Lời cảnh tỉnh từ 'Ái tình ngoài hôn nhân'
Hôn nhân là kết quả của tình yêu, nhưng nó chỉ là nơi bắt đầu của một chặng đường dài phía trước. Mà ở đó, nếu người ta không đủ bao dung, thấu hiểu và kiên định, thì sẽ phải bỏ cuộc đầy đau đớn, như cách vở diễn mới Ái tình ngoài hôn nhân (tác giả: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSƯT Mỹ Uyên - Quốc Thịnh) của Kịch 5B đã đặt ra.
1. Câu chuyện của Ái tình ngoài hôn nhân không hề xa lạ, người xem có thể bắt gặp nó ngoài kia hàng ngày, như một thứ vấn nạn của cuộc sống đô thị. Guồng quay của bao nhiêu là công việc, bao nhiêu mối quan hệ tất bật cứ cuốn người ta đi, để rồi bào mòn những thứ được gọi là hạnh phúc.
Từ bao giờ mà bữa cơm gia đình chỉ còn là sự chờ đợi, là sự phiền toái mà người ta không muốn tiếp nhận để rồi mong rằng nó "bớt đi thì cũng tốt". Những lời thăm hỏi, những cuộc gọi cứ ngày một thưa dần và đến một lúc nào đó, người ta còn không biết người bạn đời mình đang làm gì, ở đâu, hoặc… người ta cũng chẳng còn muốn biết.
Đô thị tấp nập, con người chen chúc nhau trên từng tấc vuông, nhưng mạnh ai nấy sống và cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, cô đơn giữa những người thân thuộc.
Để đến một lúc nào đó, người ta sẽ giật mình vùng dậy đặt câu hỏi cho những thiên chức, bổn phận, trách nhiệm mình đang làm mỗi ngày. Vì ai? Vì cái gì? Có xứng đáng hay không? Đây cũng là lúc chủ nghĩa cá nhân lên ngôi,người ta được khuyến khích quay về yêu thương chính mình. Nhưng hãy cẩn thận, khi cái tôi được cưng chiều quá mức nó sẽ dễ vượt ranh giới trở thành vị kỷ.
Như bà Ngọc (NSƯT Mỹ Uyên), một người phụ nữ kiểu mẫu của gia đình, trừ công việc cơ bản thì gần như toàn bộ thời gian bà đều dành để chăm sóc chồng con, chu đáo từ miếng ăn đến từng chiếc áo sạch sẽ, phẳng phiu. Để rồi sau những thất vọng cùng cực, bà bỗng thay đổi 180 độ, sẵn sàng phá bỏ mọi chuẩn mực mà mình từng tôn thờ,thả cương cho con ngựa bản năng chạy theo thứ mà bà cho là tự do.
Bà Ngọc tượng trưng cho cả 2 hình mẫu phụ nữ cực đoan rất phổ biến trong xã hội. Một thì mài mòn bản thân trong góc bếp, trở nên nhàm chán, cũ kỹ đến không thể thích ứng với thời đại. Một dạng khác là "nữ cường", thành công ngoài xã hội, nhưng chối bỏ mọi giá trị truyền thống, sống buông thả theo những ham muốn tầm thường.
Dường như con người ta cứ loay hoay giữa cũ và mới, giữa quy chuẩn và tự do, để rồi điểm cuối ở mỗi con đường đều là cái kết cay đắng.
2. Phải chăng lời giải cho cuộc sống hôn nhân muôn vàn trắc trở chính là ông Đồng Hồ đầy ước lệ và có phần huyền ảo trong vở diễn? Hình ảnh đồng hồ là chi tiết ẩn dụ nhắc nhở con người về thời gian và sự sắp xếp. Thời gian cho công việc, thời gian cho gia đình và cho chính mình đều cần được cân bằng.
Mỗi người phải hiểu được cách tôn trọng thời gian riêng của đối phương và trân trọng thời gian chung của nhau. Hoặc một cách hiểu khác, người ta đừng nên để cuộc sống hôn nhân trở thành một chuỗi những điều hiển nhiên đến nhàm chán. Giống như người chồng và 2 con của bà Ngọc, chỉ biết nhận lấy mà không hề biết quý trọng những gì mà bà đã dày công vun vén cho gia đình. Để đến khi mất đi, họ mới bàng hoàng nhận ra nhưng đã muộn.
Mà không chỉ các nhân vật kịch, hẳn nhiều khán giả khi xem sẽ phải giật mình tự hỏi "Đã bao lâu rồi mình không cảm ơn vì một bữa cơm gia đình", "Những chiếc áo, đôi giày sạch sẽ kia là do ai đã chăm chút", hoặc "Thật đáng yêu khi dù rất bận nhưng vẫn dành thời gian bên cạnh mình"… Vậy đó, những điều nhỏ nhặt thôi, nhưng nếu biết nhìn, cảm nhận và biết ơn, tự nhiên cuộc sống hôn nhân sẽ trở nên mới mẻ, đẹp đẽ hơn rất nhiều.
Bên cạnh NSƯT Mỹ Uyên xuất sắc trong vai bà Ngọc, với nhiều cung bậc cảm xúc ở cả 2 con người đối lập mạnh mẽ, Ái tình ngoài hôn nhân còn có diễn xuất chắc tay của dàn diễn viên giàu kinh nghiệm như NSƯT Hạnh Thúy, Quốc Thịnh… góp phần làm nên một vở diễn chỉn chu và đáng suy ngẫm.