Cảnh báo nguy cơ từ tình trạng học sinh tự chế pháo nổ dịp Tết

Thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, khoảng 1 tháng qua, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 32 vụ việc, vụ án liên quan đến pháo, thu giữ hơn 130 kg pháo các loại và trên 12 kg thuốc pháo... 

Điều đáng nói, nhiều trường hợp là học sinh từ 12 đến 16 tuổi có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo tự chế. Các em mua nguyên liệu và tự chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng internet; ngoài mục đích đốt cho vui, nhiều trường hợp còn chế tạo số lượng lượng lớn để bán kiếm lời. 

Điển hình như trường hợp của 3 em: T.H.T và  L.N.T.T (cùng sinh năm 2008), P.V.Q (sinh năm 2007) đều là học sinh của một trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Trong quá trình đi bán pháo, các em bị lực lượng chức năng bắt quả tang, thu giữ 216 quả pháo tự chế với khối lượng 18,5 kg cùng 91 vỏ quả pháo và các nguyên liệu, vật dụng chế tạo pháo...

Cảnh báo nhiều nguy cơ từ tình trạng học sinh tự chế pháo nổ dịp Tết - Ảnh 1.

Tang vật một vụ thu giữ pháo nổ. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Cùng với nguy cơ về mất an ninh, trật tự, việc trẻ vị thành niên tự chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng đã dẫn tới nhiều trường hợp tai nạn do pháo tự chế. Ngay trong những ngày đầu năm 2023, em D.Q.T (14 tuổi), trú tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đặt mua nguyên liệu làm pháo qua sàn thương mại điện tử, sau đó đem về dùng cối giã tay để nghiền thuốc và chế tạo pháo. 

Bất ngờ thuốc pháo phát nổ khiến em bị bỏng độ 3 cả hai bàn tay và vùng mặt và phải cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Em T cho biết: Em xem cách chế tạo pháo trên mạng, đặt mua các nguyên liệu sau đó rủ hai bạn cùng nhau làm. Trong quá trình làm có cho thuốc vào cối để giã, đang giã thì lửa bùng lên làm em bị bỏng. Cùng tham gia chế tạo pháo với D.Q.T, em L.V.H cũng ở xã La Hiên cũng đang phải điều trị ở phòng kế bên với bàn tay phải bị dập nát, bỏng và tổn thương phần mềm vùng hàm, mặt. 

Theo các bác sĩ, chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất của quả pháo, nếu pháo có khói gây cháy có thể dẫn đến tổn thương bỏng, ngộ độc khói, bỏng hô hấp; pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da; hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân... và thường để lại nhiều di chứng về thẩm mỹ, thậm chí có những bộ phận vĩnh viễn không thể phục hồi như tổn thương về mắt, tay chân phải phẫu thuật, cắt bỏ.

Bác sĩ Hoàng Văn Dung, Trưởng khoa Chấn thương - chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết thêm: Tình trạng bệnh nhân bị chấn thương do pháo nổ gây ra trong dịp Tết năm nay đã tăng đột biến, trong đó lứa tuổi học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông có hơn 20 trường hợp nhập viện điều trị tổn thương do sản xuất và đốt pháo nổ gây ra...

Hiện nay, không khó để tìm các video dạy cách tự chế pháo, thuốc nổ qua mạng internet. Chỉ cần gõ từ khóa "cách làm pháo" hoặc "làm pháo", hàng loạt video hướng dẫn cách làm các loại pháo khác nhau được đề xuất. Các loại nguyên liệu có thể dễ dàng tìm mua riêng lẻ tại các cửa hàng hoặc trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, trang thương mại điện tử với giá rất rẻ, chỉ từ 20 nghìn đồng. Trên một số trang thương mại điện tử, nguyên liệu chế pháo được bán theo combo, nhưng lại "ẩn danh" dưới dạng phân bón. Các loại dây cháy chậm, vỏ pháo... cũng không khó để tìm mua trên mạng. Công thức có sẵn trên mạng, cách làm đơn giản, nguyên liệu rẻ, dễ tìm… được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều bạn trẻ tò mò, ham vui đã tự chế pháo nổ tại nhà mà không nghĩ đến sự nguy hiểm và hậu quả của việc làm này.

Theo Thiếu tá Lê Văn Lượng, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy - Công an huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, vừa qua, đơn vị vừa đấu tranh triệt phá chuyên án “Sản xuất, mua bán và tàng trữ trái phép hàng cấm” là pháo nổ, với 13 đối tượng có liên quan, thu giữ hơn 40 kg pháo, hàng trăm kg vật liệu và tiền chất để chế tạo pháo. Đáng chú ý, trong số đó có 4 học sinh trung học cơ sở; các em tự chế những quả pháo đại cỡ lớn với cân nặng đến 2 kg, đường kính hơn 10 cm. Việc tự chế pháo nổ đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng; mức nhẹ có thể bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, còn nặng hơn sẽ bị xử lý hình sự. Tuy vậy, những hậu quả khủng khiếp do tai nạn trong quá trình sản xuất, tàng trữ và sử dụng pháo nổ gây ra thì khó mà khắc phục được.

Trước thực tế này, cộng đồng, nhà trường và nhất là các gia đình cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, giám sát con em mình để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do tự chế tạo và sử dụng pháo nổ. Cùng với đó, lực lượng chức năng cần tăng cường rà soát, xử lý những nội dung xấu độc trong đó có các hướng dẫn tự chế tạo pháo nổ trên không gian mạng, góp phần hạn chế tình trạng tự chế tạo, sản xuất pháo nổ.

Hoàng Nguyên - Dũng Minh/TTXVN

Link gốc: TTVH