Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: 'Quân tướng' của Thủy Tinh có thể thấy trên đồ đồng Đông Sơn
Biết tin tôi có ý định sẽ dừng nói về linh thú trên chuyên trang "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất" của Thể thao & Văn hóa (TTXVN) để bắt đầu kể về thế giới "Con người Đông Sơn", có một số độc giả yêu cầu nói thêm về các loài thuộc thế giới thủy vực sông nước.
Có lẽ đây cũng là một gợi ý hợp lý, bởi chuỗi bài vừa qua chủ yếu nói về thú thiêng trên cạn là chính. Vậy, trong cuộc chiến hàng năm giữa Sơn Tinh - Thủy Tinh thì người Đông Sơn đã hé mở tư duy của họ về thủy cung ra sao? Bài này sẽ giúp bạn đọc cùng lục tìm điều đó trong kho dữ liệu nghệ thuật Đông Sơn của chúng tôi.
1. Chúng ta đã nói nhiều về cá sấu và rùa (giải) trong các bài "Cá sấu và ếch nhái", "Rùa và chim" và cả một phần trong bài về "Cá sấu hóa rồng trong nghệ thuật tâm linh Đông Sơn". Hôm nay tôi sẽ không nói về cá sấu và rùa (giải) nữa, mặc dầu có lẽ đây là những "tướng lĩnh" quan trọng nhất của Thủy Tinh trong đối chọi với Sơn Tinh năm xưa.
Cá chiếm số đông nhất trong các loài thủy tộc được người Đông Sơn mô tả. Thực ra, cá là một loài cổ xưa nhất và có lẽ cũng là đầu tiên được cư dân văn hóa Hòa Bình tôn thờ và thể hiện từ khoảng 20 ngàn năm trước. Song song với việc đánh bắt nhiều loài cá lớn 10 - 20kg trong các thủy vực vùng núi đá vôi - mà bằng chứng khảo cổ học đã thu gom được trong cuộc khai quật của các nhà khảo cổ học Bulgaria và Việt Nam ở Động Can (Độc Lập, Kỳ Sơn, Hòa Bình) - thì người Hòa Bình xưa còn để lại những đồ đeo hình cá làm từ răng thú và khắc hình xương cá lên các đá khoáng để mài lấy bột thổ hoàng.
Nhưng chỉ đến thời văn hóa Đông Sơn, cá cùng các loài thủy tộc mới được mô tả sinh động và chi tiết trên bộ đồ đồng sinh hoạt của mình. Đa số cá Đông Sơn trong kho lưu trữ tư liệu của chúng tôi lấy từ các hình bên dưới các con thuyền trên trống, thạp đồng, như minh họa thế giới môi trường sông nước xưa, một số lấy từ trong lòng đồ đựng dạng chậu thời kỳ Đông Sơn Giao Chỉ.
Trong nhiều trường hợp, cá là đối tượng săn bắt của các loài chim nước. Chưa khi nào cá được thể hiện như một loài thú thiêng, trừ trường hợp duy nhất: khi văn hóa Đông Sơn đã bắt đầu tàn lụi ở thế kỷ 3 sau Công nguyên, xuất hiện những đai đeo quý tộc với hình thần đầu chim ôm cá trong lòng nhằm phù hộ phú quý, phát đạt, thăng hoa của chủ nhân. Thật khó tách bạch để nhận chân giống loài từng loại cá, tuy nhiên có hai loài chính có thể tách bạch: cá thông thường (như trắm, chép…) và cá đuối có hai cánh rộng và đuôi hình roi dài.
Khi thể hiện các con cá dưới thuyền, có lẽ người xưa không chú trọng mô tả loài cá chuyên biệt, mà như một loài cá đại diện. Đáng chú ý là một số con cá lớn ở phía đuôi thuyền được nghệ nhân cố tình kéo dài phần môi trên rất thống nhất như nhấn mạnh một loài cá cụ thể. Những con cá này trong bố cục trang trí có chức năng như để điền đầy vào các cấu trúc hình S nằm đối xứng. Trong khi đó, đôi cá dạng "lưỡng ngư chầu" thường thấy ở đáy chậu trống lại khá thống nhất như loài cá hồng - một loại cá biển ven bờ, ngon thịt. Đôi cá này thường được đặt trong bố cục đối xứng gương (và thảng hoặc cũng cả trong đối xứng xoay - từng thấy ở dạng hoa văn "bào thai" trong văn hóa Phùng Nguyên).
2. Sam (hay sứa) biển cũng xuất hiện dưới các con thuyền Đông Sơn. Chúng có đầu chụp hình mũ sắt và đuôi hình roi rất đặc trưng. Cũng có ý kiến cho rằng, đây là những phiên bản vẽ sai của loài cá đuối. Nhiều người mượn hình ảnh mô tả những loài cá này để nói đến môi trường biển và gắn những con thuyền Đông Sơn với chức năng thuyền biển. Chuyện thuyền biển, tôi sẽ bàn đến trong một buổi "rì rầm" khác. Nhưng có thể lưu ý ở đây rằng, có những loài cá đuối như vậy ngược dòng Mekong vào tận Biển Hồ của Campuchia.
Ngoài ra, tôi muốn nhắc đến loài rắn Đông Sơn. Lần đầu rắn xuất hiện trong nghệ thuật đồng Đông Sơn có lẽ là từ cuộc khai quật Làng Vạc năm 1972 - 1973. Năm đó, nhiều trống đồng, dao găm hình người và ốp chân tay có nhạc chuông đã được phát hiện, gây chấn động giới khảo cổ học trong, ngoài nước.
Rắn trong nghệ thuật tâm linh của quý tộc Đông Sơn Làng Vạc đã vươn tới đỉnh cao linh thiêng với sự xuất hiện của dao găm cán tạo bởi đôi rắn quấn thừng đỡ hổ (cuộc khai quật 1972 -1973), vòng tay rắn hai đầu (Sưu tập CQK, California, Mỹ) - và đặc biệt là chiếc vòng rắn hai đầu tạo hình đẹp vào loại nhất trong nghệ thuật Đông Sơn (Sưu tập Grusenmayer Karim, Gent, Bỉ). Về mặt tạo hình mỹ thuật nguyên thủy thì rắn không dễ để thể hiện. Nhưng việc nghệ nhân Đông Sơn đã có thể tạo ra chiếc vòng rắn quấn tuyệt vời - như sưu tập Grusenmayer Karim đang lưu giữ - thì có thể khẳng định rằng chiếc vòng đó chứa đựng nhiều tâm linh biết chừng nào.
Chiếc vòng lớn này đủ đeo cổ tay, rộng khoảng 7cm nhờ tạo bởi hai nửa có móc khóa liên kết. Bản vòng rộng 3cm thể hiện bốn con rắn. Ở mỗi nửa vòng là một đôi rắn móc vào nhau, đầu rất cũng to và đuôi hướng về chốt khóa móc. Rắn quấn thừng khi này đã là biểu tượng của Phục Hy - Nữ Oa, bỗng xuất hiện cả trên mặt trống đồng khai quật trong mộ được cho là của Câu Đinh, một thủ lĩnh Tây Âu ở vùng hiện là huyện Quảng Nam, châu Văn Sơn, Vân Nam, Trung Quốc. Đây là những chi tiết rất đáng lưu ý trong quá trình tập hợp tư liệu để nhận chân tâm linh của người Đông Sơn qua thái độ của họ trước mỗi loài linh thú.
"Nhìn tổng thể, có thể thấy rõ ràng: Trong nghệ thuật tâm linh Đông Sơn các linh thú trên cạn áp đảo động vật dưới nước - như câu chuyện Sơn Tinh luôn thắng thế trước Thủy Tinh. Phải chăng, đây là sự phản ánh các thế lực Đông Sơn miền cao đã thắng thế miền thấp; Âu đã áp đảo Lạc khi sáp nhập thành Âu Lạc; hổ, voi, hươu nai, chim … đã thắng thế trước cá sấu, rùa, cá…?" - TS Nguyễn Việt.