Châu Âu tiên phong trong quản lý tiền kỹ thuật số

Ra đời từ nhu cầu về một loại tiền tệ phi tập trung không chịu sự kiểm soát của các chính phủ, các đồng tiền kỹ thuật số lâu nay không tuân theo các quy định của hệ thống tài chính. 

Tuy nhiên, những ngày tự do của thị trường tiền kỹ thuật số có thể sẽ sớm chấm dứt do Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã thông qua những quy tắc toàn diện liên quan đến tài sản kỹ thuật số. Với Quy định về thị trường tài sản tiền kỹ thuật số (MiCA) ban hành tháng 5 vừa qua, EU đã vượt Mỹ trở thành nơi đầu tiên trên thế giới có một quy định toàn diện về tiền kỹ thuật số.

MiCA đưa ra những quy tắc cụ thể liên quan đến tài sản tiền kỹ thuật số, địa điểm giao dịch và các nhà cung cấp ví tiền kỹ thuật số để bảo vệ các nhà đầu tư và người tiêu dùng cũng như ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp như rửa tiền. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ năm 2024.

 Châu Âu tiên phong trong quản lý tiền kỹ thuật số - Ảnh 1.

Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN

Phó Chủ tịch Hiệp hội Crypto Valley (Thụy Sĩ), ông Jerome Bailly, cho biết MiCA mang đến những quy định rõ ràng đối với tiền kỹ thuật số, từ đó các công ty tiền kỹ thuật số có thể điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình. Ông bày tỏ tin tưởng Thụy Sĩ và Anh sẽ sớm ban hành những quy định tương tự, đưa châu Âu trở thành khu vực áp dụng quy định quản lý tiền kỹ thuật số.

Ông Bailly cũng bày tỏ lo ngại về thị trường tiền kỹ thuật số tại Mỹ hiện nay. Các công ty tiền kỹ thuật số ở nền kinh tế hàng đầu thế giới đang lao đao sau sự sụp đổ của các ngân hàng Signature Bank, Silvergate và Silicon Valley Bank (SVB) - những nhà tài trợ lớn cho lĩnh vực công nghệ và các công ty khởi nghiệp. 

Trong khi đó, nhà chức trách Mỹ bắt đầu siết chặt quản lý các công ty tiền kỹ thuật số kể từ sau sự sụp đổ của các sàn giao dịch FTX và Genesis, cho rằng sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới Binance và đối thủ Coinbase vi phạm các quy định về giao dịch chứng khoán. Tháng 2 vừa qua, sàn giao dịch Kraken có trụ sở tại California đã phải nộp phạt một khoản tiền lớn cho Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) của Mỹ vì giao dịch chứng khoán chưa đăng ký.

Ông Bailly cho rằng việc Mỹ không có một quy định rõ ràng về tiền kỹ thuật số đang gây khó khăn cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực này, khi mà ở nước này vẫn còn chưa ngã ngũ về việc nên coi tiền kỹ thuật số là tài sản tài chính và do đó chịu sự giám sát của SEC hay nên coi là hàng hóa và chịu sự giám sát của Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn (CFTC).

Luật sư Thomas Naegeli tại Liechtenstein cho biết rất nhiều công ty tiền kỹ thuật số ở Mỹ đang chuyển hoạt động kinh doanh sang châu Âu do lo ngại bị các cơ quan quản lý ở Mỹ khởi kiện. Ông lưu ý rằng Mỹ hiện nay vẫn là thị trường tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, do đó nước này cần nhanh chóng đưa ra một quy định pháp lý đối với loại tiền tệ này.

Phan An/TTXVN

Link gốc: TTVH