Chào tuần mới: Nói gì trong ngày 'cá tháng Tư'?

Khá thú vị, một tuần mới đến với chúng ta đúng vào ngày 1/4 - ngày "cá tháng Tư" nổi tiếng trên thế giới. Và tất nhiên, nó cũng không xa lạ ở Việt Nam - nơi mà trong nhiều năm qua, những trò đùa trong ngày này vẫn được chúng ta duy trì.

Dù vậy, nếu nhìn lại, ngày "cá tháng Tư" du nhập vào Việt Nam khá muộn.

Chắc chắn, ở thập niên 1980, khái niệm về một ngày đặc biệt của phương Tây - nơi người ta được phép đánh lừa, trêu chọc người khác bằng những lời nói dối vô hại - vẫn còn được biết tới rất ít (chứ chưa nói là áp dụng) tại Việt Nam.

Như sự chia sẻ của nhiều người thuộc thế hệ 6X - 7X, lần đầu tiên họ biết tới khái niệm này qua một tập truyện "Doraemon" vào năm 1993 của NXB Kim Đồng. Thậm chí, để hiểu rõ về cột mốc ấy, đã có những người bỏ công truy nguyên và tìm ra: Đó là truyện "Cá tháng Tư", được tác giả viết đúng vào ngày 1/4/1989 tại Nhật Bản.

Có lẽ, cũng chính vì ấn tượng này, mà khi dần phổ biến trong giai đoạn mở cửa sau đó, ngày 1/4 vẫn được chúng ta gọi bằng cái tên "cá tháng Tư" thay cho những cái tên như "ngày nói dối", hoặc "April Fool" trong tiếng Anh.

Chào tuần mới: Nói gì trong ngày 'cá tháng Tư'? - Ảnh 1.

Ngày 1/4 - ngày "cá tháng Tư". Ảnh: Internet

Rồi, những năm về sau, cùng với sự phát triển của Internet, mạng xã hội, nó càng được nối dài và trở nên quen thuộc qua những trò đùa đa dạng, mà giới trẻ vẫn gọi bằng "câu cá". Quen thuộc tới mức, không ít tờ báo cũng sẵn sàng "câu cá" để có thêm chút hào hứng cho độc giả vào dịp này.

***

Cũng dễ hiểu, khi ngày "cá tháng Tư" dần được chúng ta chấp nhận trong dòng chảy hội nhập. Bởi, xét cho cùng, người Việt Nam cũng không phải quá khó tính trong chuyện vui đùa, giống như không ít những truyện Trạng, truyện Thủ Thiệm, truyện tiếu lâm theo kiểu "nói khoác" từng có trong văn hóa dân gian.

Nhưng cũng giống như bất cứ yếu tố văn hóa nào được du nhập, "cá tháng Tư" cũng phải trải qua một quá trình nhất định để thích ứng, cũng như được tiếp cận một cách hợp lý từ cộng đồng.

Thực tế, mấy chục năm qua, chúng ta cũng từng được nghe quá nhiều câu chuyện về những "sai số" không đáng có trong những trò đùa ngày "cá tháng Tư". Để rồi, kết luận chung được rút ra: Trong dịp này, vui và thân quen đến mấy, bạn cũng nên biết tránh những "lời nói dối" liên quan tới các vấn đề tế nhị như sức khỏe, giới tính, tình cảm hoặc vẻ bề ngoài.

Và nữa, cũng sẽ là bất công, nếu ngày "cá tháng Tư" lại trở thành lý do để một số người tranh thủ bộc bạch những chua chát, bi quan của mình về sự dối trá trong bản tính con người hoặc xã hội. Bởi đơn giản, đó là những câu chuyện vĩ mô và đòi hỏi một cách tiếp cận hoàn toàn khác - thay vì nhất định phải chọn một ngày được đặt ra với mục đích bông đùa.

Vậy cuối cùng, chúng ta nên… nói gì trong "ngày nói dối" có tên "cá tháng Tư" này?

Nếu hào hứng, hãy cứ thoải mái "đi câu" hoặc chấp nhận làm "con cá bị câu" bằng những trò đùa vô hại, với cái đích cuối cùng để tất cả chúng ta có thể thoải mái cười xòa vì có thêm chút hưng phấn trong cuộc sống thường nhật. Còn nếu không, hãy cứ đơn giản coi đó là một ngày bình thường nhất.

Và thậm chí, nếu gạt bỏ câu chuyện "cá tháng Tư" của phương Tây, hãy nhớ rằng ngày 1/4 cũng có những tầng nghĩa riêng với chính chúng ta, tùy theo sự tri nhận. Đó có thể là ngày sinh nhật một người bạn thân, là ngày mất của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn hoặc nhà văn Hòa Vang - một tác giả khá nổi tiếng với những truyện ngắn như "Sự tích những ngày đẹp trời","Nhân sứ"...

Cười hay không trong ngày này, đó là câu chuyện từ lòng mình, chứ không phải gắn với một sự định danh!

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH