100 năm ngày sinh nhà thơ Đặng Đình Hưng - NSND Đặng Thái Sơn: 'Dù khiêm tốn trong đời nhưng vẫn phải có cái 'kiêu hãnh ngầm'

Hôm nay là vừa tròn 100 năm ngày sinh nhà thơ Đặng Đình Hưng (9/3/1924 - 9/3/2024) - một dấu mốc không chỉ có ý nghĩa với gia đình ông mà còn với cả những người yêu thơ ông. Từ Mỹ, NSND Đặng Thái Sơn - con trai ông - đã có những chia sẻ đặc biệt về cha với báo Thể thao và Văn hóa.

Nhà thơ Đặng Đình Hưng đã để lại cho đời 6 tác phẩm thơ chính, trong đó có 3 tập thơ (1958 - 1959, Lirik, Comik) và 3 bài thơ dài: Khóc Mỵ Châu; Bến lạ; Ô mai. Ngoài ra, ông còn có những sáng tác ca khúc và hơn 300 bức tranh vẽ trong sự nghiệp của mình. Năm 2021, cuộc tọa đàm ra mắt sách thơ và họa Đặng Đình Hưng - Một bến lạ diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp đã công bố hầu hết các tác phẩm quan trọng nhất của ông.

Làm thơ như cá gặp nước

* Mặc dù thơ là thể loại gắn liền với cuộc đời của nhà thơ Đặng Đình Hưng nhưng để nói về tài năng của cha mình, ông ngưỡng mộ cha nhất ở khía cạnh nào, thi ca, nhạc hay họa, thưa NSND Đặng Thái Sơn?

- Bố tôi chủ yếu sáng tác ca khúc vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp những năm 1950 còn hội họa thì là những trải nghiệm nghệ thuật của ông vào những năm cuối đời. Riêng với thơ, bố tôi gắn bó cả đời. Đó là bởi làm thơ với ông như cá gặp nước, được thỏa sức vùng vẫy bằng ngôn từ.

Công chúng có thể thấy hết cả "đỉnh" của nhà thơ Đặng Đình Hưng trong thơ ông, từ số lượng các tác phẩm lẫn ngôn ngữ, ý tưởng, sự đa dạng: lúc như văn xuôi, lúc lại buông thả có vài chữ (minimalism) đầy trừu tượng (abstract), biểu tượng (symbolism) đến tính chất vừa dân dã vừa hiện đại.

100 năm ngày sinh nhà thơ Đặng Đình Hưng - NSND Đặng Thái Sơn: 'Dù khiêm tốn trong đời nhưng vẫn phải có cái 'kiêu hãnh ngầm' - Ảnh 1.

Nhà thơ Đặng Đình Hưng

Tôi thích sự tối đơn giản, chỉ văng vẳng vài chữ, vài lời nhưng lại đầy ngụ ý trong thơ ông, có thể ví như âm nhạc của Mozart. Có lẽ vì ảnh hưởng bởi bố từ đó mà âm nhạc tôi yêu nhất, là sự tối giản chứa đựng vài nốt, như âm nhạc của Chopin, Schubert hay Mozart.

Đặc biệt tôi rất thích những ý tưởng miêu tả trong thơ ca của ông, tưởng như mâu thuẫn như… trèo lên cây khế để bắt cá chẳng hạn, nhưng sự miêu tả này thể hiện cái hay trong thơ của ông là tính chất siêu thực (surrealism), tựa như trong tranh của Marc Chagall. Thơ ông đầy tưởng tượng, ước vọng, giấc mơ, mà giấc mơ mấy khi là chân chất, hiện thực, chỉ là biểu tượng thôi!

* Vậy ngoài 6 tác phẩm thơ chính và hơn 300 bức tranh vẽ trong suốt cuộc đời, nhà thơ Đặng Đình Hưng còn những tác phẩm nghệ thuật nào chưa từng được công bố, thưa ông?

- Rất may là năm 2021, cuộc tọa đàm ra mắt sách thơ và họa Đặng Đình Hưng - Một bến lạ diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp đã công bố hầu hết các tác phẩm quan trọng nhất của ông. Tất nhiên, lác đác còn sót vài tác phẩm đã bị mất. Như tôi vẫn nhớ, thời mình còn niên thiếu, đã từng được thấy bài thơ tên Hồng (đủ các chữ hồng trong bài) của ông nhưng bây giờ gia đình tìm lại, không thấy đâu. Tranh cũng vậy, nhiều bức vẫn còn nhớ như in trong đầu mình mà giờ không tìm thấy được.

100 năm ngày sinh nhà thơ Đặng Đình Hưng - NSND Đặng Thái Sơn: 'Dù khiêm tốn trong đời nhưng vẫn phải có cái 'kiêu hãnh ngầm' - Ảnh 2.

Nhà thơ Đặng Đình Hưng và con trai Đặng Thái Sơn

* Trong cuộc trò chuyện này, cảm ơn ông đã chia sẻ cùng độc giả báo Thể thao và Văn hóa những dòng thư rất riêng tư của hai bố con ông. Chắc hẳn những lá thư cũng là nơi nơi cất giấu nhiều kỉ niệm?

- Bố tôi rất có ý thức giữ gìn tư liệu nên có những lá thư từ hồi tôi mới bập bẹ viết chữ, còn nguệch ngoạc mà bố vẫn giữ được cho tôi. Còn tôi giờ này mới thấy tiếc đứt ruột đứt gan vì thiếu ý thức mà không giữ được một số thứ.

Khi sang Nga học, việc liên lạc còn lạc hậu, nên lúc đó, tôi chỉ có thể nhờ cậy vào những đoàn từ Việt Nam sang Mátxcơva mà giữ liên lạc được với bố và gia đình bằng thư từ, đặc biệt là 3 năm trước cuộc thi Chopin 1980. Thế nên, mỗi lúc biết có thư sang, tôi vội vàng gác lại mọi việc, "phi như ngựa" ra chỗ lấy thư. Lúc đấy, những bức thư của bố ngoài chuyện tình cảm, là màu đen ảm đạm vì đó cũng là quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời của ông.

Khi gia đình tôi đầy đủ, cuộc sống của bố tôi tương đối ổn. Nhưng năm 1976 khi bố mẹ chia tay, cả hai đều bất ổn. Bố tôi sống khổ lắm, nên khi đoàn cầm thư về, tôi lại gửi thêm cái này, cái kia.

Sau 1980, cuộc sống khá lên nhiều, tôi cũng có điều kiện về nhiều hơn. Kỉ niệm quan trọng nhất là những lúc hai bố con một mình với nhau. Những lúc đấy, ông giảng giải sự đời cho mình, ghi dấu ấn trong đầu mình nhiều điều. Bố con tôi chỉ có thể thổ lộ hết những gì muốn nói khi gặp nhau.

"Ở vẻ bên ngoài, hai bố con tôi giống nhau ở cái chân mày sâu róm, đầu cũng hói cao (khi về già), con người thì mạnh mẽ nhưng tóc tai thì mềm mại" - NSND Đặng Thái Sơn.

Bố như con hổ giấy

* Có lẽ từ bé đến lớn, ông lúc nào cũng được nhắc cùng đến mẹ nhiều hơn. Bản thân ông cũng không có nhiều thời gian sống cùng bố, ở gần bố nhưng, như những gì ông từng chia sẻ thì bố mới là người ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng, lối sống của mình?

- Cũng khó nói, vì không thể nói mình mang ơn ai nhiều hơn. Những người mẹ luôn chăm sóc cho con mình những gì cụ thể, chi tiết trong khi bố thì tổng quát, hướng chính trong cuộc đời. Tôi cũng vậy, cộng thêm nghề nhạc mẹ truyền cho trực tiếp, dạy dỗ nên được nhắc với mẹ nhiều cũng là đương nhiên.

100 năm ngày sinh nhà thơ Đặng Đình Hưng - NSND Đặng Thái Sơn: 'Dù khiêm tốn trong đời nhưng vẫn phải có cái 'kiêu hãnh ngầm' - Ảnh 4.

Thư của nhà thơ Đặng Đình Hưng gửi cho con trai viết năm 1988

Còn về bố, có những thứ khó giải thích. Tôi nghĩ có lẽ do gen, bố nào con nấy, do trời sinh như vậy chứ không phải do mình được huấn thị mà thành. Có những việc, ông dạy bảo cho tôi rất cặn kẽ, như những người ngâm thơ, không chỉ nói chuyện đơn giản mà trầm bổng, có giai điệu như âm nhạc. Và bây giờ suy ngẫm lại, tôi thấy những gì cả bố và mẹ dạy cho mình, đều là phải coi trọng sự chân thành, chân thật và tình thương nhân loài. Còn trong lối sống, những gì dạy bảo của bố mẹ tựa như câu nói: "lúa chín cúi đầu".

Nói thêm thì ở vẻ bên ngoài, hai bố con giống nhau ở cái chân mày sâu róm, đầu cũng hói cao (khi về già), con người thì mạnh mẽ nhưng tóc tai thì mềm mại. Rồi bố con tôi còn giống nhau ở "cơn" thích, tức là thích cái gì là rất say mê nhưng xong rồi thôi. Mỗi lần nhắc đến sở thích này của hai bố con thì mẹ tôi lại cười khúc khích.

* Vậy còn điều gì là khác nhau?

- Giống nhau là thế nhưng nhiều người thân, bạn thân vẫn thường gọi bố tôi là con hổ giấy, vì ông "gầm gừ" thì to còn thật ra lại rất nhát. Nhưng tôi là người có độ lì hơn, "cứng đầu, cứng cổ" hơn bố - cái này chắc do gen má Liên (cười).

100 năm ngày sinh nhà thơ Đặng Đình Hưng - NSND Đặng Thái Sơn: 'Dù khiêm tốn trong đời nhưng vẫn phải có cái 'kiêu hãnh ngầm' - Ảnh 5.

Thư của NSND Đặng Thái Sơn viết cho bố năm 1967

* Người ta bảo, gọi ông là cha của Đặng Thái Sơn là cách nhận diện nhanh nhất cho nhà thơ Đặng Đình Hưng. Tôi muốn hỏi, nếu gọi nghệ sĩ Đặng Thái Sơn là con trai của nhà thơ Đặng Đình Hưng, sự nhận diện đấy khiến ông cảm thấy thế nào?

- Từ khi còn học phổ thông, tôi đã là loại "nghịch ngầm" nên với câu hỏi này, tôi nghĩ mình "kiêu ngầm"! Bố thường dạy tôi dù khiêm tốn trong đời nhưng vẫn phải có cái "kiêu hãnh ngầm". Và cũng chính bởi lời dặn dò này của bố, đã giúp tôi giành chiến thắng tại cuộc thi Chopin năm 1980. Năm đó, đi thi "đơn thương độc mã" nhưng bước lên sân khấu lòng tôi đầy kiêu hãnh.

* Nhìn lại cuộc đời của bố mình nhân dịp này, ông cảm thấy có điều gì muốn chia sẻ?

- Tôi nghĩ cuộc đời của bố mình dù có những điều cay đắng nhưng bố tôi được cái hậu vận. Trong thập niên cuối cùng của đời mình, ông cũng có điều kiện và sức khỏe để làm nghệ thuật - đó cũng là điều tôi mừng nhất.

Lúc còn sống, ông hay nói với tôi: trong âm nhạc, hay hội họa, khi các vĩ nhân mất đi, phải hàng thế kỉ sau người ta mới đánh giá đúng giá trị thiên tài của họ. Còn ông cũng chẳng mong lúc mình còn sống người ta nhìn ra vấn đề, chắc cũng phải mất đến hàng thập niên. Và giờ tôi mới hiểu câu nói đấy của ông, chờ đợi chính là thời gian thôi!

* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

100 năm nhà thơ Đặng Đình Hưng

Nhà thơ Đặng Đình Hưng sinh ngày 9/3/1924, quê ở làng Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, nay thuộc Hà Nội.

Tốt nghiệp trường Bưởi năm 1942, ông theo học trường Luật Đông Dương. Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, ông theo cách mạng lên Vĩnh Yên làm công tác tuyên truyền và làm Đoàn trưởng kiêm chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương.

Làm thơ từ 1958 đến 1979, trong hơn 20 năm ông viết 6 tác phẩm chính. Ông mất năm 1990. Năm 2005, Từ điển văn học Việt Nam bộ mới (NXB Thế giới) đã có mục riêng cho Đặng Đình Hưng.

Lam Anh (thực hiện). Ảnh: Gia đình cung cấp

Link gốc: TTVH