm linh Đông Sơn
Năm 2010, tôi nhận được lời mời tham dự Đại hội Khảo cổ học Thế giới lần thứ 7, trong tiểu ban Không gian huyền thoại và Những linh thú liên quan. Tôi đã chọn chủ đề "Núi Tản Viên và hươu", dựa trên việc sử chép đời Lý bắt được hươu trắng trên núi Tản - thực tế là đưa quan hệ núi thiêng và thú thiêng xa hơn nữa về tận thời văn hóa Đông Sơn, thời Văn Lang, Âu Lạc.
1. Quả là câu chuyện hươu nai trở thành thú thiêng trong văn hóa Đông Sơn đã được các học giả trên thế giới quan tâm từ lâu. Cuối thế kỷ 19, khi quan sát hình trang trí trên trống đồng Moliere (còn gọi là trống Sông Đà) trưng bày tại hội chợ Đấu Xảo 1889 tại Paris, Frank Heger, tác giả cuốn Alte Metal Tromeln aus Sued-Ost Asie (Trống kim loại cổ ở Đông Nam Á) xuất bản 1902 tại Leipzig (Đức) đã đặc biệt chú ý đến băng hươu trên mặt trống và cho rằng đây là một linh thú của chủ nhân trống đồng cổ. Đây cũng là chiếc trống duy nhất được ông khảo tả trong cuốn sách nổi tiếng kể trên của mình.
Quả như nhận định rất nhậy bén của ông, sau này chúng ta phát hiện hàng loạt trống, thạp, dụng cụ, vũ khí Đông Sơn lấy hươu làm chủ đề trang trí chính. Cho đến nay tôi đã gom được trên 200 tiêu bản hình hươu nai trang trí trên đồ đồng, sơn then Đông Sơn.
Vị trí phổ biến của hươu nai trên đồ đồng Đông Sơn là trên mặt và thân trống, thạp, âu đồng nghi lễ. Sau đó rất ổn định trên loại rìu chiến hình mũi hài (cảnh thuyền người và chó săn hươu) và rải rác trên rìu chiến lưỡi xéo kiểu sông Mã, qua, giáo. Đặc biệt ở vùng văn hóa Đông Sơn miền núi Thanh Nghệ có một loại bầu đựng dầu kiêm chân đèn bằng đồng rất ưa chuông mô phỏng hình hươu sao.
Trong những con hươu thuộc nhóm đồ đồng Đông Sơn Tây Âu xuất hiện những hươu thần có cánh, tiêu biểu nhất là chiếc thạp phát hiện ở bờ sông đối diện Đền Cuông (Yên Bái) và chiếc thạp trong mộ thân cây khoét rỗng Đông Sơn phát hiện ở Phú Xuyên (Hà Nội). Điều này càng củng cố việc coi hươu như một thú thiêng thời Đông Sơn là có cơ sở.
Tư duy Đông Sơn chọn hươu là một thú thiêng cũng gần gũi với tư duy nguyên thủy của nhiều dân tộc trên thế giới. Trong thế giới tự nhiên, huơu nai đại diện cho loài thú ăn cỏ lớn, hiền lành và dễ bị tổn thương nhất. Sống bầy đàn, ngoài thính giác đặc biệt nhạy cảm và khả năng chạy nhảy siêu phàm, chúng không có cách nào để chống lại các loài thú ăn thịt như hổ, báo, chó sói… Đối với con người, chúng không gây hại lớn và cũng là nguồn thức ăn quý giá.
Trên một thạp đồng Đông Sơn thuộc Sưu tập CQK (California, Mỹ), ta bắt gặp cảnh hai người thợ săn khiêng một con hươu vừa săn được. Việc kiêng kỵ săn bắt ăn thịt hươu nai không có, tuy nhiên, hẳn có những quy ước dành cho loài thú thiêng này. Nhiều dân tộc sống nhờ nguồn thức ăn rừng vẫn truyền nhau quy ước không săn bắt hươu cái có chửa và kiêng săn bắt hươu nói chung trong mùa sinh sản (mùa Xuân).
Biểu trưng thú thiêng phổ biến nhất về hươu nai khi chúng được chọn là thứ chuyên chở may mắn, hạnh phúc đến cho mọi người gắn với chiếc xe mong đợi của thánh Nicolas trong mùa lễ Giáng Sinh. Trong thế giới phương Đông thì hươu sao luôn đồng hành với thế giới Tiên, Phật.
Trong một hội nghị quốc tế năm 1957 chuyên đề về văn hóa Sở và ảnh hưởng của nó đến các vùng trên thế giới, có nhà khoa học đã gợi ý mối quan hệ qua lại giữa tâm linh coi hươu như thú thiêng trong văn hóa Đông Sơn với sự trân trọng đến mức thần thành hóa hươu trong văn hóa Sở. Quả là có nhiều mối tương quan giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sở mà chúng ta có thể bàn kỹ hơn trong một dịp khác.
2. Đối nghịch trong tự nhiên như một cặp bài trùng với huơu nai chính là loài ăn thịt hung dữ bậc nhất: hổ, báo.
Trong nghệ thuật Điền (nền văn hóa đồng thau, ngang thời với Đông Sơn, ở Vân Nam, Trung Quốc) thì sự tương phản này rất rõ rệt và gay gắt trở thành một trong những chủ đề nghệ thuật chính. Tuy nhiên, trong văn hóa Đông Sơn sự đối lập này khá mờ nhạt. Duy nhất trường hợp trên nắp thạp Vạn Thắng, chúng ta gặp cảnh bốn con hổ đang vồ và ngoạm lợn. Trong khoảng gần 30 tiêu bản liên quan đến hổ mà chúng tôi thu lượm được trong nghệ thuật Đông Sơn thì chúng đều thấy chúng ở tư thế hiền hòa, phục dịch con người.
Hổ Đông Sơn hiếm khi được mô tả nhe nanh khoe vuốt. Trên những qua đồng, rìu chiến hay băng trang trí trên thân thạp, bình đồng Đông Sơn chúng ta thấy những chú hổ vằn đi lại hiền hòa giữa những thú khác như hươu, chó, cá sấu (qua đồng Núi Voi trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; rìu đồng trong Sưu tập Mai Sĩ Tất Thắng, TP HCM; rìu đồng, Sưu tập Bảo tàng Guimet, Paris, Pháp; thạp đồng Đông Cuông, Bảo tàng Yên Bái; thạp đồng, Sưu tập CQK, California, Mỹ…).
Một kiểu trang trí cán dao găm đồng thường thấy ở vùng văn hóa Đông Sơn làng Vạc (sông Hiếu, Nghệ An) là dùng đôi hổ đỡ voi mang bành hay chở người. Gần đây nhất, thợ máy đào đất ở Bắc Cường (thành phố Lào Cai) đã múc ra hàng chục đồ đồng tùy táng có giá trị trong một ngôi mộ quý tộc Tây Âu, trong đó có một thân hổ vằn dài gần 1m rộng gần 30cm có thếp vàng, dùng làm chân cho một cây đèn dầu lớn.
Cũng khu mộ này, người dân còn phát hiện một chuông đồng lớn, tay cầm đúc hình hổ rất giống dạng chuông phát hiện thuộc văn hóa Ba Thục. Thanh kiếm ngắn niên đại Đông Sơn sớm (hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Phạm Huy Thông) đào được ở Phú Thọ có tay cầm đúc nổi khảm đá quý hình hai con hổ ở hai mặt đối diện của tay cầm. Mối liên hệ giữa văn hóa Đông Sơn với các yếu tố văn hóa Ba Thục đã được nhiều nhà khoa học nước ta đề cập đến từ lâu và tín ngưỡng coi hổ là một loài thú thiêng đáng được quan tâm ở cả hai nền văn hóa Bách Việt này.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Hổ đã trở thành một loài thú thiêng trong văn hóa Đông Sơn. Nhưng có lẽ cũng như việc tôn thờ "ông Ba Mươi" trong tín ngưỡng cổ truyền của một số dân tộc sống trên đất nước ta, thú thiêng hổ từ thời Đông Sơn đã không được nhấn mạnh khía cạnh hung dữ gây hại, mà trái lại như một thế lực tự nhiên giúp trấn an, trừ hại cho con người. Hình ảnh hổ khoan thai đi cùng đàn hươu nai mà không gây cho chúng sợ hãi thấy trên thân một số đồ đựng đồng Đông Sơn đã phản ánh nét tâm linh độc đáo của cư dân Đông Sơn đối với con vật hung dữ này.
Tôi xin tạm dừng ở đây. Hẹn các bạn ở thứ năm tuần sau đến với những thú thiêng Đông Sơn khác nữa.
"Cũng như việc tôn thờ "ông Ba Mươi" trong tín ngưỡng cổ truyền của một số dân tộc sống trên đất nước ta, Thú thiêng hổ từ thời Đông Sơn đã không được nhấn mạnh khía cạnh hung dữ gây hại, mà trái lại như một thế lực tự nhiên giúp trấn an, trừ hại cho con người" - TS Nguyễn Việt.