Hé lộ những nghiên cứu mới về hình tượng rồng (Kỳ 1): Biểu tượng từ dân gian đến cung đình

Trong tọa đàm Năm rồng nói chuyện rồng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam diễn ra vừa qua, PGS-TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã hé mở nguồn gốc nguyên thủy của hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam còn có mối liên hệ mật thiết với loài bò sát.

Ta hẳn đã quá quen thuộc với tạo hình rồng cấu thành từ đặc điểm như: sừng hươu, mũi sư tử, thân rắn, móng chim ưng... Thế nhưng, đây chỉ là long dạng sau quá trình giao lưu với văn hóa Trung Hoa. Tìm về nguồn gốc của rồng trong văn hóa Việt Nam, loài vật này còn có nhiều đặc điểm đa dạng hơn, mà ta hẳn chưa biết. Có thể kể tới rồng mang dáng hình của cá, trăn, rắn, hoặc đáng chú ý hơn cả là cá sấu. Rồng cá sấu - một hình tượng rồng nguyên thủy, thường được biết đến với cái tên "thuồng luồng", "giao long".

Đi tìm nguồn gốc hình tượng rồng

Thực chất, hình tượng rồng đồng nhất với cá sấu đã từng bén rễ rất sâu vào lớp trầm tích văn hóa vùng sông nước ở nước ta. Lý giải cho điều này là bởi cá sấu từng có mặt rất phổ biến từ đồng bằng sông Hồng vào đến tận đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí, xưa kia, nước ta còn có cá sấu nước mặn, nước lợ.

Hé lộ những nghiên cứu mới về hình tượng rồng (Kỳ 1): Biểu tượng từ dân gian đến cung đình - Ảnh 1.

Hình tượng tiên cưỡi rồng trong điêu khắc đình Giẽ Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Loài vật nguy hiểm chẳng biết tự bao giờ đã đi vào trong cả trò chơi trẻ em. Tuổi thơ của mỗi đứa trẻ, nhất là trẻ em ở phía Bắc trở ra hẳn đã quen thuộc với trò chơi thả đỉa ba ba, hoặc miền Trung gọi là bắt ma rà... Quái thú trong trò chơi chính là hình tượng rồng cá sấu. Khi chơi, bọn trẻ giả vờ xuống nước chơi, sau đó phải chạy thật nhanh lên bờ để tránh cá sấu săn lùng. Cá sấu ở đây cũng do một trong những đứa trẻ đó vào vai. Trò chơi này xuất phát từ trong nghi lễ kết hợp giữa Đạo giáo và Phật giáo, cúng cô hồn bị chết đuối, hoặc bị cá sấu ăn thịt. Lồng ghép vào đó là lời khuyên trẻ con tránh xa vùng nước nguy hiểm, để tránh khỏi cá sấu làm hại. Không phải linh vật mang đến điềm lành như hình tượng rồng ta biết tới sau này, có thể thấy, rồng cá sấu trong trò chơi này tính chất nguyên sơ là loài ác thú.

Loài vật này còn hiện diện trong nhiều sự kiện lịch sử đáng nhớ của đất nước. Về khía cạnh mỹ thuật tạo hình, người ta còn phát hiện viên gạch khắc hình cá sấu tại thành Đại La có niên đại thế kỷ 8-9. Cổ vật ấy hiện đang được trưng bày tại di tích Hoàng thành Thăng Long.

Trong Lĩnh Nam chích quái, có đoạn mô tả những bến nước quanh thành Thăng Long ngày xưa đều có cá sấu.

Truy nguyên về nền văn hóa Đông Sơn xa xôi, rồng với hình dạng cá sấu đã trở thành là biểu tượng được thờ phụng mang tính chất tô-tem giáo. Qua những đồ án cá sấu được tạo tác trên bề mặt trống đồng, có thể thấy từng đàn rồng bơi theo thuyền, rồi nghi thức hiến tế vật tổ, treo xác cá sấu trên mui thuyền, để làm lễ cúng tế.

Thờ cúng cá sấu là nghi lễ phổ biến của văn hóa các quốc gia sông nước nói chung, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Qua nghi thức cúng tế này, cư dân Đông Sơn cổ đã nhận mình là con cháu của thủy tộc, của giao long. Sau này, trong truyện Đất rừng phương Nam, nhà văn Đoàn Giỏi cũng có đề cập chuyện cư dân Nam bộ đã săn cá sấu như thế nào, sau đó thờ cúng ra sao.

Sang đến thời Trần, ta vẫn thấy dấu ấn của nghi lễ cúng tế cá sấu. Tương truyền, năm 1282, bỗng đâu cá sấu đậu kín ở bến sông Hồng. Loài thủy quái này khiến cho dân chúng xung quanh không khỏi khiếp sợ. Hay tin, vua Trần Nhân Tông bèn sai Hàn Thuyên tìm cách đuổi loài vật này. Hàn Thuyên không đem theo vũ khí nào, mà chỉ thu phục cá sấu bằng một bài văn tế, sau đó đốt và thả xuống nước. Tuy nhiên, theo kiến giải của ông Trần Trọng Dương, người xưa đã dùng vật hiến tế có thể là trâu, bò, lợn, gà, thậm chí là người để dụ thần cá sấu đến. Việc hiến sinh cho cá sấu còn được nhắc đến trong sự kiện bà Ngọc Trần (vợ vua Lê Thái Tổ) hy sinh thân mình để nghĩa quân Lam Sơn thực hiện nghi lễ tế thần, cầu mong cho chiến thắng quân Minh.

Hé lộ những nghiên cứu mới về hình tượng rồng (Kỳ 1): Biểu tượng từ dân gian đến cung đình - Ảnh 2.

Viên gạch in hình cá sấu hiện đang được trưng bày tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Việc tôn thờ cá sấu cũng đã cho ta thấy, ác thần sau khi bị con người chinh phục, đã được biến đổi để trở thành phúc thần bảo hộ cho dân chúng. Từ thời Đông Sơn, dân ta đã có tục xăm hình rồng. Như trong Thủy kinh chú, soạn dưới thời Bắc Ngụy (Trung Hoa), khoảng thế kỷ 4, có nhắc đến việc dân Giao Chỉ xăm hình rồng để tránh thủy quái ăn thịt.

Đến thế kỷ 13-14, ta còn thấy hoàng gia nhà Trần có tục xăm rồng trên mình, như là một tiếp nối truyền thống của cư dân miền sông nước. Bởi vốn xuất phát là dòng họ đi lên từ miền sông nước, phải thường xuyên đối diện với những loài vật hung tợn dưới nước, dòng dõi nhà Trần có truyền thống xăm hình thái long ở vế đùi, bắp đùi, ổ bụng. Tuy nhiên, khi này, con rồng dưới ảnh hưởng của Nho giáo, đã trở thành biểu tượng của vương quyền. Vì vậy, vua mới ra lệnh cấm dân thường xăm hình rồng. Sau sắc lệnh cấm xăm hình rồng của nhà Trần, rồng đã được luật hóa, trở thành biểu tượng dành riêng cho đế vương từ đây. Mãi đến khi nhà Lê suy yếu, nhà Mạc lên ngôi, con rồng mới lại ngập tràn trong dân gian, qua những điêu khắc đình làng.

Hình tượng có tính giao thoa văn hóa

Tư duy về hình tượng rồng của người Mường cũng có nét tương đồng với người Việt. Nếu như người Việt sử dụng hình tượng rồng để đưa lên các trang phục, thể hiện sự uy quyền. Thì trên trang phục của những vị quan lại người Mường làm cho chính quyền trung ương cũng xuất hiện đồ án trang trí này. Điều này thể hiện sự giao lưu văn hóa rồng giữa người Việt với người Mường.

Tuy nhiên, con rồng của người Mường (rồng khú) là một loại rồng có nguồn gốc từ rắn, với các đặc điểm long dạng như thân rắn, mào đỏ trên đầu, rất giống với hình ảnh chằn tinh trong truyện dân gian Thạch Sanh.

Hé lộ những nghiên cứu mới về hình tượng rồng (Kỳ 1): Biểu tượng từ dân gian đến cung đình - Ảnh 3.

Sự việc Hàn Thuyên làm bài văn thả xuống sông đuổi cá sấu khắc trên mộc bản sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia IV

Hoặc rồng vốn mang dáng hình của loài trăn, rắn còn được nhân hóa thành hình tượng Thần Khú đi hỏi vợ. Tương truyền, Thần Khú dâng nước lên tới chân nhà sàn, làm hại người, bắt phụ nữ về làm vợ. Sau đó, về miền nước, y lại hiện nguyên hình thành rồng. Chuyện dâng nước lên đi hỏi vợ có sự liên quan mật thiết với hình tượng Sơn Tinh - Thủy Tinh của người Việt.

Hình tượng rồng trong văn hóa người Mường khi là hung thần, cũng có khi trở thành phúc thần. Quá trình diễn biến của biểu tượng ấy phụ thuộc ở mỗi tích truyện khác nhau. Tương truyền, Thằng Cụt được Mế Cụt nhận làm con nuôi. Sau khi biến hình thành người, nó vẫn bị khinh khi vì nguồn gốc thủy quái. Tủi thân, Thằng Cụt lại trở về nước, hại người, ăn thịt cả chị nuôi. Chịu lời mắng mỏ là kẻ bất nghĩa của Mế Cụt, Thằng Cụt bị trừng phạt chết, xác nổi lên. Lại có sự tích khác nói rồng khú là thần giữ của, thần giao thông, vắt ngang qua sông, suối, làm cho người dân qua lại.

Ngày xưa, ở vùng Ngã Ba Hạc (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) còn xuất hiện nghi lễ cúng thần rồng. Trong khi các đạo sĩ sử dụng long bích - viên ngọc có hình rồng, thì người dân địa phương cúng thần bằng cách bắn cung tên hoặc súng kíp xuống dòng nước để trấn yểm thủy quái. Nét văn hóa này được cả cộng đồng người Việt lẫn người Mường cùng sẻ chia.

Từ rồng của người Việt đến rồng khú của người Mường, ta thấy văn hóa rồng ở Việt Nam có những điểm tương đồng và dị biệt. Đây là một thành tố thể hiện sự giao thoa văn hóa trong cộng đồng văn hóa đa tộc người ở nước ta.

Sau sắc lệnh cấm xăm hình rồng của nhà Trần, rồng đã được luật hóa, trở thành biểu tượng dành riêng cho đế vương từ đây.

(Còn tiếp)

Phúc Nam

Link gốc: TTVH